
“Lại hỏng bét hết rồi, mình thật ngu.”
“Sao mình viết dở tệ vậy?”
“Chắc chắn người đó ghét mình rồi. Mình chết mất.”
Bạn nghe có quen không? Hàng triệu ý nghĩ tương tự nổi lên chính là khi “Inner Critic” – “Kẻ chỉ trích bên trong” xuất hiện. Ta thường dễ dàng bị lôi kéo theo “Inner Critic”, theo những miên man chỉ trích bất tận rồi kiệt sức, đau khổ, chán nản, nghi ngờ, căm ghét bản thân.
Có một sự thật buồn cười là sau khi biết về các khái niệm self-care, ta lại có thể bị rơi vào tầng sâu hơn, vào vòng lẩn quẩn rằng tại sao đã biết mình phải yêu chính mình mà mình lại đang ghét mình điên dại đến vậy, thậm chí ghét còn hơn trước khi biết self-care là gì. “Biết mà không làm được thì còn ức chế hơn là chưa biết.” Bạn đã tâm sự với mình như vậy đấy.
Bạn ơi, yêu bản thân không phải là một khẩu hiệu, không tự nhiên mà có. Đó là nhiều thực tập suốt đời, bao gồm cả việc hiểu và thương.
Trong lớp học Self-Compassion, mình và J. thảo luận về trải nghiệm đối đãi với “Inner Critic” khi cả đời không thể nào trốn thoát nó. Chắc chắn là phải học cách “sống chung với lũ” nhưng không để lũ cuốn, và phải quay về sự hiểu – sự thương. Hiểu. Ta sẽ đỡ khổ hơn khi hiểu rằng “Inner Critic” là từ cơ chế phòng thủ tự vệ của loài. Nói đơn giản, mỗi lần xảy ra chuyện gì đe doạ sự tồn tại của bản thân, “Inner Critic” (cùng nhiều đứa khác) lập tức nhảy bổ ra hoặc với sự hùng hổ sẵn sàng chiến đấu, hoặc phản ứng đông cứng, hoặc chạy lẹ trốn thoát (cơ chế Fight, Flight, Freeze). Ví dụ như khi gấu xuất hiện thì sợ quá đứng yên (mong con gấu sẽ bỏ qua), khi thấy ong dữ thì chạy (mong sẽ thoát ong chích), hay bị con muỗi cắn thì phản xạ đập nó (chiến đấu lại với con muỗi để không bị tổn hại)…
“Inner Critic” muốn bảo vệ mình, muốn mình được khoẻ mạnh (nên chửi mình “Đồ làm biếng” khi mình hong tập yoga), muốn mình được yêu thương (nên chửi mình “Ngu ngốc” khi mình hong được điểm cao và bố mẹ thì thích mình được điểm cao)… Nhưng đôi khi một kẻ thương mình nhiều thiệt nhiều chưa chắc biết cách nào tốt và phù hợp với mình, “Inner Critic” cũng vậy. Sự tiến hoá của nó không kịp với tốc độ phát triển của con người, nên khi không còn cơ hội chiến đấu với mối đe dọa như gấu thì chuyển sang chiến đấu từng giây phút với đe doạ mới chính là suy nghĩ rối rắm, những self-concept của mình.
Mình hiểu rằng “Inner Critic” xuất hiện là muốn bảo vệ, giúp đối phó với vấn đề mới, đặt câu hỏi và tìm giải pháp tiếp theo để tồn tại chính là cái hiểu cơ bản cần có. Từ đó mình nảy sinh tình thương. Quả thật, mình thương bạn “Inner Critic” hơn, ít một, từng ngày.
Thương. Vì thương, mình tự nhiên muốn ôm ấp bạn, cảm thông với công việc cật lực của bạn. Ôi bạn luôn ở đó, luôn sẵn sàng khuyên răn mình. Dù bạn hơi lố, dường như thường xuất hiện hùng hổ với ánh mắt long sòng sọc và vũ khí trong tay, hoặc léo nhéo miệt thị… nhưng có mấy ai tận tuỵ với mình giống như bạn đâu cơ chứ?
Mỗi lần bạn xuất hiện, mình tự nhủ kiên nhẫn một chút, không trốn mà ngồi chơi với bạn (vì càng trốn bạn lại càng lải nhải). Ừ, mình sẽ ngồi xuống trò chuyện (như cách cô Julia Camera trò chuyện với Censor trong Morning Pages), mình nghe hết phân tích sự kiện các kiểu, rồi nhẹ nhàng cảm ơn bạn. “Bạn đã vất vả rồi. Việc này cứ để mình lo.”
Rồi mình đi làm việc của mình tiếp. Nếu đang viết (và “Inner Critic” nhảy xổ ra chê viết dở) thì cảm ơn rồi viết tiếp. Nếu đang làm một điều gì đó chưa tự tin (và “Inner Critic” nhảy xổ ra nói nghìn chữ “nếu”) thì cảm ơn rồi làm tiếp. Chỉ vậy thôi.
Tình thương dành cho “Inner Critic” là một tình cảm lạ lùng, là quá trình chuyển hoang mang sợ hãi thành thương, rồi thi thoảng lại không ưa nổi, rồi lại thương. Nó tương tự cảm giác với người thân có cách sống và bảo vệ không phù hợp nhưng vẫn phải sống chung và biết là không thể đứt rời. Tuy nhiên, giản đơn hơn thế nhiều, bởi “Inner Critic” chỉ là một suy nghĩ trong đầu mình mà thôi.
Thương cả phần khiếm khuyết của mình là một thực tập khó khăn. Thương tiếng nói chỉ trích bên trong mình là một thực tập khó khăn. Nó có thể bắt đầu bằng việc để cho mọi sự hiện diện như nó là, lắng nghe nó, cảm ơn và tiếp tục đi tới. Đừng bị nó đồng hoá hay tấn công.
Bởi mình lớn hơn những đau khổ, những khiếm khuyết, những suy nghĩ của mình nhiều lắm.
Thương chúc tụi mình thân tâm an lạc.
Phiên Nghiên
CA, 11.2021
*Bài viết nằm trong loạt chia sẻ phương pháp cụ thể #làm_sao_để_hiểu_chính_mình
RESOURCE:
- Các bài giảng về Inner Critic trên Dharma Seed
- Lớp Mindfulness-Based Stress Reduction (MBSR) phát triển bởi Jon Kabatt-Zin
- Thư mục các bài phương pháp Làm sao để hiểu chính mình