
Dạo này có nhiều chuyện ồn ào trên mạng, bạn hỏi sao rần rần vây mà mình không viết? Mình nghĩ gì về sự “hứng khởi” và “chính nghĩa” từ một cá nhân (vốn dĩ nhiều privilege) ư? Mình trả lời bạn là mình sẽ không viết một bài nào về chuyện ấy đâu, một phần vì mình đã viết rồi, nhưng mình vẫn dùng sự kiện để soi chiếu mình.Mọi thứ dường như theo những pattern sẵn, những trật tự vĩnh hằng.
Cuộc đời tập hợp những vai phải có để cấu thành một câu chuyện, tùy thời điểm, văn hóa, địa điểm khác nhau… sẽ có người khác nhau đóng những vai giống nhau. Ví dụ chuyện một người khuấy động mạng xã hội và có vẻ như nói lên được tiếng nói của người-dường-như-chưa-từng-được-xem-trọng-ý-kiến vừa xảy ra ở Mỹ mấy năm qua, để lại tàn tích là thế hệ gia đình chia rẽ, bạn bè quay lưng, một đất nước bị đẩy sâu vào tâm phân biệt, cuộc tấn công vào tòa nhà màu trắng nghiêm cẩn làm bàng hoàng thế giới và có lẽ không-ai-được-ân-xá.
Bên cạnh việc dường như luôn ao ước cuộc sống của người khác, chúng ta cũng luôn tò mò về cuộc sống của người khác. Những thất bại cá nhân dường như được xoa dịu khi nhìn thấy thất bại của người khác. Sự hả hê được ngụy trang bằng lòng chính trực. Sự ganh tỵ được ngụy trang bằng tiếng nói của sự thật. Và sự mơ hồ trong cuộc sống của chính mình được tạm lấp đi bằng khai thác vấp ngã đớn đau của người.
Mấy ngữ chua cay như “Thương cho roi cho vọt”, hay “những nơi cay đắng là nơi thật thà” chắc cần mình chậm lại để ngẫm suy. Tại sao phải chọn xâu xé chọn đắng cay mà không là độ lượng? Ừa, sao mình không thể vừa sống thực thà với nhau vừa sống bằng lòng tử tế?
Mình có ngạc nhiên và tiếc nuối vì người ta đã chọn không còn hỏi nhau, không còn đối thoại, dù đó là người từng được yêu quý rất nhiều. Người ta đã chọn không tin vào điều tốt, chọn mau giận dữ, đã chọn cuốn theo sự tò mò thỏa mãn cái tôi chứ không phải tò mò để mở ra thế giới…
Sự này cũng sẽ qua, sớm thôi, nhưng rồi ai đó sẽ dễ chọn rụt rè hơn khi cho đi, dễ chọn phán xét hơn khi đứng trước một điều tốt. Người ta quên rằng ai cũng có phần tốt và phần chưa tốt, nhưng nếu đối với nhau bằng lòng từ, sự sẽ dễ thở hơn, trước hết là cho chính cuộc sống ngắn ngủi của mình.
Sau tất cả, mình vẫn chọn giữ lại lòng thương. Mình vẫn tin vào điều tốt. Mình tin vào sức mạnh của cho-thêm-một-cơ-hội. Bởi mình sống có lần này, trái tim nín thinh thì có chi vui, không còn điều tốt, không còn cái đẹp thì mỗi ngày tồn tại trong kiếp người rất rỗng.
Bởi sự này rồi cũng sẽ qua, quan trọng là điều gì ở lại trong tim mình, trong cuộc sống mình.
Mình xin ôm hết lao xao, trong trái tim vô biên cửa ngõ. Hạt giống lòng thương vốn có sẵn, như mọi thứ, nhưng vẫn cần thực tập để nó trở thành cổ thụ trong khu vườn tâm hồn mình. Nguyện thở sâu trong sự đổi dời đang diễn ra từng sát na. Nguyện cho người chèo, người lội, người đang đuối nước, người đứng coi, người đẩy thuyền… tất thảy được bình an và qua được bờ bên kia sau nhiều sóng gió.
Xin gởi bạn vài bài đọc dịp này, nếu bạn muốn cùng thực tập nhìn vạn vật biến đổi (impermanence practice) và thực tập lòng thương (loving kindness practice):
1. “Chọn để thêm khổ đau hay chọn học thêm về lòng thương? À, chọn thái độ nào để đối diện mới là điều mình có thể làm trong khả năng của mình.”
2. “Mình tập cách mới là theo dõi một sự vụ ồn ào theo tâm thế khác, soi chiếu nó vào bên trong mình, rằng vì sao mình cảm thấy gợn, thấy khó chịu, thấy giãy nãy với vấn đề này.”
3. “Phải chăng tự do là mình được quyền chọn nuôi hạt giống nào, chọn cách sống như thế nào và chịu trách nhiệm với nó bằng sự hiểu biết và tình thương của mình, ngay lúc này.”
4. “Tỉnh thức, tự do đều là những lựa chọn của chính bạn.”
5. “Con người ngu dại cần sự nhắc nhở thường xuyên, bằng tất cả sự sống động của nỗi khổ, không thì quên. Kiếp này. Kiếp khác.”
Phiên Nghiên
CA, 6.2021
P.S: Tập sao cho nhìn vào cái khổ của người cũng là cái khổ của mình, thì lòng từ sẽ bao trùm lấy sự ích kỷ, háo thắng của ego.