
Báo chí vừa nhắc chính thức tròn một năm phát hiện đại dịch. Từ ngày Mỹ công bố ca nhiễm đầu tiên 20/1/2020, mình lập thói quen mới: trước khi ngủ cầu nguyện cho người ra đi. Cứ một người tử vong vì Covid thì niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Mình không phải người tu Tịnh Độ nhưng đây là câu niệm nằm lòng từ nhỏ, ở nhà mẹ dạy mỗi tối đốt nhang cắm ở bốn bàn thờ, niệm rồi xá riết thành quen. Lúc đi ngang đám tang cũng thường niệm, mong họ bớt chút sợ hãi trên đường trở về.
Mới đầu, một câu niệm chậm khoảng 5 giây nên thời niệm tầm 2 phút. Rồi người chết ở Mỹ tăng lên, mình tập niệm nhanh hơn khi vẫn tròn năng lượng, 2 câu 1 giây, 1.000 câu trong 10 phút, hơn 30 phút liên tục cho 2.000 ca tử vong luôn khoản nghỉ thở. Đỉnh điểm một hôm bạn mở trang số liệu ra, thảng thốt nói với mình, “Trời đất, bữa nay chết tới 4.000 ca rồi nàng niệm tới bao lâu mới hết?”
Lúc đó mình đã ngưng niệm tập trung cũng ngưng đếm rồi. Mình chuyển sang niệm thêm thời rảnh, nghĩa là lúc ngồi xe, lặt rau, đi bộ… “Nam mô A Di Đà Phật” trở thành một tấm âm thanh nền mà mình tự bật lên bất cứ khi nào có thể. Mình từng hít vào thở ra chung một bầu không khí với những người này, mình gởi niệm lành cùng lòng biết ơn bài học riêng của họ đã góp trong bài học chung.
Riêng hôm nay nước Mỹ có hơn 3.000 người chết liên quan dịch bệnh (hơn số người chết trong vụ khủng bố 11/9); tổng số tử vong lên đến 429.220 người (gấp 6 lần số lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam). Vậy mà có người vẫn coi đó là chuyện ở đâu… Đến khi ai đó trong gia đình họ tử vong, đến khi họ ôm trên tay một hũ sành mà chưa nhận thức được hết sự mất mát.
Khi một người chết có khi người ta còn nghe xương thịt, còn mường tượng một đám tang, nhưng khi quá nhiều thì nó thành số liệu, thành những ký tự vô hồn. Mình nhắm mắt nghĩ tổng số người Mỹ tử vong vì Covid tương đương với tổng dân số của quê mình, thành phố Mỹ Tho, chết sạch, mỗi người chết 2 lần, thì thấy rất khủng khiếp. Gia đình, họ hàng, bà con chòm xóm, thím bán rau rẻ, cô bánh canh bốn chục năm, mấy đứa nhỏ vừa khóc oe ở bệnh viện phụ sản, ông già hay ngồi góc ngã tư bán ổi, chú chạy xe ôm, con bé bán vé số, chủ tịch bí thơ dân thường tù nhân cô giáo bác sỹ y tá thủ thư bảo vệ, tiệm net tiệm xăng tiệm ăn tiệm bánh tiệm khô tiệm thịt tiệm gạo tiệm sữa… Chết sạch. Chết 2 lần.
Mình dù hiểu dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt… là một phần của vòng quay tự nhiên nhưng cũng có lúc kêu Trời, đau lòng quá đỗi. Rồi khi ngồi yên mình xòe tay đếm, chọn sợ hãi, chọn thờ ơ… hay chọn tình yêu, chọn cho đi…? Chọn để thêm khổ đau hay chọn học thêm về lòng thương? À, chọn thái độ nào để đối diện mới là điều mình có thể làm trong khả năng của mình.
Mình đã unfriend không biết bao nhiêu người đăng tin Covid không có thật. Mình đã đau lòng khi nghe chuyện người con đang kẹt ở Việt Nam mất cả cha lẫn mẹ vì bệnh dịch ở Mỹ, chỉ nhìn nhau qua Facetime lần cuối. Mình đã xót xa hình ảnh gia đình kia bỗng một ngày nhận trong tay hũ cốt của người thân; những bác sỹ túc trực ở bệnh viện hàng trăm ngày rồi mất luôn chưa kịp nhìn mặt con nhỏ. Mấy cuộc chia ly như vậy để lại khoảng trống không thể nào lấp, vì ký ức lần cuối vẫn là đang ở bên nhau bằng hơi ấm hơi thở, khó chấp nhận nắm tro trong tay là hình hài từng cười nói. Sự chuyển dạng này quá sức tưởng tượng của một con người bình thường.
Không phải ai mắc bệnh cũng chết, nhưng không phải vì vậy mà coi nhẹ nó và coi thường sự tồn tại của người khác. Bạn có thể bị đau như cơn cúm thường, nhưng rồi lỡ lây cho người lớn tuổi và nó sẽ giết họ. Từng người là influencer của cộng đồng nhỏ quanh mình, nên cẩn trọng với những phát ngôn điều hướng. Trong lịch sử, loài người đã vượt qua nhiều lần dịch bệnh, nhưng có lẽ bài học luôn mới khi con người là giống mau quên.
1 năm. 99 triệu ca nhiễm. 77 triệu ca hồi phục. 2 triệu ca tử vong.
Lần này, mong mỗi chúng ta được sáng suốt hơn để với trí tuệ đó, mỗi người dám chọn lòng thương cho kiếp sống con người.
Phiên Nghiên
CA, 1.2021
Mừng bạn về nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!