
Có những đứa trẻ sống trong bối rối suốt tuổi thơ. Nó tin rằng “cái ôm” nghĩa là tốt, đến một ngày ai đó nói chuyện ngọt ngào và ôm nó nhưng nó lại cảm thấy vô cùng khó chịu, muốn phản kháng nhưng không thể vì sự mù mịt này. Theo cái hiểu của nó thì người ta thương mới ôm nó. Vậy tại sao nó cảm thấy khó chịu vì cái ôm này?
Khi dạy trẻ bảo vệ cơ thể, một trong những điều quan trọng nên nhắc là có “good touch – bad touch”, nghĩa là có những cái ôm ấm áp và cũng có những cái chạm bạo lực, để trẻ có khái niệm đầu tiên về cảm nhận và sự phản ứng. Trẻ cần được biết hai thứ ấy cùng tồn tại để bảo vệ chính mình.
Sau này lớn lên, tôi nhận ra đứa trẻ tôi ngày bé được quyền biết có tình yêu và những cái nhân danh tình yêu, có màu hồng và màu đen, có ngày và đêm, có mùa xuân và có mùa đông, rồi có thêm mùa hạ và mùa thu cùng tồn tại nữa.
Một đứa trẻ tin rằng thế giới chỉ màu hồng sẽ bế tắc khi nhận ra quanh nó còn chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, cái chết, bất công, lừa đảo… Một đứa trẻ tin rằng thế giới toàn điều xấu sẽ nghi ngờ chuyện nghĩa thiện, cho đi, những phát minh cứu rỗi loài người trăm năm qua như vắc-xin, máy móc… và có thể nghi ngờ luôn cả những người thương đồng hành với nó. Những điều này góp phần cho khủng hoảng về sự tồn tại của bản thân một ngày nào đó.
Có những điều được đơn giản hóa đi, như cách người ta thường nói về nhân-quả: làm tốt thì gặt quả tốt, làm xấu gặt quả xấu. “Good for the good and bad for the bad”. Nhưng cái hiểu đó chưa đủ, nó không giải thích được cho đứa trẻ những câu hỏi như Tại sao dường như người tốt hay gặp chuyện hiểm họa? Tại sao ở lành lại không gặp lành? Tại sao mình sống tốt mà trời xanh chưa an bài? Tại sao làm tốt mãi vẫn chưa gặp chuyện tốt?
Hiểu nhân-quả như vậy sẽ khiến suy nghĩ thành đường mòn, tỉ như khi gặp một điều bất như ý sẽ lập tức xếp vào quả xấu, đưa đến dằn vặt bản thân không đủ tốt, trách móc mình vô dụng, cảm thấy xấu hổ vì rõ là theo nguyên tắc thì mình phải làm xấu mới bị quả xấu.
Những nghĩ suy choáng ngợp và bế tắc đến khi tiếp tục được một lời giải thích đơn giản khác rằng: “Tại kiếp trước làm ác nên gặp ác” Vài người sẽ đồng ý để yên lòng tiếp tục, dù bên trong sợ hãi rằng mình có nghiệp ác nào đó tự bao năm bất ngờ trổ dậy. Vài người vẫn băn khoăn mơ hồ chống đối vì tại sao kiếp trước mà kiếp này phải trả? Vài người lỡ gắn mình chính là suy nghĩ của mình, không thể tin ý thức có thể tồn tại hoàn toàn giống vậy khi mất đi thân xác kiếp này, họ bất mãn và quay ngược tất cả nguyên tắc, luật lệ, để tìm kiếm cảm giác tự do và câu trả lời khác.
Nếu đứa trẻ biết cách chấp nhận thế giới có tốt và chưa tốt, có lên có xuống, có đổi thay, có ảnh hưởng, có kết nối, sẽ dễ chấp nhận những mảng màu này bên trong nó hơn.
Hành trình làm người sẽ dễ thở hơn khi một người hiểu vì sao người ta chào đón mùa xuân và biết cách sống cùng mùa đông xám lạnh, khi chấp nhận tốt xấu là hai mặt của một đồng tiền, khi nhận ra cái thấy lấp lánh chưa hẳn là vàng, và không phải vàng nào cũng lấp lánh, khi chấp nhận mình ở giữa vàng thau lẫn lộn sẽ biết mình đang phải học bài gì. Phải chăng tự do là mình được quyền chọn nuôi hạt giống nào, chọn cách sống như thế nào và chịu trách nhiệm với nó bằng sự hiểu biết và tình thương của mình, ngay lúc này.
“Có một hạt giống ánh sáng ở bên trong
em giữ nó với chính mình hoặc để nó chết…” (Rumi)
Một ngày đủ thực tập và cơ duyên để ngộ ra sự thật rằng đồng tiền thì không có tốt xấu. Tốt và xấu là do góc nhìn, niềm tin, cảm xúc… hiện tại mà thôi. Thế giới luôn có màu đen, màu trắng, màu xám và hàng hà sa số màu khác. Sẽ ra sao nếu tất cả bức tranh đều chỉ một màu dù là màu mình ưa thích nhất? Con người bất tử có biết quý cuộc sống? Chỉ có ngày không có đêm? Và những bài ca toàn là hạnh phúc?
Mỗi màu đều có vị trí của nó.Mỗi thứ chỉ là một cái móc nhỏ xíu trong dãy móc xích lớn hơn trong một chiếc lưới làm nên một cái móc khác trong dãy móc xích khác trong một chiếc lưới lớn hơn… Cứ vậy! Chúng ta sẽ không bao giờ biết được chiếc lưới TO lớn cỡ nào hay ta đang ở đâu trong đó. Một việc xảy ra vốn do nhiều nguyên nhân hợp thành, với bản chất là không.
Hãy tin rằng tất cả đều là một phần của cái Đẹp. Cái đẹp của sự Hiện hữu. Mình được làm người để trải nghiệm và ngắm nhìn tất cả điều này là một đặc ân.
Cầu mong cho tất cả chúng ta được thấu suốt, được yêu thương đủ để trân trọng tất cả những mảng màu của thế giới bên ngoài và bên trong chính mình.
Phiên Nghiên
CA, 3.2021
Tặng bánh mì cho Viết để tự do
Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách click vào link dưới nha.
1 Comment