
Ai cũng nói về việc “nhìn thấy chính mình” để hiểu mình hơn, làm bạn với đứa trẻ bên trong, nhưng làm sao để nhìn thấy rõ ràng hơn nữa khi chỉ cần soi gương là thấy mình bằng da bằng thịt rồi. Thật ra, việc “nhìn thấy chính mình” rất thú vị, và mình có thể thực hành bằng việc viết. Trong buổi Chuyện trò cùng Phiên (chủ đề The Artist’s Way và người viết) kỳ rồi, Phiên có giải thích lợi ích của thực tập viết tự do để hiểu mình qua mô hình ABC của GS Albert Ellis.
A – Activating event / Situation: Sự kiện, tình huống xảy đến với mình
B – Belief / interpretation / explanation we give to A: Niềm tin, những cách mình diễn dịch tình huống
C – Consequences / our reaction: Cách mình phản ứng lại tình huống
Thông thường, ta tin rằng mình giận dữ (C) là vì chuyện bất như ý (A) xảy ra với mình; hoặc nếu có một việc xảy ra (A) thì mình ngay lập tức phản ứng (C) chứ không kịp nhận ra (B). Ví dụ như người yêu lỡ trễ hẹn (A) và bạn ngay lập tức thấy buồn, thất vọng, thấy bị phản bội, không xứng đáng (C). Bạn bị chìm vào mớ cảm xúc hỗn độn tiêu cực đó, rồi phản ứng gắt gỏng với người yêu, mà không nhìn rõ tại sao mình lại nghĩ mình bị phản bội, không thấy rằng mình vốn có trải nghiệm liên quan tới nỗi sợ cô đơn và bị bỏ rơi (B).
Ta vốn nghĩ một chuyện bất như ý ập tới làm mình tức giận, hoặc một người nào đó làm mình tức giận, nhưng khi chậm lại một chút để hiểu thêm quá trình diễn dịch bên trong tâm trí (B), ta nhận ra có thật nhiều thứ phải học thêm về chính mình và quan trọng là mình luôn có thể chủ động lựa chọn phản ứng, lựa chọn hành động, thêm tình thương và biết cách chấp nhận người khác. Phải thương mình mới biết thương người là vậy!
Viết tự do cho phép mình được hiểu thêm về quá trình (B), bởi khi cho phép mình ngồi xuống viết liên tục không phán xét, mình có không gian để bày biện tất cả cảm xúc ra trang giấy, nắm tay từng đứa cảm xúc một, lắng nghe từng lời giải thích rồi hỏi thăm đứa trẻ bên trong rằng em có sao không, em đang như thế nào.
Mình viết và nhận ra vì mình đi lướt qua (B) nên mới dễ có những nghĩ suy tổn hại đến mình trong thời điểm đó. Mình sẽ dịu dàng ôm lấy mình, đổ bớt cảm giác tội lỗi trên vai, đồng thời dặn mình chậm lại. Những cuộc đối thoại với chính mình trên trang giấy giúp thấy rõ mình, thấy rõ những lời nói lao nhao trong tâm trí, những niềm tin, câu chuyện, trải nghiệm cũ làm nên sự diễn dịch tình huống thường theo hướng tiêu cực. Từ đó khởi lên sự hiểu rằng có một Tôi lớn lao hơn những cảm xúc tức thời.
Mình viết và nhận ra bản chất của sự kiện nào đó đến với mình (A) là không có xấu tốt, phần lớn cách mình phản ứng lại (C) mới cho ra những kết quả khác nhau mà thôi. Người khác cũng có thể đang không nhìn thấy (B) nên họ mới phản ứng như vậy, họ nào đâu muốn làm tổn thương mình. Đây chính là chỗ mình đem thêm tình thương vào để cảm thông cho nhau. Ai cũng có tâm trí chứa đựng hệ thống niềm tin diễn dịch thông qua trải nghiệm riêng, và ai cũng đang ở trong cuộc vất vả làm người. Từ đó khởi lên sự hiểu rằng trong bức tranh lớn không bao giờ mình biết đủ, có một sợi dây vô hình kết nối tất cả chúng ta.
Nhưng nếu bất ngờ cảm thấy đóng băng hoặc bốc hỏa (C) khi gặp một sự kiện (A) và không thể ngồi viết, hãy chạm vào (B) bằng cách trở lại với hơi thở. Hít vào – Thở ra – Cảm nhận hơi thở. Hoặc ngay lập tức tìm kết nối với một thứ giúp mình sống động trở lại, như biết rằng chân mình đang chạm đất, cái cây ngoài kia vẫn đứng rì rào, mình vẫn đang còn đủ mười ngón tay… Và rồi thì thầm với mình, “Tôi ơi, điều gì đang xảy ra?”
Luyện tập viết cho bản thân giúp rèn mình đứng vững trong không gian mênh mông của tâm trí, để những lúc ở ngã rẽ bất ngờ, mình biết rõ mình và chủ động hơn. Mình nhớ một bạn tên Huy viết trong 8 tuần Freewriting rất hay, rằng “Bình thường thì ai chả như nhau, đụng chuyện mới lòi ra bản tính của con người. Mình thấy đụng chuyện thì mới lòi ra sự tu dưỡng rèn luyện của mỗi người thì chính xác hơn.”
Tương tự, đừng đợi đụng chuyện buồn mới viết, giận mới viết, thất vọng mới viết… Hãy tập viết trung thực mỗi ngày vì đó là cách làm quen, nhìn thấy chính mình và vững chãi trong cơn bão.
Phiên Nghiên
CA, 3.2021
Tặng bánh mì cho Viết để tự do
Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách click vào link dưới nha.