Giữa đầm lau có một bồn cầu nhỏ

Trên Google Map, em nó tên là The Lone Toilet. Mình gặp em khi xe đổ dốc cầu Highway 37 đi Vallejo. Chiếc bồn cầu trơ trọi giữa mênh mông đầm lầy tàn tích thị trấn cũ, nhợt nhạt màu trắng sứ quen. Căn phòng gỗ xập xệ giữa đồng cỏ lau mùa ít mưa, ngột ngạt màu cây loang xám.

Chắc chắn là sau phút ngạc nhiên, bật cười, người ta sẽ băn khoăn, sẽ im lặng. Ngàn câu hỏi đặt ra khi thấy một sự không-theo-trật-tự-thông-thường. Tại sao nó lại ở đó? Nó ở đó từ khi nào? Nó có sử dụng được không? Tại sao chỉ còn cái toiltet, những phần khác thì ở đâu? Nó có thật không nhỉ? Con đường nào có thể tới được nó?
Thật tốt khi còn có cái gì đó khiến người ta phải dừng lại một nhịp.

Thật tốt khi còn có cái gì đó khiến người ta thắc mắc.

Đường cao tốc ở California dường như luôn là dòng bất tận, cuộn thời gian thành đoạn phim lướt qua cửa kính xe. May mắn thay, ai đó sẽ nhìn thấy em nó – The Lone Toilet, và bắt đầu đặt câu hỏi, chiêm nghiệm về thứ có vẻ không liên quan tới lợi ích của mình, thứ mà người ta quên làm.

Ông của Wally Lourdeaux là người dựng nên The Lone Toilet vào những năm 1920. Người ta tới đầm lầy săn bắn nên cũng có nhiều người quanh vùng đương thời đã dùng nó. Đặc biệt, ổng khoét thêm 2 cái cửa nho nhỏ bên vách chỉ để giao tiếp với người cưỡi ngựa ngang qua, họ có thể trò chuyện và chiêm nghiệm về thế giới với ổng dù ổng đang trong toilet. Sự cô đơn đến khát người của ổng được kể lại dễ thương như vậy.

Thi thoảng mình thấy vài chỗ miền Tây nước Mỹ có cái giống miền Tây quê mình. Những cánh đồng mênh mông tít tắp, sự hào sảng hiếu khách và ngây thơ, cái khoáng đãng của gió, nắng, của thiên nhiên và cả những người sống giản dị thuận trời đất. Như nhân vật Richard Fresh Air Dick Janson, người hay sử dụng nhà vệ sinh này, đã được Wally viết thành sách.

Richard, cậu bé mồ côi người Nga sống lênh đênh trên thuyền và chọn San Francisco để neo lại đời mình. Cậu vẫn sống trên thuyền, câu cá và đẽo vịt gỗ làm mồi nhử bầy vịt trời khổng lồ cho những người đi săn khác. Hàng ngàn con vịt gỗ đã được Richard điêu khắc bằng tay rất có hồn, hiện nay vẫn được các nhà sưu tập tìm kiếm với giá khoảng hai ngàn đô một con (so với ngày xưa là năm mươi cent một con).

Richard, chiếc thuyền của Richard, nhà của ông Wally, và cả thị trấn Tubbs Island đã chìm dưới đầm lầy. Tất cả những người dùng nó đã qua đời. Chắc ông của Wally cũng không thể nào tưởng tượng nổi, sau trăm năm, thứ còn lại duy nhất chính là cái toilet này đây.

Mình chả bao giờ biết được thứ mình để lại trên thế giới này là gì phải không?

The Lone Toilet đứng đó, như một chiếc ngai bị bỏ quên, trong cung điện hoang tàn, giữa vương quốc bao la.
Bây giờ, người ta phải lội qua đầm lau và chèo qua rãnh nước sâu nếu muốn tới đó. Không còn ai dùng nó như chức năng mà nó được tạo ra nữa. Sự hiện diện vô dụng của nó lại là một điều kỳ diệu. Không có cửa chính, thêm hai ô cửa khoét, nó thản nhiên nhắc người ta về thời đất rộng người thưa, về sự khát người, về một điều tưởng như vô lý rằng ở những phút riêng tư nhất cũng đau đáu niềm sẻ chia…

Nguyện cho ta còn được cười với nhau trong mỗi lần gặp gỡ.
Phiên Nghiên
CA, 6.2021

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s