
Hồi mới biết định nghĩa phụ nữ, mình thấy phụ nữ sao khổ quá, rồi trách than sao mình sinh ra làm phụ nữ chi vậy?
Ba chục năm trước có một con bé ngồi xổm ở sàn nước rửa chén mấy ngày hội họp, nhìn xung quanh chỉ toàn phụ nữ. Ở quê, đàn ông ăn bàn trên, nhậu xong lết vô giường ngủ, để lại bãi chiến trường. Những chồng bát dĩa cao ngất, chục ấm bình trà, đũa muỗng dầu mỡ ngổn ngang làm mình ngao ngán không muốn lớn.
Mình không muốn thành một trong những người phụ nữ xung quanh mình.
Họ vẫn rổn rảng, vẫn cười, vẫn nhẫn nhịn, vẫn than phiền như một thói quen, và dừng ở đó. Mỗi ngày bận bịu chồng con, việc nhà, chén bát, đám xá… quay cuồng không có thời gian chăm sóc bản thân. Ăn sau cùng, tắm sau cùng, ngủ sau cùng. Họ hạnh phúc ở đâu không bao giờ đứa trẻ con được thấy, chỉ thấy gánh bao thứ trên vai, cõng con gánh chồng, rồi “giỏi việc nước đảm việc nhà”, rồi bao thứ cổ vũ cho sự gánh đó làm mình phát sợ.
Từ khi được tự chọn đồ mặc mình đã chuyên quần jean bạc phếch, nón lưỡi trai, quần cụt, áo thun một màu, hoặc ai cho gì mặc nấy. Tóc xoẹt ngang vai hoặc vàng hoe cột nhỏng. Ghét đội nón khi ra nắng vì thích mình thiệt đen. Đi chơi với hội nhóm con trai vì thấy thoải mái hơn con gái (tới khi có đứa yêu mình tha thiết mình cũng không biết).
Thời ấy không biết chuyện hình ảnh xì tai hay giới tính gì như các bạn nhỏ bây giờ đâu. Mình chỉ nghĩ nếu mình mạnh mẽ thì mình sẽ không khổ như các chị, các mẹ. Mình ứ im lặng. Mình ứ thiệt thòi. Mình sẽ bẻ gẫy vòng lặp đó bằng sự “vùng lên” của mình. Mạnh mẽ bằng vẻ bề ngoài, bằng việc chích ngừa không khóc, tự đạp xe đi học thêm về đêm, tự biết nấu cơm ăn và coi em, không đòi hỏi vật chất và giấu đi những uất ức của mình. Sự ngô nghê đó sao dễ thương quá chừng!
Lớn lên, lúc nhận ra mình phụ nữ hơn mình nghĩ, đương nhiên, đã có nhiều cú shock.
Khi mình thương một anh chàng nổi loạn, thương khổ thương sở mà ảnh cũng đang lớn, không biết cách đối xử với tình cảm bản thân, làm cả hai tổn thương nhiều. Giật mình. Chết tía hong, bên trong sự xù xì là một đứa nhạy cảm vô biên, nhường nhịn mọi sự, mê nắng mê bông. Chắc tại mình nhạy cảm nên mình dễ đau, dễ khổ hơn người khác. Mình không muốn khổ. Mình ghét sự nhạy cảm của mình.
Bất chấp tinh thần vẫn liên tục từ chối thì bên ngoài, các yếu tố sinh học và Tạo hóa thản nhiên làm việc của nó. Tới một ngày từ chống cự chuyển qua tò mò, mình được học sự lên xuống bất thường từ chính mình. Năng lượng đổi theo ngày trăng, hoocmon và những chu kỳ. Mình quạu đó rồi vui đó. Mình nhận ra ơ hay mình còn như thế, trách chi người. Sự chú ý vào năng lượng bản thân giúp mình hiểu mình hơn, rồi thông cảm với người. Có hiểu mới có thương là vậy!
Khi cho phép mình thương bất kể, mình nhận ra sự nhạy cảm không phải là một điểm yếu hay vũ khí như người ta thường nói, mà chính xác là một đặc ân. Mình nhạy cảm nên được ở trong thực tập lòng thương mà không biết. Vì không biết nên trách mình sao nhạy cảm chi cho khổ, rồi từ chối trái tim mình. Vì bận chối đây đẩy nên không nhận ra mình có một món quà thiệt lớn, đó là sự mẫn cảm với những thứ không thật, với những nỗi đau người ta cố giấu trong từng cái vuốt tóc, trong ánh mắt xéo ngang, hay một hơi lạnh ướt từ bàn tay nắm chặt…
Sự nhạy cảm không riêng của phụ nữ, nhưng vì có mác “phụ nữ” thì nó dễ có không gian được nuôi lớn hơn, như mác “đàn ông” ưu tiên nuôi lớn sự mạnh mẽ độc lập, từ đồ chơi, lời khuyến khích, cách được dạy xử lý tình huống. Nhận thức điều đó khiến mình hiểu hơn, rồi cho phép mình thử dán cái mác này qua chỗ khác, ở trong không gian mới. Mình nhìn kỹ mấy lời “phụ nữ phải…”, “đàn ông phải…”, hiểu nó từ lịch sử nào ra và tin là ai cũng được phép gỡ những cái mác để nuôi lớn hạt giống mà mình quan tâm.
“Một người sinh ra là kiếp nữ vốn đã chịu trừng phạt đọa đày…” Câu này cũng là của mình viết ra gần chục năm trước, bây giờ xin được nói lại (Ủa đâu có sao, trang giấy ghi nhận suy nghĩ của thời điểm, cho mình biết mình đang như thế nào thôi) Thời điểm này, mình tin kiếp gì cũng có trải nghiệm về nỗi đau riêng và hạnh phúc riêng. Quan trọng nhất là không có một sự trừng phạt nào cả. Sự trừng phạt không phải là phẩm chất của Đấng Sáng Tạo.
Trừng phạt đi liền với sợ hãi, mà sợ hãi không nên là tâm thế cho mỗi ngày được sống.
Nếu được sinh ra với một đặc tính nào đó, hẳn mình đã chọn trước cho mình một bài học tương đương, và tất cả những tình huống, môi trường, chỉ đang giúp mình học tốt hơn cả (ví dụ là phụ nữ thì được ưu tiên học về nhạy cảm bao dung, tình huống phụ nữ Việt Nam thì khác phụ nữ Ả rập, phụ nữ Mỹ…). Nhưng điều này khác với việc đem cái mác của xã hội, của người khác và dán lên thành gánh nặng cho mình. Cũng đừng tự đeo label cho hợp với xu hướng, nặng nề lắm. Hãy lắng nghe mình, chấp nhận mình ở thời điểm hiện tại, chuyển đau khổ thành tò mò, và để dành không gian cho mình được lớn lên thêm.
Quan trọng hơn cả, ai cũng có nỗi khổ riêng. Phụ nữ đàn ông gì cũng là con người, cũng cần được sống như một con người.
Chúc tụi mình có thêm cơ hội nhìn ra những cái mác được dán chặt, và dám thử chơi một trò chơi nhỏ, gỡ nó ra, di chuyển nó, để biết cảm thông cho vị trí của những label khác, dám chịu trách nhiệm với mình và tự do trong việc lựa chọn cuộc sống (một lần này) của mình.
Thương bạn,
Phiên Nghiên
CA, 8.3.2021
Tặng bánh mì cho Viết để tự do
Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách click vào link dưới nha.