
(Gửi tặng ai từng là học trò và may mắn có một người thầy để nhớ về…)
Những năm tháng lớn lên, bước ra khỏi tuổi học trò, thi thoảng mình vẫn nhìn lại và tự hỏi, mình nhớ gì ở những thầy cô ngày xưa nhất? Câu hỏi ấy rất quan trọng với mình, bởi một phần công việc mình chọn là đôi lần đứng lớp. Việc tự vấn đó giúp bản thân hiểu được nhiều điều giá trị hơn cho việc là-một-người-thầy!
Điều một, là cách mình nhớ đến thầy cô, như nhớ-một-con-người.
Mình rất nhớ những người thầy mà, dù khó tính hay chấm điểm gắt cỡ nào, chỉ cần công bình và tử tế với tất cả những đứa học trò, chứ không phải một vài đứa đặc biệt, trong một vài trường hợp đặc biệt! Mình hiểu bản thân qua cách nhìn khung cửa thế giới đầu tiên, rằng mình là một đứa ghét chuyện bất công và những đặc quyền, những giả tạo dựng ra, nhờ vào cách thầy cô đối xử với học trò, đối xử với nhau, hay cách cô này và cô khác đối phó với một buổi dự giờ từ phòng Giáo dục.
Đứa trẻ được nuôi dưỡng lòng thương và hình thành cách nhìn thế giới từ trong chính lớp học. Mình nhận ra thầy cô không chỉ là “những con đò chuyên chở tri thức”, mà còn là những con người. Họ cũng có cuộc sống và cách tương tác với cuộc sống, họ gần gũi với học trò ngày ngày tháng tháng, nên cách họ ứng xử mỗi ngày làm đứa trẻ như mình học được rất nhiều thứ. Có lần lớp mình đi đám tang của chồng cô giáo. Cô còn trẻ và thầy mất đột ngột. Trong lớp, cô nổi tiếng là nghiêm khắc và khó khăn, khô khan khó gần, nhưng hôm đó cả bọn nhìn thấy cô vừa can trường tiếp khách, vừa lặng lẽ chùi những giọt nước mắt khi nhìn di ảnh, bỗng rúng động rằng cô cũng có khoảnh trời riêng yếu đuối. Bọn con nít biết gì đâu, khi mỗi ngày đều gặp cô với hình tượng quyền lực thì sẽ hình thành những ý nghĩ ngốc nghếch, đối phó qua cái tánh khó khăn của cô, nhưng khi được nhìn thấy cô ở một góc khác, chúng nó hiểu được ai cũng có những phần rất người, cần cảm thông nâng đỡ nhau, dù họ là người lớn cũng có lúc được phép yếu đuối.
Như vậy đó, cách một cô giáo đi trong nỗi đau mất người thân, cách một cô giáo bật khóc trong lớp vì sắp nghỉ hưu, cách một người thầy dạy Sử dám bảo là hãy học và đọc nhiều chiều, cách một cô giáo bắt bọn làm bài trễ ra nhổ cỏ vườn trường,… là những khoảnh khắc có thể làm học trò bối rối vì ở ngoài bài giảng, nhưng lại học được nhiều hơn nó tưởng. Cũng vì vậy, nếu một người Thầy rao giảng và sống khác với lời dạy của mình, con trẻ chắc chắn mơ hồ, nghi hoặc, rồi chểnh mảng. Nó sẽ mất một niềm tin lớn khi thầy cô đang là cả thế giới đúng và quyền lực của nó. Qua việc đến trường và đi học, mình đã dần học cách làm sao ở giữa một xã hội, ở giữa những con người.
Điều hai, cảm hứng học quan trọng hơn kiến thức.
Mình có hơn một người bạn vì chán ghét môn Văn ngày xưa mà không phát hiện ra là bạn có khả năng viết rất tốt. Điều đó thật đáng tiếc, và là một thất bại của người dạy!
Mình cũng như những đứa học trò bình thường khác, môn giỏi môn dở, môn thích môn không, lúc siêng năng lúc lười biếng, và vẫn luôn mong đợi một vài tiết học nhất định. Đó là tiết Hoá của cô xoá mù bằng cách giảng bài trực quan dễ hiểu, là tiết Văn với những bài dạy nằm ngoài sách giáo khoa giúp mình có ý thức tương tác tử tế với người khác, đó là tiết Anh với người thầy cặm cụi cùng những giáo án lạ hoắc… Mình đã Eureka là chỉ cần thầy cô khơi gợi sự tò mò, khát khao học thì mình tự khắc đi tìm mọi thứ về môn đó / điều đó từ bốn phương tám hướng để học. Sách giáo khoa chỉ là một phương nhỏ nếu mình hứng thú, nhưng sẽ là cái ách to đùng với môn mình chán ngán học miết không xong. Sau này trò chuyện cùng các bạn làm thầy cô đứng lớp, mình thường nghe than phiền về sự vất vả trong việc vừa truyền cảm hứng cho học trò vừa giữ vững chỉ tiêu. Nhưng nếu đứa học trò được truyền cảm hứng tự học tốt và được định hướng rõ ràng, sẽ giúp chính nó ham học và giúp người thầy đạt được cả những chỉ tiêu còn hơn trong giáo án đề ra.
Điều cuối cùng, rằng mình nhớ năng lượng của một người thầy hơn tất cả.

Thử nghĩ xem, chúng ta sẽ nhớ đến việc mình cảm thấy thế nào trong lớp hơn là mình đã học được gì. Thầy cô truyền năng lượng cá nhân vào từng học trò hiện diện trong lớp, trong từng tiết học, trong từng lời phê, vì vậy phải luôn tỉnh thức. Dạy và học là một quá trình truyền thông của mối quan hệ giữa người và người, nên cần lắm trong mối quan hệ đó phải cảm thấy có giá trị, được lắng nghe và được kết nối (*) Một đứa học trò nhớ mãi cách người thầy đứng lại bàn của nó để hỏi nhỏ về việc sao điểm bài kiểm tra bỗng tuột tệ hại, và hiểu ra vì gia đình nó ầm ĩ hằng đêm bởi những cuộc cãi vã của phụ huynh, sẽ là một cuộc giáo dục vĩ đại, có khi cứu giúp một mạng sống. Nếu năng lượng của một người thầy tỉnh thức, hạnh phúc, điềm tĩnh, sẻ chia, cảm thông, tử tế sẽ giúp lớp học đó là một lớp học hạnh phúc! Nghề giáo là một nghề đặc biệt quan trọng bởi trực tiếp góp phần chăm bón, “trồng” nên những con người.
Có gì quan trọng hơn trong công cuộc giáo dục là giúp người học hạnh phúc, biết khám phá, chạm đến niềm vui và sự tự do. Mình trân quý và biết ơn những thầy cô, trong và ngoài lớp học, đã kiên nhẫn đi cùng mình, truyền cảm hứng cho mình, chỉ cho mình thấy niềm vui trong việc học, việc khám phá cuộc sống tuyệt vời này. Để mình, mỗi khi có dịp đứng lớp, lại càng ý thức về năng lượng của mình. Để mình, khi hiểu cả cuộc đời này là lớp học vĩ đại, và ai cũng là thầy cô, thì lại càng ý thức về năng lượng của mình, để mãi học với một tâm thức rộng mở và thương yêu!
Phiên Nghiên
20.11.2019
—-
(*) Mời bạn xem thêm ý này trong phim ngắn “Happy teachers will change the world” từ Làng Mai.
Mừng bạn về nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!
Em cảm ơn chị rất nhiều vì đã cho em thấy lại bản thân mình trong đấy. Vừa là đứa học trò ngoan ngoãn, hăng hái khi học với những giáo viên tuyệt vời, vừa là đứa lo ra, hay nói chuyện, đạt điểm kém khi học với giáo viên thiên vị, thích đút lót. Em nghĩ lúc đó mình quá trẻ con, dại dột. Nhưng đọc bài của chị xong em có nhiều cảm xúc lắm, không thể diễn tả hết được. Cảm ơn chị thật nhiều.
ThíchThích
Cảm ơn em đã đọc. Nguyện cho em được gặp nhiều Thầy giỏi trong đời <3
ThíchThích