
Một thực tập dễ mà khó trong #healingjourney của mình là thực tập “biết ơn”, “appreciate the good” và thử thách nhất là học cách “biết ơn chính mình”.
Trong quá trình làm việc với phụ huynh, mình nhận thấy có những bố mẹ cho rằng con cái hiển nhiên phải tự ý thức về lòng biết ơn. Sao lại không? Không lẽ ba mẹ nó vất vả mỗi ngày thế cơ mà nó không biết tự nhìn ra và cố gắng? Không lẽ thế hệ trước vất vả gian lao bao nhiêu mà nó không biết quý những gì nó có hiện tại? Nó phải tự biết ơn chứ.
Có một sự thật: Khó, và Không.
“Biết ơn” là gì? Đầu tiên đó là một trạng thái cảm xúc đẹp, nhẹ, tích cực mà ai cũng từng có khi điều tốt đến với mình, hoặc được giúp đỡ thoát khỏi một gánh nặng. “Biết ơn” cũng là một bản tính có sẵn, đặc biệt rõ trong những người luôn dễ tìm được mặt tích cực, mặt tốt trong cuộc sống hoặc ở đối tượng khác. “Biết ơn”, may thay, cũng là một kỹ năng giúp làm mạnh lên cả hai đặc điểm trên khi chú ý rèn luyện, giống như sự đồng cảm hay sự tử tế vậy (1).
Người lớn giả định rằng con nít phải tự biết là một sai lầm đáng tiếc. Bởi mỗi cuộc đời là một trải nghiệm khác nhau, huống chi sự khác biệt về thế hệ dẫn đến khác biệt về những trải nghiệm đương thời. Dù phụ huynh kể bao nhiêu đi nữa về việc mình từng khổ thế nào chưa chắc đứa trẻ học được về lòng biết ơn, mà thường đưa tới hai hướng.
Một là đứa trẻ cảm thấy mệt mỏi vì bị nhắc đi nhắc lại về quá khứ nó không hiện diện, không thể trải nghiệm, đưa đến việc tỏ thái độ khó chịu, không quan tâm và cảm thấy người lớn coi thường sự khó khăn của nó (trong khi người lớn lại cho rằng nó coi thường trải nghiệm, sự cống hiến, tình yêu thương của họ). Hai là những đứa trẻ quá nhạy cảm có thể tự bật chế độ trách nhiệm – “Không muốn bố mẹ khổ thêm” – nên đứa trẻ sẽ bằng mọi cách cố gắng làm hài lòng người lớn, cố “ngoan”, hòng bù đắp lại chút gì những khổ đau hy sinh từng nghe, kèm theo kỳ vọng cao của người lớn có thể làm đứa trẻ lớn lên luôn sợ hãi làm phật lòng người khác, đánh mất bản thân, sở thích và cá tính của mình.
Sự sợ hãi ngụy trang bằng lòng biết ơn, sự ức chế ngụy trang bằng lòng biết ơn, sự tự ti ngụy trang bằng lòng biết ơn… làm xói mòn tình yêu cuộc sống và nuôi sự tiêu cực phía bên trong. Mình cũng nhận ra có một sự tinh vi ở những người chờ-được-biết-ơn. Sự cho đi kèm mong cầu “Hãy biết ơn ta” thường ẩn chứa sự tự cao, sợ hãi và cả tự ti khi họ cần sự xác minh từ người khác để cảm thấy tốt và có thêm động lực (2).
Biết ơn là một hạt giống cần được tưới tẩm đúng cách. Làm sao để dạy đứa trẻ biết ơn mà không phải giục nó lặp lại một câu nói “Cảm ơn cô chú đi con!”, không phải kể dài dòng về sự khổ, giáo huấn về lòng biết ơn?
Đứa trẻ như một khu vườn đầy hạt giống tốt và chưa tốt. Đứa trẻ cần được hướng dẫn để chú ý đến hạt giống tốt đẹp như sự biết ơn, rồi tự trải nghiệm để hiểu ra, nuôi dưỡng cảm xúc biết ơn bằng một quá trình khơi gợi kiên nhẫn của người lớn gọi là Chú Ý – Nghĩ – Cảm – Làm (Notice – Think – Feel – Do). Hãy đặt câu hỏi hỏi để trẻ Chú ý đến điều có được – Nghĩ về nó – Gọi tên cảm xúc đó – Có hành động bày tỏ đáp lại (3).
Người ta thường không có lòng biết ơn vì “take things for granted” – coi mấy thứ mình có là sự hiển nhiên nên lướt qua hời hợt. Nếu đứa trẻ biết hướng sự chú ý của mình vào hạt giống biết ơn bằng cách chậm lại, quan sát, tìm hiểu và có phản ứng đúng thì hạt giống sẽ lớn lên thành cây.
Nhưng có những người trưởng thành cùng hạt giống khó nảy mầm vì không được tưới tẩm đúng cách thì phải tự học lần nữa, phải biết thực tập dừng để Chú Ý – Nghĩ – Cảm – Làm, và may mắn thay hạt giống ấy không chết mà sẽ dần lớn lên.
Một công cụ giúp mình cho phần thực tập này chính là Viết: Mỗi ngày dành ra 10 phút để viết tự do về 5 điều biết ơn, liên tục trong ít nhất 8 tuần đến khi thành một thói quen.Bạn có thể thực hiện 10 phút viết tự do tưới tẩm hạt giống biết ơn bắt đầu bằng những điều bên ngoài rồi đi vào bên trong. Những điều đơn giản thôi, đã chạm đến làm lấp lánh ngày của bạn: Cảm ơn cô bán bánh mì yêu thích cho thêm đồ ăn sáng nay, Cảm ơn vì mẹ vẫn có thể nhắn tin cho mình, Cảm ơn vì đi làm hong kẹt xe… Sau đó hướng về bên trong, như là Cảm ơn vì mình vẫn đang thở, Cảm ơn vì mình hôm nay đã dám khóc vì xúc động, Cảm ơn vì mình đã tập yoga 30’ hồi nãy…
Bất cứ điều gì cũng được, chỉ cần khi viết xuống mình thực sự hân hoan, cảm thấy trái tim ấm áp reo vui, cảm thấy được chạm vào cái mênh mông tràn đầy của cuộc sống và sự tồn tại kỳ diệu của chính mình. Đó không phải là sự gắng gượng, không phải sự làm cho có mà bằng sự trung thực và kiên nhẫn, niềm tin, lòng thương, sự tử tế với bản thân.
Nếu thực ở trong sự biết ơn, mình sẽ cảm thấy được mở rộng, được nâng đỡ, được kết nối. Những vết thương cũng dần khép miệng vì hiểu rằng mình không cô đơn, mình luôn có sự lựa chọn và mình đang được ở trong sự hào phóng của vũ trụ.
Hãy dành thời gian chất lượng để hiện diện và chăm sóc người bạn thân nhất trên đời của bạn mỗi ngày nhé! Người ấy chính là bạn đó.
Chúc tụi mình thân tâm an lạc.
Phiên Nghiên
CA, 02.02.2020
*Link hữu ích:
(1) Definition from Emiliana Simon-Thomas, Ph.D., cognitive psychologist and science director of the Greater Good Science Center at UC Berkeley – “The healing power of gratitude”. More articles here.
(2) Chờ được biết ơn
(3) How to talk with kids about Gratitude
Mừng bạn về nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!