
Trong một cuộc khảo sát quốc gia về tình hình sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên LGBT+ tại Mỹ có một số liệu gây ngỡ ngàng: chỉ cần tối thiểu 1 người lớn chấp nhận sẽ giảm 40% nỗ lực tự tử của các bạn trẻ. Cũng có thể hiểu rằng, các bạn LGBT+ đặc biệt mong chờ sự chấp nhận rất cao, từ đó có thể dẫn đến thất vọng và những hành động đau lòng.
“Nếu mẹ không chấp nhận thì con có thể đi. Mẹ không phải lo về con nữa và cũng không ai cần phải biết đâu… Mẹ nói gì đi.” Trong cốc, bóng con lay động dưới con triều nước đen. “Đi mẹ.” (Đoạn nhân vật của Ocean Vương thổ lộ giới tính cùng mẹ trong “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”)
.
Làm việc với nhiều bạn trong cộng đồng LGBT+, mình nhận ra một sự khổ tâm lớn của bạn là khao khát người khác/gia đình chấp nhận giới tính và mối quan hệ. Nói cho cùng, đó là nhu cầu cần người thương thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông với quyết định, với cuộc sống của mình.
Nhưng dù bạn can đảm đến đâu, người thương vẫn có thể bị shock, không đồng ý ngay lập tức được mà còn vô tình gây thêm đau khổ chồng chất.
Có một thực tập nhỏ cần thiết ở đây:
Nếu vượt qua câu chuyện giới tính và quán chiếu rằng “sự chấp nhận” từ người khác vốn là một nhu cầu không bền vững, bạn sẽ đỡ khổ. Bạn thậm chí được đối diện với câu hỏi quý báu: Bạn chấp nhận được bạn chưa? (không chỉ là giới tính)
Có bạn ở dưới-mức-chấp-nhận (chẳng ai chấp nhận mình kể cả mình) thành ra dằn vặt, đau khổ, trách móc bản thân. Có bạn ở trên-mức-chấp-nhận (mình không cần ai chấp nhận đâu) thì có những hành động cố tình gây sốc, hoặc đặt nặng việc chứng minh giới tính (để người khác phải chấp nhận) càng tước đi cơ hội hiểu, cảm thông từ người khác.
.
“Trời ơi sao con không giống ai vậy? Sao con không bình thường?” Mấy lời này chắc bạn nghe đủ cả. Rằng mẹ cha bị lời nguyền, rằng đây là một chứng bệnh phải chữa, rằng bạn là nỗi thất vọng, là đứa ăn chơi…
Ừa đau lắm. Nhưng mình hãy thở một hơi rồi tập nhìn sâu: Mình tập hiểu dùm họ đây là một cú shock thách thức quan điểm và cuộc sống của họ, cần thời gian nhìn ngắm và tiêu hóa. Trong quá trình đó, mình chú tâm vào việc mình sống như thế nào mới là nguồn dữ liệu chính, chứ không phải ở một câu nói hay một lời khẳng định. (Người khẳng định lúc nào cũng hạnh phúc với partner mà về nhà lúc thì bầm môi, lúc thì sưng mắt, sao mẹ cha an tâm chấp nhận cho được?)
Năm 1996, bạn A. bước vào ngành giải trí chuyên làm trò chơi điện tử ở California. Bạn là người da trắng, sáng sủa, đẹp trai, chăm chỉ. Một ngày nọ, sếp khen thành quả bạn vừa đạt được rồi tiện hỏi: “A. có bạn gái chưa?” A. hồn nhiên thổ lộ mình chưa có bạn trai. Người sếp bỏ đi. Vài hôm sau bạn nhận được quyết định cho thôi việc. Điều này trở thành vết thương đầu đời. Sau đó, bạn tham gia vào một hội chuyên vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng LGBT+ với nỗ lực đưa các nhân vật liên quan tới cộng đồng vào trong phim ảnh, game ở Hollywood. Từ những năm 2010, chúng ta thấy nhiều sự xuất hiện của các nhân vật LGBT+ như nhân vật cần có, không phải là nhân vật “mua vui”, mang tính chọc ghẹo gây cười nữa, là có phần công của những hội vận động như thế này. Bạn A. biến sự kỳ thị của người khác thành một sự cảm thông, và tập trung làm chuyện của mình. Đây là người biết tự chấp nhận để giúp người có cơ hội chấp nhận mình.
.
Sự không thể chấp nhận ngay lập tức là từ quán tính thương, lo, sợ đau khổ, sợ sự thay đổi. Họ sợ mất đi một người họ từng biết, trong quá khứ và cả tương lai.
Họ ở trong một nỗi sợ tràn đầy thì mình càng phải thực tập thấu hiểu và dung chứa.
Hiểu rằng chúng ta là những con người quen sống trong khao khát, lo âu, và thói quen.
Hiểu rằng chúng ta là những con người, khi đối diện với sự thay đổi thường phản ứng đóng băng, đánh trả, hoặc làm lơ (freeze, fight, flight) vì chưa kịp xử lý.
Và cái hiểu quan trọng nhất: Dù không ai chấp nhận mình, dù chỉ có mình chấp nhận mình, thì cũng đủ một thế giới chở che rồi.
Bạn N. khi thực tập freewriting viết về sự chấp nhận của gia đình, đã nhận ra sự thật này: “Bố một kiểu, mẹ một kiểu, chị mình lại là một kiểu, họ hàng gần của mình lại một kiểu khác, bạn mình lại là kiểu khác nữa nhưng mà tựu trung lại thì ngay từ đầu nếu mình không quá đặt nặng vấn đề chuyện này thì chẳng bao giờ nó là vấn đề của mình, bởi nên mình cứ thảnh thơi mà sống tới 6 7 năm nay, bức màn rồi dần dần cũng tự nó kéo ra bằng rất nhiều người chứ mình cũng chả phải làm gì cho to tát nó lên.”
.
Ocean Vương cũng viết những dòng thật đẹp: “Thấy rằng mình vẫn là mình chính là một chốn ẩn náu mà những ai chưa từng bị phủ nhận thì không thể biết đến.”
Thương chúc bạn chấp nhận mình đủ để dung chứa cả những khó khăn của người thương, và đủ để là chốn ẩn náu cho chính mình. Thêm nữa, hãy đủ để thực hành sự chấp nhận, thấu cảm cho muôn loài, thứ mà mình đã luôn tìm kiếm.
Phiên Nghiên
CA, 6.2022
(Bài viết dành tặng tháng sáu – Pride Month – với mong muốn chia sẻ góc nhìn nâng cao nhận thức về quyền con người)