8 TUẦN FREEWRITING (5) DÁM ĐI. ĐI ĐẾN TẬN CÙNG!

Ảnh gốc của SimiliLocker

Trong phim Bambi (1942), chú nai con ngơ ngác hỏi mẹ rằng đồng cỏ mênh mông vậy, đẹp đẽ vậy sao mình lại sợ? Nai mẹ bảo vì cánh đồng mênh mông quá, bao la quá, không có bụi cây nào để trốn vào cả, và những tay thợ săn luôn có thể ở đâu đó. Ôi cũng là chúng ta, những làn đạn mơ hồ làm mình sợ hãi, những bụi cây quen thuộc làm mình cảm thấy an toàn không dám rời. Ta ở trong bóng tối sột soạt chật chội và mãi khao khát cánh đồng rộng lớn kia, nơi chắc chắn có cỏ ngọt dưỡng nuôi ta, nơi có thể chạy vắt chân và hít hà mùi lá thơm còn sương đọng, nơi có mặt trời treo cao chờ ta dịu dàng…

Con người có một cơ chế tự vệ bản năng để giống loài được tồn tại nhưng đôi khi trở thành rào cản cho việc sống thực sự. Đó là nỗi sợ. Sợ thay đổi, sợ cái mới nên thà mọi thứ ở trong một trật tự quen còn hơn giáp mặt những điều chưa biết. Chúng ta quên rằng chỉ có một điều không thay đổi đó chính là sự thay đổi. Với nỗi đau như hiện diện tất yếu của cõi người, ta chỉ có thể chọn cách đối diện nó, hoặc lờ đi. Ai cũng thích cảm giác dễ chịu hơn đau đớn nên lờ đi thường là một lựa chọn dễ dàng. Nỗi đau là một dạng năng lượng, không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Mãi lờ đi, nỗi đau chuyển sang dạng nặng hơn, đào thành hố sâu phía bên trong. Bỗng thấy đời mình vô nghĩa, bỗng thấy mình bất hạnh, bỗng thấy mình chật chội bé nhỏ… là triệu chứng của lựa chọn này.

Đau khổ phần lớn không phải từ tổn thương hiện có mà từ cách mình đối xử với tổn thương đó! Cách đối xử với tổn thương, may thay, thường dễ được nhìn thấy trong trang viết. Những trang viết là phần riêng tư sâu thẳm, ở đó ta trò chuyện với chính mình, ở đó ta không cần che giấu, không cần tỏ ra mình ổn. Vậy mà theo quán tính, ta vẫn sợ, vẫn đưa ra lựa chọn.

Có người chọn “be positive” một cách tiêu cực, nghĩa là không dám nhìn vào vấn đề, không dám thẳng thắn với chính mình, lúc nào cũng lầm rầm mấy chữ “Be positive”, tin rằng thời gian sẽ tự chữa lành vết thương nhưng ngờ đâu cũng chính thời gian tiếp tay cho nỗi đau làm tổ dày kín trong tâm hồn. Mỗi lần chạm đến vấn đề thì cười cho qua chỉ là một giải pháp tạm thời, cần có không gian ngồi lại làm bạn với tổn thương một cách nghiêm túc.

Có những người chỉ chọn “be negative” với trang viết, quên đi việc nhìn nó thật tỉnh táo. Thay vì biết chọn loại gỗ phù hợp để nối một cây cầu thì lần nào cũng chỉ vác thêm củi mục phàn nàn, trách móc, tự ti hay so sánh, cho rằng đó là nhìn thấy. Chao ôi đăng đẵng một hành trình đi mãi không đích đến, mỗi lần ngồi viết thì nỗi đau lẩn quẩn thêm nữa, cứ tấy cứ sưng, cuối cùng đổ thừa tại viết nên mình tiêu cực. Có kẻ giận luôn việc viết rồi ngưng viết từ đó. Có kẻ ngược lại, nghiện viết về nỗi đau không muốn rời xa, ở mãi trong đau khổ bởi nhấm nháp “thú đau thương” mới thấy đời mình có ý nghĩa và sâu sắc, ngờ đâu chỉ là một ảo giác mà thôi!

Nỗi đau, sự giận dữ, sự sợ hãi xuất hiện là một chỉ dấu cho bài học cần thiết của mỗi người. Nếu ta lờ đi, nó sẽ liên tục xuất hiện trở lại. Hãy học cách làm bạn với nó. Trước khi điều trị một vết thương, người ta phải nhìn thấy vết thương và nhờ lời khai triệu chứng trung thực để chẩn đoán, phân tích tình trạng một cách đầy đủ. Biết rằng rất đau nhưng chọn mở vết thương bây giờ còn hơn để lâu và hoại tử. Phải bắt đầu thôi!

Viết cũng thế. Lúc bạn thấy chữ chợt run rẩy khi chạm đến một điều mỏng manh sắc nhọn, hãy can trường đi tiếp với nó, đi đến tận cùng. Điều gì cứ tái diễn trên trang giấy, hãy nhìn thẳng vào nó. Hãy trải từng nỗi đau, từng sự so sánh, từng lời chỉ trích, từng vết thương nông sâu, từng góc nhìn lên trang viết. Hãy để những dòng chữ giúp hiển lộ sự thật sâu kín về chính bạn.

Đừng vội ngụy trang bằng bụi cây, đừng phân vân rồi rẽ sang hướng khác chỉ để lấp mình lên, chỉ để khuất mắt đi, chỉ để tin rằng không nhắc tới thì nó sẽ lành vết. Đừng vội viết nhanh qua bằng một câu ủi an vỏ bọc “Mình ổn”, hay sẽ chọn mặt tốt để viết thôi. Không đủ! Luôn tồn tại song song bóng tối và ánh sáng, âm và dương, vui và buồn… Ta có cơ hội hiểu rõ chính mình với cả trắng và đen, như một toàn vẹn, như một món quà.

Mỗi ngày một bước thôi nhưng hãy tiếp tục đi. Mỗi ngày hãy quyết tâm viết trung thực đến tận cùng. Mỗi ngày hãy cho mình cơ hội học cách kiên nhẫn đi xuyên qua nỗi đau với niềm tin, với tình thương và sự tử tế với chính mình. Đến một thời điểm, bạn biết bạn đã sẵn lòng để bị tổn thương, để được chữa lành.

Sự hiểu biết sẽ dần hiển lộ. Sự hiểu biết chính là liều thuốc. Bằng việc viết, bạn dũng cảm chấp nhận bản thân với tất cả trắng đen tốt xấu, dũng cảm ngỏ lời với vũ trụ rằng bạn đang cần một sự giúp đỡ. Vũ trụ sẽ mỉm cười đáp lời… ngạc nhiên thay, cũng trên chính trang viết mà bạn cưu mang nỗi đau.

Kỳ diệu là một ngày bỗng thấy mình đứng trên cánh đồng tự lúc nào, nơi mặt trời luôn chờ trao ánh sáng như một cái ôm dịu dàng. Trong hơi ấm của lòng biết ơn, bạn nhận ra hành trình của mình đúng hướng khi mọi thứ chuyển hóa về phía bình an, khi bạn thấy cuộc sống nhiệm màu mỗi phút giây, trong mỗi vết thương, trên mỗi mặt người…

Chúc hành trình viết dẫn bạn đến cánh đồng tự do!

.

Phiên Nghiên 4.2020

#vietdetudo #8wfreewriting #phiennghien #về_chuyện_viết #healingjourney #innerchild #minhvietgikhikhongtheviet



*Đây là bài thứ 5 chia sẻ cùng hành trình 8 tuần thực hành freewriting. Nếu bạn muốn cùng tham gia, bạn có thể tham khảo tại đây!


Video follow up cho bài tuần 5. Phiên xin trích đọc chữ của 18/40 bạn đang thực hành 8 tuần freewriting như một món quà nhỏ cho nỗ lực của các bạn, cũng là một dịp nhắc lại những gì bạn mong muốn trong hành trình viết của mình.

Ngôi nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s