Mình nằm co như tư thế đứa trẻ, ở một góc nghiêng. Tay trái choàng ôm bắp tay phải. Nghe cái chết tới gần.
Hôm qua, Luis Sepúlveda tác giả “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, rồi ca sỹ Pháp Christophe của ca khúc “Aline” (tựa tiếng Việt là “Gọi tên người yêu” do nhạc sĩ Phạm Duy viết) đã qua đời. Một số báo chí có hẳn mục thống kê người nổi tiếng ra đi vì đại dịch. Mình rất tiếc, rất thương. Bỗng nhớ ngày xưa trong mình có một câu hỏi rằng có phải khi được biết đến, người ta được ưu ái hơn cả khi ra đi không? Còn những ai không biết mặt biết tên thì sao? Thậm chí đến cái chết cũng có ý nghĩa hơn so với một số người?
Mấy ngày này, mạng người tử vong vì dịch bệnh thường được nhắc bằng những con số, để tiện thống kê người ta còn làm tròn. Một vài người vì vậy mà chết cũng không được đếm. Nghe cũng hơi nhỏ nhen vô lý, có gì quan trọng nữa đâu. Những phong trào bỗng tắt ngúm, nhóm bảo vệ môi trường hay đứng ở ngã tư đường thư viện đã giải tán, nhóm hô hào thêm giới tính XYZ vào nhóm LGBT cũng đã ở nhà, nhóm nhân quyền và tôn giáo cũng đã đi cách ly… Tất cả trần trụi trở lại, ăn, thở, ngủ, và thẳm sâu là hồ nghi khi nào mình chết.
Những huyệt mộ đào vội khắp nơi. Ở ổ dịch Ecuador, có nơi người ta xử lý xác ngoài đường phố hoặc xếp hàng chờ được nhận thi thể ở bệnh viện và được chôn người thân ở nghĩa trang. New York cũng bắt đầu chôn tập thể. Không thể nào biết ai là ai nữa, từng ở vị trí nào, từng lừng danh ra sao, người ghét người thương, người phỉ báng nhau nằm kề nhau san sát, hiền lành, im lặng. Những tấm ván gỗ quan tài cũng không kịp chạm trổ, tất cả phẳng, trơn, mộc, một màu. Một sự thay đổi lớn trong lễ nghi đưa người về thế giới bên kia được coi là thiêng liêng không thể xúc phạm đã diễn ra: Không còn những lễ lạt rườm rà, không còn những ràng buộc giáp mặt cái chết, im lặng. Tiêu chuẩn trở về cơ bản nhất, được gặp gia đình đã là may, vài người dự những đám tang đã là may, được chôn cất mà không phải đem xác ra đường đốt đã là may. Những ngôi nhà bỗng bơ vơ mất chủ, sẽ là một công việc dọn dẹp đau lòng khác sau đại dịch: Thường vật dụng còn dùng được thì ra cửa hàng second hand hoặc quyên góp cho người nghèo, còn những kỷ niệm dấu ấn riêng của người đó cũng đi vào lửa đỏ. Cái gì cũng im lặng. Cái gì cũng ra tro bụi.
Mình nhìn những tòa nhà, những con đường trống hoác khắp nơi trên thế giới. Thánh đường đóng cửa. Địa danh phải-đến-một-lần-trong-đời bỗng dưng ngơ ngác vắng. Không gian im thinh. Những tòa nhà trơ lạnh mấy đường cong mà tay người tạc cũng đã vắng từ lâu.
Thế giới im lặng, thực ra là im lặng tiếng người.
Mình nằm nghe cái chết vây quanh. Mỗi ngày trước đại dịch con người cũng chết nhưng không đập vào mắt vào tai, truyền thông không ra rả thống kê nên thi thoảng quên quán chiếu mà cuồng ngông cưỡi đầu sóng. Nay cái chết ở khắp nơi, như một người bạn cứng rắn và mềm mỏng cùng một lúc. Mình nghe cái chết của mình khi những ngón tay chạm bắp tay. Da thịt này rồi cũng chảy ra cùng sâu bọ. Một nhúm tóc rụng đi từng làm đau khổ cái nhìn, sẽ là mảng rời rạc dưới đáy mồ. Mặt mình không cười thì nghiêm lắm, nhưng rồi cũng tan hòa vào đất. Làm gì còn thở nữa mà thấy ngộp! Làm gì còn cảm giác nữa mà thấy tối, thấy lạnh, thấy cô đơn!?
Mình nhớ rất rõ mấy lúc chợt thấy cái chết của mình, hình như ở kiếp nào. Một lần bị gươm đâm vào lưng trong sân một nhà chùa, được chôn sau chùa, cạnh hàng rào cọc dây leo, dưới trời xanh mướt. Một lần bị đạn găm vào màng tang bên trái, tới giờ vẫn nghe đau. Một lần thấy đám tang của mình rất đông, nhưng mình gọi chả ai phản ứng. Một lần đi giữa những cối đá xay gạo trên đường trũng nước, hai bên cây dây leo um tùm, mình khóc vì hai người thân mất và biết là mình cũng đang đi về đường tuyệt vọng. Một lần bị dao đâm trong khu vườn, khi vừa với tay trái đóng cổng, họ có xin lỗi là do người khác thuê. Một lần tự già mà chết, hơi thở dần ngắn lại rồi ngưng hẳn, mọi thứ tối còn hơn bất cứ sự tối nào mình từng biết, rồi chợt sáng… Mình viết lại hàng hà sa số những lần thấy mình chết, lúc chợt tỉnh cơn mơ, hoặc lúc đang đứng ở metro đầy người và thấy nhói phía bên vai. Đột nhiên. Bất kể thời gian. Và rõ ràng như thực.
Mình nhớ rất rõ, cái chết làm mình ám ảnh những ngày hai mươi, là mấy ngày ham sống và mê mờ nhất. Mỉa mai thay, ham sống nhưng không hiểu phải sống làm sao, cứ loay hoay giằng co giữa nỗi sợ một chuyện tất-lẽ-dĩ-ngẫu và một chuyện phải-sống-bây-giờ! Mình luôn mơ hồ sợ không có ai đó nhìn thấy mình. Vì ám ảnh nên không sống trọn, vì không biết chuyển hóa đúng nên thành sợ hãi, vì ám ảnh mà không hiểu nên đổ lỗi cái chết của người khác lên mình. Ám ảnh cái chết kéo lê mỗi ngày như một rãnh hố dài và sâu, bên trên chất đầy câu hỏi, chất đầy sự cố gắng trong vô vọng vào việc dường như người ta phải làm để nhìn thấy sự sống của mình, kiếm tiền, yêu đương, gia đình, bè bạn… Rồi đau đớn biết mình sẽ chết nên làm để làm gì, khi cuối cùng ai cũng thịt rữa da tan.
May thay lòng ham sống lại không cho mình ngưng hoạt động. Đến một ngày trong cơn thở, chiếc lá rụng vào lòng tay, mình chợt hiểu chết là một phần của sống. Từ đó mình mới thôi quấy phá, thôi sợ hãi, từ đó mà bình tĩnh nhìn lại mình. Không chờ đón cái chết vì tâm đã dịch về phía trước. Không trách cứ quá khứ vì tâm đã dịch về phía sau. Thì ra còn sống là còn thở, chứ không phải còn ai nhìn thấy mình mới là còn sống, không phải còn ai công nhận mình mới là còn sống! Thì ra hỉ nộ ái ố là sống đây, thì ra nỗi buồn cũng là sống, thì ra niềm vui cũng là sống, thì ra cơn đói cũng là sống, thì ra đặt câu hỏi và cảm thấy tuyệt vọng cũng là sống. Dù điều gì xảy ra, ở trọn trong phút hiện tại chính là điều cần thiết nhất.
Mình đã hiểu không phải cái chết của người nổi tiếng hơn thì được ưu ái hơn. Sự nổi tiếng đâu phải là thứ người ta tiếc thương. Cách người đó đã sống, đã cống hiến sẻ san, đã làm gì cho tim họ đầy ắp lên đồng thời dưỡng nuôi phần nào cuộc đời tâm hồn của người khác, mới chính là điều người ta thương tiếc. Mà nếu không ai nhớ mình nữa cũng đâu sao, thông qua những sự mình làm, vũ trụ này dần có ý nghĩa hơn, giống như những tòa nhà dù lộng lẫy cỡ nào phải có người ở mới trở nên ấm áp. Vì vậy, không đi tìm sự nổi tiếng mà trở lại từng việc mình làm mỗi phút giây, khi còn có thể. Khi còn có thể, hãy cứ băn khoăn, hãy cứ vui buồn, và mở lòng, biết ơn, và trở lại hơi thở của mình. Ở đó, mình thấy rõ mình. Ở đó, có một dòng chảy xuất hiện dịu dàng, chờ đón mình bao dung.
Mỗi cuộc chết hàng đêm thực tập trong giấc ngủ, mình nằm xuống khép mắt không bâng khuâng gì. Mỗi ngày thức dậy thấy nắng lấp ló ngoài ô cửa sổ trắng, mình mới tin là mình còn sống. Mình thức dậy và mỉm cười. Có lẽ, mình còn điều gì đó phải học tiếp.
Nguyện cầu cho những người ra đi được bình an, dù trong một bước ngoặt nguy khốn, nhưng là một phần bình thường của việc sống. Cảm ơn người đã là một phần của câu chuyện lớn, đánh thức những bài học mà loài mình dần quên!
.
Phiên Nghiên 4.2020
(viết cho những người ra đi vì đại dịch 2020)

YỂM TRỢ “BÁNH MÌ” CHO VIẾT ĐỂ TỰ DO:
- Ở VN: Qua ngân hàng Techcombank: 190 299 2869 6013 – NGUYỄN THUÝ PHƯƠNG (TECHCOMBANK HCM) – Ghi chú chuyển khoản là email của bạn EMAIL CỦA BẠN
- Ở nước ngoài: Qua BUY PHIÊN A BÁNH MÌ HOẶC THẺ VISA
Phiên và Team Viết Để Tự Do trân trọng biết ơn.