
Đây chính là điều mà trang viết buồn bã nào đó đang thiếu!
“Kẹo” là một bài tập trong workshop Viết. Mọi người ngồi vòng tròn và nhắm mắt, sau khi hít thở bình tĩnh quen với bóng tối thì bắt đầu rờ rẫm lên bàn để tìm cái kẹo của mình. Bạn phải làm thiệt chậm, ngón tay lướt trên mặt bàn phẳng lạnh, a chạm được rồi, một cái kẹo bé tí lọt thỏm trong lòng tay. Bạn giữ chặt, rồi thả lỏng, cảm nhận những góc cạnh, vết răng của bao gói kẹo, cả khoảng không khí trống giữa da tay bạn và cái kẹo, bạn bóp nhè nhẹ rồi dần hình dung được viên kẹo bên trong là vuông hay tròn. Bạn từ từ lần tìm một chỗ mở. Loạt xoạt. Đầu móng tay ghì kéo theo tiếng rít dai của màng nilon bên trong. Và chiếc kẹo rin rít có hõm tròn xuất hiện. Mắt vẫn nhắm, bạn từ tốn cho kẹo lên trên lưỡi. Đã từ tốn vậy mà vẫn chạm vào răng, tiếng cốp vang khô, chạy một đường tê nhẹ. Bạn im lặng khi lưỡi chạm vào viên kẹo. Mềm? Cứng? Rồi một cơn chua kéo lên mang tai, lan dần nửa mặt như vừa thổi căng một cái bong bóng. “Kẹo me” bạn bật nói. “Kẹo dâu mà” một bạn khác. “Kẹo gì ấy nhỉ?” một người khác nữa… Đến khi cả lớp nhận ra là mỗi người ăn một viên kẹo khác nhau.
Tắt một giác quan để đánh thức các giác quan khác, bởi sự quen thuộc khiến người ta lầm nghĩ là đã biết. Ai hay bị nhàm chán, không thấy có gì đáng viết, không thấy cuộc sống quanh mình đầy sự sáng tạo ngập tràn thường là người đã vô tình đánh mất đi đứa trẻ chơi đùa bên trong. Hãy rờ chạm ngửi nếm lắng nghe quan sát kỹ lưỡng, say mê như một đứa trẻ. Nhúng mình vào chính không gian quanh mình trước. Rồi thử viết bằng tất cả các giác quan.
Tiếng Việt chúng ta dùng hàng ngày có một sự nhầm lẫn nhỏ thú vị: Khi ai đó hỏi “Bạn thấy thế nào?” thực ra là muốn biết “Bạn cảm nhận thế nào? Bạn suy nghĩ thế nào?”, chữ “thấy” không phải là để tả thứ mắt nhìn nữa (trừ phi hỏi “Bạn thấy gì?”) Chúng ta đi xuyên qua “vùng thấy” để đi thẳng tới “vùng nghĩ” đôi khi làm mất sự quan sát đơn thuần. Từ đó thế giới trên trang giấy cũng bớt đi phần sống động.
.
“Slow down and enjoy life. It’s not only the scenery you miss by going too fast – you also miss the sense of where you are going and why.”
Eddie Cantor
.
Hãy đọc thử vài dòng của Trịnh viết cho Dao Ánh: “Buổi chiều. Anh vừa thức dậy nghe tiếng gió hú ngoài kia như một bầy sói rừng đến đánh thức. Buổi chiều vắng ngắt không còn nghe gì ngoài tiếng gió cũng không còn thấy gì ngoài bãi cỏ lao xao. Gió thổi những đám bụi đỏ đuổi nhau ngoài con đường dốc…” Đầy hình ảnh và âm thanh từ các giác quan cộng với sự liên tưởng của thế giới riêng trong Trịnh khiến người ta hình dung được nơi Trịnh ngồi bằng phần nào tâm trạng của chính người nhạc sĩ.
Người viết may mắn thay được sống hai lần. Lần thứ nhất là lúc diễn ra cuộc sống đó. Lần thứ hai là khi viết.
Một trong những bài tập luyện xây dựng chi tiết cho người viết chính là luyện 5 giác quan của mình, không chỉ phần miêu tả. Khi bạn đọc một tác phẩm (thường là tiểu thuyết), bạn như bước vào thế giới tác giả tạo ra nhờ vào các đặc tả chi tiết và những mảnh thông tin tinh tế từ 5 giác quan. Học cách này, trang viết khô cứng của bạn nhờ vậy mà khác hẳn đi, đưa người đọc vào một thế giới duy nhất mà bạn cảm nhận và tạo ra.
Bất cứ lúc nào có thể, hãy thử ngồi yên quan sát và lắng nghe xung quanh, bạn sẽ dần làm quen lại với các giác quan của mình. Học cách tĩnh tâm yên lặng là học cách lắng nghe. Học cách nhìn không xét đoán là học lại cách thấy. Những hình ảnh mùi vị thanh âm xúc giác sẽ dẫn bạn đến nguồn cảm hứng cho trang viết.
**Đây là bài tập gợi ý, bạn có thể làm trước khi đi ngủ, sáng khi thức dậy chưa bước xuống giường, hoặc khi bắt đầu freewriting bài hôm nay:
(Hít thở 2 nhịp vào – ra). Hãy kể tên những điều đầu tiên và mô tả nó:
• 5 thứ mà bạn đang nhìn thấy (see)
• 4 âm thanh mà bạn đang nghe (hear)
• 3 thứ bạn đang cảm giác được (touch)
• 2 mùi trong không khí quanh bạn (smell)
• 1 vị mà bạn cảm thấy bây giờ (taste)
Mời bạn viết!
Phiên Nghiên 4.2020
P.S: Project nhỏ 8 tuần freewriting đã đi qua được 4 tuần. Cảm ơn những bạn đồng hành chăm chỉ, và vẫn mở cửa chào đón những bạn mới yêu thích viết! Chúc tụi mình thân tâm an lạc.
Bạn có thể tham gia ngay bây giờ tại đây!
Ngôi nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!