“WHAT IS YOUR SITUATION?”

Hôm nay, gần nửa tháng xứ sở Lalaland lockdown.
Hôm nay, nước Mỹ chính thức đứng đầu thế giới về số ca nhiễm.

Mình bước chậm chào hoàng hôn phố trước lệnh lockdown 1 ngày. Đường trơ vắng nhưng sạch sẽ lạ thường. Hàng người dài im lặng xếp hàng ở Trader Joe’s mua thực phẩm. Cô công nhân vệ sinh quét vội trên mấy ngôi sao: Julia Roberts, Donald Trump, Brad Pitt… Những người vô gia cư nằm sát nắp cống hơi ấm với chăn trùm kín mặt, ai cũng được bảo hãy về nhà, đường phố là nhà của họ.

Gió thốc buốt tay.
Mặt trời vẫn điềm nhiên thong thả lặn dần.

Dường như chưa bao giờ người ta học về vô thường dễ như lúc này. Mọi sự thay đổi trong chớp mắt. Một trung tâm du lịch giải trí tiêu tiền của thế giới cả trăm năm vai chen vai ồn ã, lấp lánh đèn sao mơ mộng, nay đóng cửa im lìm. Giá thuê đất đai và nhân công ở đây đắt đỏ khủng khiếp. Bao người sẽ khóc. Bao người sẽ phá sản. Bao người sẽ nhập hội homeless đường phố…

Mùa dịch không phải ai cũng có cơ hội dành thời gian ngồi thiền, đọc sách, học online, kết nối với gia đình… Sẽ có những chủ doanh nghiệp khốn đốn, hãng xưởng đóng cửa, sẽ có những người tán gia bại sản, người chạy cơm hàng bữa phải lao đao. Làm sao ôm hết thế giới vào lòng để ủi an, để bù đắp? Ta rất đau lòng đến nỗi có khi không thể yên vui trong sự may mắn của mình, bất an từ đâu ào ạt khi vội bước qua những hàng quán cửa đóng then cài, những người lăn lóc rét buốt nồng nặc mùi đường phố…

Ở trong thế giới vật chất và vướng phải lời nguyền chia rẽ này, em đành chấp nhận rằng không làm sao ngoài khả năng mình được đâu em ạ!

Giống như câu hỏi vô nghĩa, cuộc đời ai là vinh quang hơn, cuộc đời ai là đau khổ hơn, câu trả lời luôn là bất khả cân đong phân biệt. Ta có thể rất đau lòng, đó là sự đồng cảm của con người, nhưng ta không thể gánh dùm hòn đá trên lưng người khác, tâm tư ta không thể là tâm tư người khác.

Trong một hơi thở, mình chợt nghĩ đến câu của thầy Pháp Hải, luôn tự hỏi “What is your situation?” để tự nhận biết mình trong giây phút hiện tại. Phải. Quay lại. Mình. Trong hiện tại.

Chính sách bảo hiểm tiêu chuẩn thường có câu: “không bao gồm thiên tai dịch bệnh”. Dịch bệnh là lúc rủi ro bất ngờ, khó đoán, đến công ty bảo hiểm còn phải tự bảo hiểm cho mình thì ai cũng nên có một kiểu bảo hiểm tự thân khi những tai họa trăm năm một lần xảy ra. Đó không phải là ích kỷ, mà là sự hiểu biết.

Bản thân đứa nhạy cảm như mình thì bảo hiểm cho mình bằng cách nào? Nhất là về mặt cảm xúc?

Phải hiểu, sự xảy ra là sự phải xảy ra. Thế giới sẽ học cách tái cấu trúc qua khó khăn và khổ đau như cách nó vẫn học. Dù ở một thời điểm nào đó, những bài học riêng lẻ có vẻ không “ép phê” nên vũ trụ dỗi hờn gửi một bài học tập thể toàn cầu. Lúc này tuy “đề bài” có khác, nhưng phải nhớ là cách học không khác mấy.

Phải hiểu, ta không thể tồn tại một mình. Hệ thống cần nhau lúc này, trên giảm cho dưới, dưới chia sẻ cho dưới nữa, dưới nữa thông cảm cho hàng ngang, hàng ngang giúp đỡ cho nhau. Cái gì con người đã tạo ra được thì vẫn có thể tạo ra thêm, thực phẩm, đồng tiền, vật chất… nếu gom của cải cả thế giới lại chia đều thì nào ai đói khát? Nhưng con người luôn có lòng tham và tính quên. Thật đáng tiếc. Bài học luôn nhắc đừng mang thứ bên ngoài làm bảo hiểm cho mình, mình sẽ không còn gì khi hệ thống sụp đổ.

Phải hiểu, mình chỉ có thể bảo hiểm cho chính mình bằng nội lực, bằng lòng thương của mình, vì không ai có thể lấy đi, chỉ dày thêm lên. Nói cho cùng thì ta chỉ có thể sẻ chia những gì ta thực có, làm trọn vẹn những gì trong khả năng, và học cách chấp nhận để không đeo thêm nỗi khổ chéo chồng. Ta bất an, ta buồn bã, ta thấy mình bé mọn bất tài, ta không giúp ích cho đời ta thì chớ, lỡ ta giảm sức đề kháng ta ngã bệnh có phải thêm gánh nặng cho thế giới không?

Phải hiểu, có sinh ra trên đời là có khổ. Mình chấp nhận mỗi phần đời một bài học riêng, nỗi khổ riêng. Mình chấp nhận mỗi người có một câu chuyện khác nhau. Tiếp sự chấp nhận là sự cho phép. Mình cho phép mình bị mất hết, bị cảm thấy tội lỗi, bị bất lực, bị tổn thương và cho phép mình đi tiếp.

Mùa dịch, người ta quay lại những nhu cầu cơ bản nhất. Người ta đánh nhau tranh giấy vệ sinh cũng vì vậy. Mùa dịch, người ta trở lại với những câu hỏi cơ bản nhất, về sự tồn tại, về sự mong manh, về những câu chuyện tưởng tượng của con người (*).

Nên chăng đây là dịp mỗi người tự hỏi mình nếu xóa bỏ tất cả, tách khỏi điều kiện tưởng như vững chắc hàng ngày, tách khỏi đám đông, tính nguyên bản của mình là gì? Và trên hết, “what is your situation?”

.
Phiên Nghiên

Hollywood, 26.3.2020

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s