
Lúc dọn nhà rời khỏi Việt Nam, mình phát hiện ra một kho báu khổng lồ: những quyển sổ kín chữ, đủ thứ chủ đề mà mình đã viết. Mình gọi những cuốn sổ kỳ diệu đó là JJ – Journal Journey. Viết Journal được coi như một trong những thực tập cần thiết nhất trong hành trình của một người Viết.
.
Từ nhỏ mình đã có thói quen viết tay trong những quyển sổ quyển tập đủ kiểu. Mình mê mẩn mùa cuối năm vì mẹ sẽ đem về một (vài) quyển trong đống sổ mà khách hàng bạn bè tặng mẹ, thường được bọc da sần sần, màu đen nâu cực kỳ business, mấy trang đầu in lịch hàng tháng trong ô vuông để ghi chú như Google calendar bây giờ. Mình thích những cuốn trơn từ đầu tới cuối, xịn nữa là có quote của người nổi tiếng được in nho nhỏ dưới chân trang giấy vì nó sẽ thành nguồn cảm hứng viết trong ngày.
Có những lần lang thang bất tận ở các tiệm văn phòng phẩm, nhà sách khu trường Nguyễn Đình Chiểu hay nhà sách Mỹ Tho ẩm mốc, mình thường vui sướng khi ôm được trong tay một cuốn tập bìa xanh dương nhạt có giấy ruột kẻ ngang màu ngà, hoặc một quyển in chú thỏ hồng cùng miếng nhựa trong ngoài bìa giấy mong manh. Và chắc chắn, nhiều đứa 8x sở hữu một quyển bìa dày đục thủng hình tròn hoặc trái tim, đặc biệt có một ổ khóa nhỏ. Cái ổ khóa “làm màu” đó chỉ cần dùng ghim kẹp giấy ngoáy một phát là bung ra, nhưng lúc ấy sao cảm thấy yên tâm hết sức.
Thì ra cảm giác được an toàn là một trong những điều tiên quyết để việc viết dễ dàng hơn vì viết là đối diện với chính mình một cách can đảm và trung thực, nó phơi lộ những góc sâu thẳm đến nỗi mình còn không biết cho đến khi chữ hiển hiện trên trang giấy. Và khi mình chưa đủ hiểu mình, chưa đủ chấp nhận những xấu tốt buồn vui của mình, chưa đủ nội lực trong tâm hồn thì còn cần nhiều lắm những điều kiện hỗ trợ bên ngoài.
Dù sao, bây giờ nhìn lại, mình cảm ơn mình đã viết, phải nói là “đội ơn”, là “may phước”, là “biết ơn không thể trả” cho mình ngày xưa vì đã dành thời gian viết xuống. Nếu không, hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong của mình bây giờ chắc vẫn lửng lơ đâu đó…
TẠI SAO LẠI LÀ BÂY GIỜ?
Đơn giản thôi, chưa bao giờ thuận tiện cho bạn bắt đầu hơn bây giờ là làm cho mình một cuốn Journal Mùa dịch Covid-19 Có phải dạo này bạn thấy FB tràn ngập những bài viết từ các bạn ở khu vực cách ly tập trung, đến những bạn cách ly tại nhà, hoặc phải làm việc tại nhà không? Bạn hiểu rõ thêm về cuộc sống của họ khó khăn, dễ chịu, hay trải nghiệm khác lạ thế nào… là nhờ những bài viết đó. 3 đối tượng này có thể cho ra 3 loại Journal mùa dịch khác nhau rồi, chưa kể trải nghiệm của mỗi người lại cực kỳ khác nhau nên những câu chuyện riêng nhất sẽ được kể thông qua Journal Mùa Dịch. Bạn cũng vậy.
Không phải tự nhiên là bạn, trong trạng thái bây giờ, lại ở trong tình cảnh bây giờ! Nếu bạn không kể câu chuyện đó thì ai sẽ kể nữa chứ?
VIẾT JOURNAL NHƯ THẾ NÀO?
1. Không chỉ ghi lại sự kiện mà còn là chi tiết cảm xúc, suy nghĩ, các trải nghiệm qua 5 giác quan, các bài học rút ra được. Có thể viết, vẽ đủ thứ… miễn sao mình thoải mái, thả lỏng, thành thực là được. Freewriting rất tốt cho Journal.
2. Mình thường dành 1 cuốn sổ = 1 chủ đề, tùy chủ đề mà mục tiêu là viết kín cuốn đó hoặc đến khi chủ đề đó kết thúc.
Ví dụ như sẽ đặt mục tiêu viết kín những cuốn này trong 6 tháng:
– Journal Freewriting – Ngày Hôm Nay (không chỉ ghi lại sự kiện mà còn là cảm xúc, chi tiết, quan sát xung quanh và suy nghĩ của mình, ví dụ trong 6 tháng ngày nào cũng freewriting ít nhất 10 phút đều đặn, đây cũng là một phần thực hành writing therapy của mình vào khoảng năm 2011-2012)
– Journal Đọc Sách (đọc cuốn sách nào thì ghi chú lại kiến thức và trải nghiệm của mình)
– Journal Về việc Viết (bất cứ lúc nào muốn viết-về-việc-viết)
Còn sẽ có loại Journal cứ viết cho đến khi chủ đề đó kết thúc, tùy vào sự kiện. Ví dụ như:
– Journal năm cuối cấp (lớp 12) (gặp ai ghét ai thích gì học gì ngu học gì giỏi, dán thẻ xe, giấy nợ quỹ vào sổ…)
– Journal học 1 môn gì mới, 1 ngoại ngữ mới (học vẽ học thiền hoặc xưa là hành trình học Văn, giống kiểu Sổ tay Văn học nhưng theo cách của mình: Chuyện trong đội tuyển, được học thầy xịn nào, bài nào thích, ý nào không đồng ý với thầy, bài nào mình làm hoài vẫn không vô, những ngày chán học…)
– Journal nấu ăn cho quán nhỏ (gồm các công thức nấu ăn do mình nhiều lần test, với ghi chú nguyên liệu và cảm nhận sau khi ăn, thời gian trữ, chất lượng món, feedback khách hàng…)
– Journal làm luận án (chép trích dẫn ý hay từ tài liệu đọc được, ghi chú lại những ý tưởng mới trong quá trình làm, feedback của Giáo sư lên bài lần 1 lần 2 lần n, ghi chú về các lần đi khảo sát, focus group…)
– Journal chuyến đi Gieo (là một community project, mình ghi lại những suy nghĩ, các câu chuyện hàng ngày trước, trong và sau lúc đi)

I want to write, but more than that, I want to bring out all kinds of things that lie buried deep in my heart.
Anne Frank
VIẾT JOURNAL ĐỂ LÀM GÌ?
Lợi ích nhiều vô kể, chỉ mỗi việc nhìn lại hành trình của mình cũng đủ để học rất nhiều (không viết lấy gì mà nhìn lại).
Nếu bạn thấy không có lợi ích gì cho bạn lúc này thì cũng chả sao, cứ làm, thích viết nên viết, kiểu vì yêu mà đến ấy! Có những chuyện mình không bao giờ nhìn thấy được tại sao mà mình cảm giác được thôi thúc, khi thực hành thấy an lạc thì nên làm, không cần phải loanh quanh với hai chữ tại sao, mất thời gian! Và 10 phút mỗi ngày để viết không thấm gì với thời gian bạn đang lãng phí trên internet hoặc nằm suy nghĩ vẩn vơ cả!
Tùy vào cuộc sống của bạn mà bạn có thể có nhiều loại Journal khác nhau. Có người thích viết hết vào 1 quyển, nhưng mình lại thích tách ra để có thể theo dõi được quá trình. Mỗi lần mở một quyển tập mới tinh lòng rưng xúc động với mùi giấy ngai ngái, viết những chữ vào trang đầu tiên cũng là những bước chân trải nghiệm đầu tiên trong hành trình nào đó, đến khi dấu chấm kết thúc cũng trao cho bạn một cảm giác hoàn thành.
Luôn luôn có quyển Journal Freewriting viết không theo chủ đề mỗi ngày đều đặn. Trong Journal viết như “ngáo đá” cũng được, chữ xấu như “gà bới” cũng được, vẽ bậy vô cũng được luôn. Cứ thả lỏng và thành thực!
MỤC TIÊU TUẦN NÀY:
Tập thói quen viết tối thiểu 10 phút mỗi ngày vào Journal Freewriting, và thử bắt đầu làm một Journal chủ đề nào đó phù hợp với bạn nhé.
Chúc tụi mình thân tâm an lạc,
Phiên Nghiên 3.2020
Đây là bài thứ 2 trong chuỗi 8 bài “Mình viết gì khi không thể viết?” chia sẻ và khuyến khích bạn thực hành #freewriting với mình. Nếu bạn muốn tham gia thì tham khảo hành trình 8 tuần Freewriting ở đây nghen.
Ngôi nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!