Khi người thương bỗng mất

Ảnh: XiaojunJune

Khi người thương bỗng mất, mình ngay lập tức trải nghiệm sự tương đối của thời gian. Hiện tại đứng yên quánh đặc như nắng khô oi nồng một ngày bức gió, mình trôi tuột vào hàng triệu khoảnh khắc của quá khứ đầy nghẹt kỷ niệm đẹp vui tủi buồn cùng người đó, và mình cảm thấy cô đơn lạc lõng quá đỗi khi bị kéo lê về phía tương lai không còn người hiện diện bên cạnh mình nữa. Hiện tại – quá khứ – tương lai đổ ào ào bên trong mình như dòng thác, lộn xộn, đau đớn, cô đơn, ngạc nhiên, hãi sợ…

Khi người thương bỗng mất, mình ngay lập tức trải nghiệm sự tương đối của không gian. Bỗng thấy mình đứng ở cạnh người khóc cười lần cuối, bàn chân không chạm đất, cơ thể như mất đi trọng lượng của nó. Bỗng thấy mình ở trong lần đầu gặp mặt, nơi khu vườn đầy những bông mai tung nở, nơi chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ trước nhà quê vẫn còn là mấy khúc gỗ nối vào nhau, nơi chân mình lạnh toát trong sình và mùi bùn ngai ngái, nơi khoảnh sân vuông người hay xua mấy con gà ăn lúa phơi, nơi nồi thịt kho Tết của người vẫn sùng sục dưới gian bếp có mái lá lủng lỗ chỗ những đọt nắng vàng…

Khi người thương bỗng mất, mình ngay lập tức trải nghiệm một phần cái chết của chính mình. Việc biết về sự ra đi của một người, dù là một cuộc ra đi có hạn kỳ hay bất ngờ, đều làm mình mỏng đi rồi trong suốt, phơi trải ngàn tế bào trong đau buồn, trống rỗng, lạc lõng, hoang mang, tiếc thương, nước mắt, mộng du và tê liệt. Cái chết vẫn luôn đứng đó từ lúc một con người được sinh ra với những ngón tay bé xíu mỏng manh huơ trong không khí, nhưng đôi khi ngày dài tháng rộng người ta vẫn thi thoảng quên. Ôi ta vẫn cho là cái chết sẽ bỏ quên mình, bỏ quên người thương của mình, nên khi nó tới thì sửng sốt và nhiều tiếc nuối. Ôi ta đã quen với việc khi ta cất tiếng thì người đáp lời, ta vẫn cho là người kia sống mãi, sẽ chờ đợi mình, sẽ tha thứ cho mình thôi… Nhưng cái chết như một nhát cắt đi bao hy vọng đó.

Mất một người thương, mất một hơi thở, mất một sự hiện diện, mất một nỗi đợi chờ, mất một niềm vui… Dù chưa bao giờ được dịp dỗ dành nhau nhưng cũng tiếc nuối như mất đi một người luôn chờ dỗ dành mình vậy! Có lẽ mình vì thế mà thường đau buồn nhiều, bởi mình thường nghĩ tới chính mình, nghĩ tới cảm giác của mình trong mối quan hệ với người đó, nên cái Tôi gào thét dữ dội, một cái Tôi không chấp nhận sự mất, không chấp nhận rằng ảo tưởng của nó về sự tồn tại là sai lệch. Mình tin một người chưa biết thương-chết thì chưa biết thương-sống, biết cái chết để biết bớt cái Tôi giả tạo, biết sống can đảm, yêu thương và ý nghĩa hơn, chứ không phải lo sợ và vun vén ích kỷ hơn.

Mình dần tĩnh lặng trong rất nhiều cuộc ra đi gần đây của người thương từ khi mình hiểu rõ hơn về hành trình của sự chết và về sự tiếp nối bình an. Mình vẫn đau buồn chứ – bởi vẫn là một con người, nhưng mình hiểu thêm rằng đó chỉ là một hình tướng biến mất, chứ người thương của mình còn ở khắp nơi, ở trong mình nữa. Sư Ông (*) có lần giảng về sự chết bằng cách thử nhìn lên trời, thấy mây tụ lại thành mưa thì tan đi hình tướng mây, mưa rớt xuống gặp độ lạnh quá thành tuyết thì tan đi hình tướng mưa, tuyết rớt xuống tan vào dòng suối, thấm vào đất, thì tan đi hình tướng tuyết. Mây, mưa, tuyết là có hay không, là còn hay không? Vô thường là biến đổi. Hình tướng một con người dù không vẹn nữa nhưng vẫn có sự tiếp nối ở những chỗ khác. Ví như mình tiếp nối sự tử tế của người đó, tiếp nối trí huệ của người đó, tiếp nối niềm vui của người đó… trong cuộc sống hàng ngày của mình thì người đó vẫn còn ở trong mình mãi. Đức Phật tạ thế đã gần ba ngàn năm nhưng sự tiếp nối của người vẫn còn trong sự tu tập, trong từng hơi thở và cách sống của mình, thì Người đâu biến mất phải không?

Người thành năng lượng, người ôm mình dỗ dành mình mà mình bận nhìn cái Tôi với nỗi khổ tâm mất mát của mình nên mình không thể nào cảm thấy được cái ôm từ biệt đó. Mình phải tĩnh lại. Khi đối diện với một cuộc chết, mình nhắm mắt trở về với hơi thở, mình để cho nỗi buồn dâng lên, mình để cho nước mắt trào ra, rồi mình trở về với hơi thở, mình đếm từng sự tiếp nối của người mà mình sẽ mang theo: là một nụ cười ấm áp, là một cách sống tử tế, là một thái độ nhường nhịn, là một tấm lòng nhân hậu, là một trái tim thương yêu… Vậy là người ở trong mình quá nhiều rồi! Mình biết ơn người nhiều lắm!

Ta ở đây với bao người, nhưng một mình người sẽ về phía chân trời ánh sáng trong cuộc trở về bụi sao, nên mình thay nỗi buồn tiếng khóc bằng lời cầu nguyện để người đi không hoang mang, không bối rối, không lạc đường. Hành trình trở về đó an lạc hơn bởi mang theo lời thương và sự nâng đỡ, sự hiểu biết của người thương như mình.

Mong sự bình an ở trong tim người về lẫn người ở lại, bởi hành trình nào cũng đáng giá như nhau!
.

Phiên Nghiên • 23.12.2019

Viết cho tất cả những ai đối diện với cái chết của người thương yêu. Viết cho mình, khi một người thương nữa vừa ra đi hôm kia, một vị thầy tâm linh vừa ra đi hôm qua (**)


(*) Bạn có thể tìm hiểu thêm ý này trong phim Walk with me, bài viết về phim ở đây http://bit.ly/walkwithme_phiennghien
(**) Ram Dass, 88 tuổi, người tin rằng Thượng Đế hiện hữu trong mỗi người https://nyti.ms/2SiNmP

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s