NGHIỆP LÀM NGƯỜI NỮ

Hồi nẫm mình nghe người ta giảng lời Phật biểu, sanh ra làm thân con gái là khổ rồi, là tụ nghiệp xấu, là phước mỏng nghiệp dày, phải tu tập “tụng niệm, cầu xin, chịu đựng, phục dịch…” để chuyển kiếp chuyển thân thành đàn ông, mới mong tu tiếp thành Phật.

Vì mình ngu dại nên mình tin lời người ta, mình giận Phật. Sao Phật phân biệt vậy? Mình để cơn giận của mình lớn đến nỗi không tự tìm hiểu trong kinh, không tự tư duy trong mình, mà ôm lời người đâm ra oán trách mang trong lòng nỗi ấm ức thiệt thòi mang thân con gái.

Nỗi ấm ức đó đi theo mình cũng hơi lâu. Thì đang ngu đang yếu mà, biết sao được. Dù giận nhưng cũng hơi tin, vì nếu tin là mình đang bị phạt, mình dễ giải thích cho mấy thứ sai sai xui xui đau thương không như ý trong đời.

Não tự động tìm kiếm những chứng cứ bên ngoài để chứng minh niềm tin nó đúng: Mình thấy đàn ông dễ dàng đi tới con đường họ muốn hơn phụ nữ, vốn vướng bận gia đình chồng con tình cảm tuổi trẻ và nghìn sự so sánh vớ vẩn khác lấp đầy hai mươi bốn tiếng một ngày của họ.

🌿

Rồi tới khi dám ngồi lại tìm kiếm đọc lời Đức Phật dạy trong kinh Tương Ưng Bộ, Phật chỉ 5 đau khổ riêng biệt mà người nữ phải chịu:

1. Lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con.

2. Người đàn bà có kinh nguyệt.

3. Người đàn bà phải mang thai.

4. Người đàn bà phải sanh con.

5. Người đàn bà hầu hạ đàn ông.

Sau mỗi câu, Phật đều bảo: “Đây là đau khổ riêng biệt thứ năm, này các Tỳ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.”

Mình nhận ra mình ngu thiệt!

Lời Phật là lời thương. Phật đang thương người nữ, thương cho tâm lý bơ vơ lúc đến nhà chồng khi trẻ tuổi; thương cho thân thể và tinh thần đau đớn vì kinh nguyệt, mang thai, sanh con; thương cho phận người trong xã hội bị phân biệt đối xử, bị buộc vào những bổn phận, trách nhiệm để bận rộn không còn đường tu học.

Phật nêu lên hiện trạng của xã hội phân cấp lúc đó, Phật chỉ ra cái khổ đau riêng của người nữ bằng lòng thương, bằng sự cảm thông. Phật chỉ ra con đường thoát khổ, khi hiểu rõ cái khổ mình có. Phật chỉ ra cách đàn ông phải trân trọng thương người nữ hơn, vì họ không gánh dùm người nữ được mấy đặc điểm này.

Lời Phật không dùng hạ thấp người nữ, không cấm người nữ đi tu vì nghiệp nặng như người ta vẫn rao bán. Người ta rao bán lời Chúa lời Phật để giữ trật tự xã hội hay quyền lợi giai cấp của họ.

Cái rao bán này một lần nữa đánh vào tâm lý vốn mong manh của người nữ, này có nghe Phật cũng nói như vậy không, hãy chấp nhận nghiệp nặng của mình đi, hãy cúi đầu mà làm tốt phận của mình.

🌿

“Nghiệp” không phải là thứ để dọa cho sợ.

Nếu ta bị dọa cho sợ hãi – cảm giác mình từng làm sai cái gì đó ở một kiếp mơ hồ nào đó, dẫn tới sự tuyệt vọng trong kiếp sống này và bằng mọi cách cầu xin xá tội từ bên ngoài.

Ta sống chơ vơ.

Ta trách đời mình.

Ta dễ đổ lỗi cho người, cho xã hội, cho số phận.

Ta rời xa chính mình.

🌿

Sư cô Pema Chodron(*) và Sư Cô Chân Không là hai người đã dắt mình ra khỏi con đường ghét là người nữ, sợ là thân nữ.

Hồi nghe cô Pema Chodron dạy, “nghiệp” (“karma”) là thứ biểu lộ để được hiểu-mình, được có trách nhiệm cá nhân về hành động của mình, từ đó mở rộng đào sâu phiên bản mình, trong chính thế giới này. Mình thương mình quá trời quá đất!

🌿

Sư Cô Chân Không trong bộ hồi ký “60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự” cũng giúp thương mình như một người nữ hơn nữa.

Cô vốn là người mạnh mẽ, thông minh, học giỏi, dấn thân. Cô đến với đạo Phật bằng hàng triệu câu hỏi, hay nghiên cứu, nghiền ngẫm, thực tập rồi lập luận hỏi khó các Thầy chứ không tin ngay lời dạy. Đó là lời nhắc về tinh thần cần có của một người học Phật.

Trong quyển “Con đường mở rộng” có đoạn cô kể về tu huệ và tu phước, về những hành động cô làm cho xóm lao động nghèo, cho lũ trẻ mồ côi, cô thẳng thắn:

“Đâu phải đàn ông ít nghiệp mới làm được việc, mới mau thành Phật hơn phụ nữ? Nếu nói tôi đi cứu giúp các em nghèo đói sống trên vỉa hè là để kiếp sau sẽ thành con gái nhà giàu thì tôi lại bực hơn nữa. Tôi muốn thưa với thầy: Con giúp chúng nó vì chúng nó cần con. Thế thôi! Con không cần làm công chúa hay con nhà giàu gì hết. Tôi cũng muốn thưa với ni sư Vĩnh Bửu là con muốn đi tu và có nhiều khả năng như Phật để cứu người được nhiều hơn, nhưng con không cần làm con trai để hết nghiệp phụ nữ.”

Đọc tới câu đó, mình rúng động tâm can.

🌿

Hôm nay sinh nhật Sư Cô Chân Không, mình muốn viết thay lời chúc, ghi lại điều lớn nhất mà cô gián tiếp dạy mình qua sách vở và cuộc đời cô, đó là hiểu về nghiệp làm người nữ.

Cô dạy mình hiểu “Nghiệp” là cơ hội để bước vào con người thật của mình, chính là con người mình chọn để trở thành, đơn giản nhất bằng cách hiểu và tu sửa thân-khẩu-ý, như cách cô đi vào đường tu giản dị mỗi ngày.

Mình biết ơn cô giúp mình không còn sợ, biết nhìn “nghiệp” là neutral, xảy ra với mình không phải để phạt (nghiệp xấu, mình sợ) hay thưởng (nghiệp tốt, mình làm vì), mà là kết quả của hành động chung và riêng trong vô hạn thời gian.

🌿

Mình mong bài viết nâng đỡ một chút cho các bạn đang ghét, đang sợ, đang trách… nghiệp làm người nữ. Bài đã dài nên xin dành phần giải thích rõ hơn cách nhìn sâu trong bài sau.

Thương chúc mỗi người đủ duyên hiểu và tận dụng nghiệp để sống an lạc thân tâm và phụng sự bằng chính những gì mình có.

Phiên Nghiên

CA, 4/2023

(viết nhân ngày tiếp nối của Sư Cô Chân Không)

🌿

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s