












Hôm rồi bạn Phây nhắc, thời gian này ba năm trước, Sách Gieo ra đời. Đôi khi tôi ngoái lại tự hỏi, mình đã lội qua chặng dừng gần 4 năm ở Việt Nam với Toa Tàu bằng cách nào? Mỗi ngày, tôi gặp quá nhiều người, cười quá nhiều lần, khóc quá nhiều lúc, quay cuồng với nhiều task và drama đến ướt mèm trái tim. Tôi gặp khi nó đang ngằn ngặt hoang mang, góp tay nuôi lớn nó, và rồi tôi cũng góp tay khép lại sự tồn tại của nó. Hành trình đi cùng Toa Tàu cũng là hành trình tôi được lớn lên thêm. Nhưng tôi, tuyệt nhiên, không tiếc nuối gì.
Bạn bâng quơ hỏi tôi có muốn làm lại một cái giông giống Toa Tàu không? Tôi lắc đầu, cũng như khi bạn bâng quơ hỏi tôi có muốn làm lại một chiếc xe bán bánh mì như ở New Zealand không, tôi cũng lắc đầu. Với tôi, vậy là đủ. Tôi đã ôm ấp tất cả và được là tôi ở mỗi thời điểm thật trọn vẹn.
Hôm ngồi ngoài bãi cỏ ngắm Trăng Dâu, đợt trăng tròn lớn nhất cuối cùng của mùa, qua cái kính phóng to, mắt tôi ràn rụa nước: “Giờ có động đất cái rầm chết luôn cũng không tiếc nuối gì”. Đó, là cảm giác đó. Trọn vẹn và bình yên.
Nhưng nếu hỏi cắc cớ phải chọn ra một điều tiếc quá thì chắc là chưa được lắng nghe sâu từng-người-một trên đời. Tôi hiểu nhân gian có nỗi khổ chung, nhưng vẫn khát khao nghe từng khối sầu riêng. Chỉ nghe thôi, chẳng phải để cho một giải pháp coi được, chẳng phải góp thêm một nỗi buồn hay niềm bứt rứt, chẳng phải để động viên vài câu ngượng nghịu. Tôi đôi khi chỉ muốn bắc ghế ra hiên nhà ngồi nghe gió, nhưng nhiều lần hơn thế tôi muốn nghe một tiếng người.
Hồi làm Gieo Xuyên Việt, tôi bày ra trò “Thư giãn bàn tay” cũng chỉ để được nghe thêm. Vụ này tôi có kể chút chút trong sách, nhưng mấy chuyện cụ thể của cô Ba, cô Năm, dì Sáu, chú Tư rỉ rả thì không có chỗ kể. Kể sao hết mấy khúc riêng tư, mấy lần mắt ầng ậc nước mà miệng vẫn cười theo quán tính, mấy đợt thở dài sau lời qua lại rôm rả? Mà tôi cũng nhận thấy đâu ai kể giỏi câu chuyện của họ như chính họ. Bởi vậy tôi quyết đi làm tiếp công việc xúi người ta kể lại chuyện chính mình.
Một câu tôi hay nghe trong lớp Viết dọc dặm đường là “Tôi có gì đâu mà viết hở cô Phiên?” Đó cũng là những người tha thiết muốn kể lại đời mình, tha thiết muốn được nhìn thấy, tha thiết muốn được lắng nghe.
Tôi đã tìm cách đến với họ bằng vết sẹo chằng chịt trên ngón tay, “à vì đi lấy củi ngoài làng, đường lên núi nửa ngày mới tới, cụm cỏ cao hơn cây cà phê lại dễ xước…”; bằng bàn tay trái mất hai đốt “à vì chặt sắn, nó quốc mẹ vô là mất ngón tay, mấy tháng trời muốn treo mỏ…” Mấy chuyện như vậy ai kể đây, ngoài họ?
Viết – với tôi là một công cụ giúp đi sâu vào tâm trí, giúp ghi lại từng câu chuyện nhỏ, giúp nhìn rõ lớp lớp ego. Ai cũng có chuyện để kể, chất liệu chính là cuộc sống của họ. Tôi trân trọng những chi tiết thực của đời riêng nổi lên trên từng trang viết, đó là bụi vàng cho bất kỳ sự sáng tạo nào. Thế nên khi nhận được mấy bài viết na ná nhau là tôi tiếc đứt ruột, tiếc cho một cuộc đời chưa được nhìn tỏ. Tôi đã luôn nhắn lại tin thật dài, rằng hãy viết đi, viết-cho-chính-mình-trước-hết. Chắc cũng có người thấy tôi lãng nhách, người dưng đâu mà tha thiết chuyện viết của người dưng vậy?
Bởi sau nhiều năm lọ mọ trên trang viết của nhiều người, có một điều tôi biết rõ, mấy thứ người ta không dám nhìn tới, dễ gì viết ra…
Chúc bạn dám nhìn, và viết.
CA, 7.2021
Phiên Nghiên
Viết Để Tự Do cùng Phiên Nghiên