Chia ly và khôn lớn

Nghe nói khi sinh ra, nó chỉ nhỏ bằng con mèo con. Mẹ có bầu bốn tháng mà bụng chưa lấp ló lùm xùm gì hết. Tới tháng thứ năm Mẹ còn cắt rau muống dưới ao trước nhà. Tháng thứ sáu còn đạp xe đủng đỉnh đi làm. Tháng thứ bảy Mẹ xắn quần dầm mưa cuốc đất. Tháng tám chất củi quạt cơm khói mù mịt chái bếp nghèo. Cuối cùng tháng thứ chín dài dằng dặc cũng qua, Mẹ trở dạ rồi đi đẻ. Nhà bảo sanh xa nhà, nhỏ xíu, muỗi vo ve suốt đêm, thoảng mùi ẩm mốc mấy góc tường cũ kỹ. Nó cựa quậy ồn ào trong bụng hoài, không màng đến những cơn đau thắt nghẹn. Sáng hôm sau mới chịu chào đời, tiếng oe oe như tiếng mèo ỉ ôi trên nóc nhà. Chắc lúc đó nó biết đã có một cuộc chia ly lớn khi nó hội ngộ cuộc đời. Khi cuống rốn rơi xuống, nó chính thức rời xa khoảng trời an toàn nhất là bụng mẹ, những giọt nước mắt nó khóc khi đó là cho cuộc chia ly đầu tiên.

Đến tuổi học mẫu giáo, nó lại có cuộc chia ly thứ hai với Mẹ. Không hiểu sao đến giờ, ký ức của nó không ghi lại hình ảnh gì trong khoảng thời gian bé bỏng đậm sâu bằng hai mùi hương da diết nhớ: Đó là mùi đất sét trong những hộp đồ chơi hiếm hoi của trường Mầm non và mùi tóc Mẹ. Những thanh đất sét đủ màu xanh đỏ tím vàng nặn nên cả tuổi thơ, và mùi tóc Mẹ thiệt thơm khi bồng nó trên tay ủi an nó cả thời gian tới lớp.

Ngày đầu tiên đến trường học chữ, nó rạng rỡ với áo mới bạn mới cô giáo mới. Nó không khóc mà cũng không ngoảnh lại, nhảy chân sáo vào lớp. Ngoài cổng trường mắt Mẹ có thoáng mờ nhòa, khi thấy bé con của Mẹ lại rời xa Mẹ thêm một chút nữa. Con đang dần lớn lên, mà vòng tay Mẹ thì không thể nào chở che mọi chỗ. Mẹ lo rồi con sẽ ăn những cây kẹo đầy phẩm màu, Mẹ lo rồi chúng bạn có đứa nào cà khịa nắm tóc giật tai con, Mẹ lo cô giáo không nhìn thấy con Mẹ nhỏ xíu xìu xiu ngồi im ru một góc bàn khuất, Mẹ lo đủ thứ trên đời vì không ở gần bên con như trước.

Suốt mấy năm đi học, Mẹ đón đưa tất tả không phàn nàn. Ngày mưa ngày nắng ngày bão giông, tiếng kèn xe của Mẹ vượt qua mọi đám đông. Tan trường, nó dỏng tai và nghe rất rõ tiếng “tin tin” từ xa, nó sẽ bỏ ngang mấy trò chơi kẹo kéo, mấy con tò he, mấy chuồng dế nhũi… vừa say mê phút trước để chạy ào tìm Mẹ. Nó mong chờ được ríu rít kể Mẹ nghe chuyện hôm nay ở lớp, chuyện nó được lãnh luân lưu lúc chào cờ, chuyện bữa nay cô giáo mặc áo dài vàng đẹp ơi là đẹp… Lúc đó, Mẹ là người bạn thân nhất của nó.

Có lần được nghỉ học đột xuất, nó quyết định tự đi về nhà. Một quyết định vĩ đại với cô nhóc chín tuổi. Nó sung sướng tưởng tượng ra cảnh Mẹ bất ngờ bao nhiêu khi nhìn thấy nó ngồi ở nhà trước khi Mẹ về, nó không nghĩ là Mẹ hốt hoảng đi tìm khắp những con đường thành phố, nước mắt ràn rụa trên má. Khi Mẹ tìm được nó ở nhà, Mẹ đã dạy nó một điều rằng đừng làm cho người thân lo lắng về bản thân mình. Sau đó, nó và Mẹ có hẹn nhau dù Mẹ đón trễ thế nào thì con vẫn đứng ở gốc cây thứ ba trước cổng trường. Suốt những năm tháng áo trắng quần xanh khăn quàng đỏ, nó chỉ đứng ở nơi đó, ngóng mòn mỏi về một hướng, và lần nào cũng hân hoan vô cùng khi nhìn thấy Mẹ đằng xa. Ngày nào cũng vậy, giống như chia xa từ lâu lắm! Mười năm sau, đô thị hiện đại hóa, người ta vô tình đốn ngã cây-kỷ-niệm để mở đường. Nó ngẩn ngơ hoài, tự an ủi mình ừ thì kỷ niệm nuôi lớn trong tim không ai quy hoạch được…

Nó còn có những cuộc chia ly ngắn ngủi với Mẹ, là những chuyến đi thi xa nhà. Những chuyến đi mang trọn niềm háo hức, tự hào, và ước mơ được chinh phục, khám phá của nó. Và Mẹ luôn lo lắng nhiều gấp mấy lần nó. Mẹ nhét đầy trong hành trang nào là quần áo, đồ ăn thức uống, thuốc men…  cùng với cả chục lời dặn dò cẩn thận. Những lần trở về, khi thấy Mẹ tự tay đóng khung từng bằng khen rồi treo lên giữa nhà, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc không từ nào diễn tả, nó tưởng như Mẹ mới chính là người được nhận bằng khen chứ không phải nó! Vậy mới biết hạnh phúc của con Mẹ hạnh phúc hơn trăm lần…

Và nỗi buồn của con Mẹ buồn hơn trăm nỗi. Đó là khi nó xa Mẹ thêm một chút. Là lần đầu tiên nó biết thương-một-người-dưng. Nó giấu diếm những nỗi lòng trong sáng đó, khoảng trời ngọt ngào đó, những nhịp đập khác thường tự con tim và những cảm xúc kỳ lạ cho riêng nó, nó đâu dám sẻ chia với Mẹ. Rồi điều mong manh cũng vỡ tan, nó nghĩ rằng trên đời không có gì đau khổ đến thế. Đêm nằm xuống lặng lẽ khóc. Ngày đến lại nói cười vui vẻ với mọi người. Bằng cách nào đó Mẹ biết được. Dòng tin nhắn ngắn ngủi của Mẹ làm nó xúc động ngộ ra một điều, rằng “Bất cứ chuyện gì xảy ra, bên con còn có Mẹ”. Rằng tất cả những cuộc chia ly, dù đi đến nơi nào nó cũng quay về bến Mẹ mà thôi.

Thời gian trôi dài tới lúc nó xách lỉnh kỉnh va-li sách vở lên Sài Gòn đi học Đại học, nó biết nó xa Mẹ thêm bảy mươi cây số rồi. Nó biết đêm nào Mẹ cũng nhớ nó, có đêm nằm ngó lên trần nhà mà nước mắt chảy ra ướt gối, nó biết mâm cơm lạnh tanh buồn bã những ngày Ba đi xa, nó biết sáng ra Mẹ sẽ nói chuyện với cún Đen ở nhà rằng chị mày đi lâu quá chừng không biết có khỏe không, nó biết Mẹ sợ thời gian sợ tuổi già mà cứ trông ngóng tới cuối tuần cuối tháng cuối năm để gặp con. Những lần về thăm nhà, nó luôn nhăn nhó sao Mẹ làm nhiều thứ thế, từ việc tỉ mẩn tự tay xé từng thớ thịt làm chà bông ruốc tới việc nấu đủ mọi món ăn trên đời và gói ghém hộp lớn hộp nhỏ “để con đem lên Sài Gòn ăn cho khỏe”. Nó cự nự hoài Mẹ làm chi cho cực khổ, mắt mẹ rớm nước “tại Mẹ không ở gần mà lo được cho con”. Nó chỉ biết cúi mặt, hai mươi hai tuổi đầu vẫn chưa làm được gì cho Mẹ. Dẫu biết rằng những người Mẹ trên đời đều vĩ đại như nhau, mà lòng thắt lại khi thấy những vết chân chim hằn nơi đuôi mắt…

Nó lớn lên đi biết bao nơi, không nơi nào ấm áp bằng vòng tay của Mẹ. Vậy mà cũng có lúc nó quay cuồng với nhịp sống thành phố lớn đầy ánh đèn này, mà quên. Chỉ có những lúc cùng cực nhất, cô độc nhất, buồn tủi nhất, đau đớn nhất… mới thấy cất lên trong lòng một tiếng nấc – Mẹ. Nước mắt chảy xuôi, những đứa con ngưỡng vọng cuộc đời mê mải chìm và trôi đi, ngày càng xa bến bờ xuất phát. Từ sau bạo bệnh, nó luôn cố gắng giữ liên lạc với Mẹ mỗi ngày, đôi khi chỉ là cái tin ngắn vỏn vẹn. Nó tin Mẹ an tâm hơn khi đọc thấy dòng ngắn ngủi lúc mười giờ đêm “Con đã về tới nhà. Mẹ ngủ ngon.”

Nó có những cuộc hành trình rời xa vòng tay Mẹ thật ngoạn mục. Đôi khi nhẩm tính lại bây giờ một năm gặp Mẹ được mấy lần, nói với Mẹ được bao nhiêu câu chuyện, ở gần Mẹ được bao nhiêu thời gian… thấy xót xa tràn dâng khóe mắt. Để lần nào về đặt tay lên cổng nhà đã kịp đóng rêu, đặt tay lên những bức ảnh đứa trẻ toét miệng cười Mẹ cẩn thận treo ở giữa nhà, nó nao lòng quá đỗi. Có lớn bao nhiêu có là ai ngoài xã hội, những đứa con luôn bé bỏng trong nghĩ suy người Mẹ. Những mùa xuân chạy ngược về tim nó đã biết ngậm ngùi, những thời gian chạy vụt qua mái tóc Mẹ trộn hai màu đơn sắc, những kỷ niệm dài dòng kể biết đến khi nào mới hết, nó thấy biết ơn bao cuộc hành trình. Dẫu một lần chia ly là thêm một lần rời xa vòng tay ấm, để thấm thía đời ngang dọc, để sống đầy đặn từng ngày, để biết ấm áp quay về một nơi luôn có Người chờ đợi, bao dung và tràn ngập thương yêu…

.

Phiên Nghiên 

<3 Lời Phiên (9.2020): Bài này mình viết hơn 10 năm trước, đăng lần đầu trên báo Yeah1 số 9, đăng lần 2 trong sách Trái tim son trẻ. Hôm nay xin đăng lại nhân dịp Vu Lan trùng với ngày sinh của Mẹ. Cầu nguyện sự bình an cho tất cả người Mẹ trên đời, tin rằng Mẹ bình an thì con cũng được hưởng phước bình an! <3


Mừng bạn về nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s