
Tôi xem vở Bông hồng cài áo vào buổi công diễn thứ hai, là dịp Vu Lan nên không khí đặc biệt trang nghiêm dù đông đúc. Thầy Thành Hội mặc comple đẹp đứng cùng khánh tiết ở cửa ra vào, trên tay là một giỏ bông hồng trắng và bông hồng đỏ để cài lên áo của từng khán giả, chỉn chu vô cùng. Trước vở diễn, thầy Thành Hội có phát biểu rằng:
“Kính thưa quý vị khán giả, hôm nay sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh được cài lên ngực quý vị một bông hồng đỏ, đó là niềm hạnh phúc bởi vì chúng ta còn được sống với mẹ trên cõi đời này. Nhạc sĩ Trần Tiến trong bài Mẹ tôi có viết: “Mẹ ơi, con đã già rồi nhưng mỗi lần nhớ mẹ con vẫn còn ngồi khóc như trẻ con.” Và chúng tôi cũng chân thành cài lên ngực quý vị những bông hồng trắng, chúng tôi cùng chia sẻ, cùng tiếc thương, cùng nhớ đến những người mẹ đã qua đời…
Người mẹ là người có những nỗi đau thầm lặng không thể chia sẻ được với chồng hay con mình, chẳng hạn nỗi đau sinh nở không thể nào nói rằng mình đau như thế nào, đã lo sợ như thế nào… Những người binh sĩ khi bị thương, cận kề cái chết thường thốt lên “Má ơi, con đau quá!”, “Má ơi chắc con chết quá Má ơi”. Tận trong tim con người, dường như mẹ là thành trì cuối cùng để người ta bám víu vào những lúc cảm thấy cô đơn nhất trong cuộc đời.
Bây giờ chúng ta có 10 viên kẹo, ta ăn 1 viên thì còn 9 lần ăn nữa thôi. Hôm nay ta gặp mẹ, nói chuyện với mẹ, hôn mẹ 1 cái thì là số lần gặp mẹ cũng ít đi. Bông hồng nào đỏ mấy cũng sẽ tới lúc trắng, người mẹ nào rồi sẽ cũng có lúc chia tay chúng ta. Hôm nay quý vị nào cài bông hồng đỏ xin hãy yêu thương giữ gìn mẹ trong vòng tay ấm áp nhất, bởi vì mất mẹ là mất cả bầu trời không bao giờ và không có gì có thể mua lại được. Chúng tôi xem đây như tấm lòng dâng tặng những người mẹ đang còn và những người mẹ đã rời xa về miền miên viễn…”
Thầy phát biểu ngắn gọn vậy thôi mà tôi bị đánh động tới nỗi chảy hai hàng nước mắt trước khi mở màn. Vở kịch kể về 3 gia đình có 3 người mẹ mang 3 phận đời khác nhau, 3 nỗi niềm riêng biệt nhưng quy tụ về 1 mối chung đó là sự thương mong và hành động nào cũng hướng cho con. Họ muốn đem đến cho con những điều tốt đẹp theo suy nghĩ của mình.
Hiếu và Thảo có những mặc cảm và tự ti về hoàn cảnh má mình đi bán tàu hủ và tìm cách hàn gắn với bà nội để có thể có được nhiều tiền nhằm đổi đời, không bị người ta không rẻ rúng nữa. Hai đứa con cứ nghĩ là đưa những đồng tiền để mẹ bớt đi làm lụng cực khổ mẹ sẽ vui, nhưng đó đâu phải là điều mà bậc sinh thành cần. Mong ước lớn nhất của người mẹ là sự bình an và khỏe mạnh của con. Câu chuyện về hai đứa này làm tôi thức tỉnh rằng dù mẹ nghèo mẹ giàu như thế nào thì đều cũng là một tấm lòng của người làm mẹ!
Vở kịch có nhắc một nỗi đau khác của người mẹ đó chính là nỗi đau mất con. Người mẹ cứ nhìn vào khoảng không mà khóc mà cười rồi gọi tên con. Tôi hiểu nỗi đau này vì mẹ tôi lúc có bầu được mấy tháng cũng bị một trận máu, tiều tụy và già xuống sắc hẳn. Không biết mẹ có nói cho cha nghe không nhưng tôi không hề được kể, mẹ giấu nỗi đau đó trong lòng. Bài học làm mẹ là một bài học đầy sự can đảm và hy sinh. Thật sự trân quý và thương những ai đã từng, đang hoặc sắp sửa làm mẹ.
Hôm đó tôi khóc rất nhiều, khóc từ lúc thầy phát biểu đến vô nhà vệ sinh giải lao, đến lúc đi thang máy về, lấy xe và khóc, khóc ướt khẩu trang, tới khi ăn cơm còn ngồi khóc tiếp. Tôi biết ơn vì vở kịch đã đánh động trong tôi rất nhiều thứ, qua ngày sau tôi gọi cho mẹ để nói “Con có gì làm mẹ buồn thì mẹ bỏ qua hết nha mẹ. Con thương mẹ lắm đó mẹ!” Mẹ cười “Sao tao mệt mày quá Q tèo!”
Dì út hồi có bầu nói với tôi rằng đừng đợi tới khi giống như dì, có con mới hiểu tấm lòng của mẹ. Và hãy nhớ bà ngoại cũng là mẹ của mẹ con, cũng là một người mẹ đó con à…
• Bài của bạn Nguyệt Quế, ngày viết thứ 41 thực hành 8 tuần freewriting.
• Lời Phiên: Nhân dịp Vu Lan, mình xin những chữ này của Quế để gợi ý cùng bạn, năm nay hãy thử có một trải nghiệm gì đó chung với mẹ: Đi xem kịch cùng nhau, đi ăn riêng với nhau, đi xem phim ở rạp, dẫn mẹ lên quán cafe cao nhất thành phố… Bất cứ việc gì bạn thích làm hãy thử rủ mẹ làm cùng, như một người bạn. Hãy nói mẹ mặc đồ đẹp đi hẹn hò với con! Bởi thời gian có mẹ là quý giá biết chừng nào. Còn nếu bạn đã cài bông hồng trắng thì xin chia cùng bạn nỗi buồn này, hãy thử ngồi viết cho mẹ một bức thư, một bài thơ, một bài cầu nguyện… để trò chuyện với mẹ nghen!
Lịch diễn Sân Khấu Kịch HOÀNG THÁI THANH năm nay có suất Bông hồng cài áo vào ngày 12/9. Đây là sân khấu kịch yêu thích của mình ngày còn ở Sài Gòn, rất tiếc giờ ở quá xa không thể xem, mời bạn.
Mừng bạn về nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!