Cô gái nông dân

Ảnh của tác giả

Khi trời mưa mà hạt cà phê còn nhỏ, tôi phải cắp rổ đi hái bói. Chiếc xe đạp Trường Sơn hoen gỉ được độ thêm ghi đông cán gỗ chất đầy nào là củi và bao cà phê. Cũng may tôi là đứa khỏe mạnh, một mình đẩy xe lên dốc đường cát trơn trượt dựng đứng, nếu xui trời đổ mưa to thì càng thêm lầy lội. Việc phải đi hái cà phê bất chấp thời tiết cũng bởi nạn trộm cà phê. Bọn ấy thì ác lắm, không chỉ trộm mà còn bẻ cành nguyên nhánh làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cây và sản lượng năm sau. 

Vốn chán ghét nghề nông nhưng khi chọn trường đại học thì tôi lại chọn Nông Lâm, khoa Công nghệ thực phẩm chuyên ngành bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Dù thi hai trường: khối A Đại học Kinh Tế chuyên ngành marketing và khối B Đại học Nông Lâm, nhưng nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề.

Lúc học đại học, thầy cô thường định hướng và mô tả một số công việc hấp dẫn tại các nhà máy chế biến thực phẩm như Masan, Cầu Tre… với vị trí khởi điểm thường là công nhân, làm QC (Quality Control) hoặc QA (Quality Assurance). Đến năm ba, tôi thực tập tại Cầu Tre trong phân xưởng thủy sản xử lý tôm cua cấp đông xuất khẩu. Việc đứng tám tiếng một ngày cộng với phải ngâm tay trong dung dịch nước đá và dùng kim để khều chỉ tôm khiến tôi không mấy mặn mà. Trước khi tốt nghiệp, tôi nghe ngóng được cơ hội đi Israel từ các anh chị khóa đầu tiên sang đó, tôi cũng muốn đi cho biết, cho thỏa ước mơ ngày bé là được ngồi trên máy bay dù chỉ một lần trong đời. Thật ra, tôi đi học vì giấc mơ làm giàu, không phải giàu tiền giàu bạc mà là giàu kiến thức nông nghiệp. Tôi muốn quay về với cội nguồn nghề nông, cái nghề cực nhọc, gian khó, hành xác, nắng nôi mà ba mẹ tôi đã gắn bó với mảnh đất Đắk Lắk hai mùa mưa nắng.

Chuyến đi Israel chính là combo của hai nghề mà tôi không khoái: làm nông và làm chế biến. Công việc đầu tiên là đứng máy dây chuyền phân loại chà là, nhưng lần này hứng khởi hơn lần thực tập năm ba đại học vì chao ôi, dàn máy phân loại rất thần kỳ, nhờ những cảm ứng tinh vi để phân loại chà là theo kích cỡ và độ phồng rộp của vỏ quả – yếu tố quyết định sự đẹp xấu đúng chuẩn thị trường. 

Lúc bé hay nghe thầy cô giảng mê say về sức mạnh của các dân tộc có nguồn tài nguyên khó khăn nhưng vẫn cảm thấy xa xôi cho đến khi tận mắt chứng kiến những kỳ tích trên sa mạc ở Israel. Ngày ngày cảm nhận cái nóng 36- 37°C, chưa kể khi vào nhà kính còn lên đến 40 – 42°C, tới nỗi có lần một bạn nữ tu nghiệp sinh người Nepal đã ngất xỉu vì mất nước. 11 tháng tại Israel cũng giúp tôi thay đổi định kiến là nghề nông luôn đi liền với hai chữ nghèo khó. Tôi bớt sợ khổ và tưởng chừng như mình đã sống trong điều kiện khắc nghiệt này thì sá gì những khó khăn khác. 

Vậy là về nước, tôi hăm hở thử nghiệm công nghệ tưới nhỏ giọt trồng rau nhưng đó trở thành lần thất bại đầu tiên vì quá ngây thơ và thiếu kiến thức kỹ thuật, khiến mẹ không mấy tin tưởng vào năng lực của tôi. Tôi đã gục ngã trước sự chất vấn của mẹ (mẹ hay nói “trứng mà đòi khôn hơn vịt” hẳn là đúng trong hoàn cảnh này). Tôi nản và hoàn toàn mất phương hướng. 

Tôi lại tìm cách đi thực tập ở một nước mới, phiêu lưu nhiều hơn về mặt tài chính vì đó là Hoa Kỳ: Nếu rớt phỏng vấn visa, tôi sẽ phải mất 10.000.000 tiền phí hồ sơ nên lo sợ vô cùng. Chưa kể, trước thời điểm đi Mỹ tôi đã làm việc 3 tháng tại Liwayway với vị trí QC đúng chuyên ngành, có nghĩa là tôi đã đánh đổi sự ổn định trong mắt mẹ, bẻ gãy con đường sự nghiệp liên kết chặt chẽ với tấm bằng đại học mà chọn dấn thân vào trải nghiệm với nông nghiệp. 

Một năm ở Mỹ mặn nồng cùng nông nghệ công nghệ cao giúp tôi rèn thói quen làm việc và tính kỷ luật, cái mà tôi rất kém khi còn ở Việt Nam. Tôi được biết work smart not work hard, learning by doing, productive is the most, nhưng cái quý nhất chính là trải nghiệm văn hóa cùng làm việc cùng ăn cùng ở với người bản địa. Tôi gọi nông nghiệp là tình đầu, còn chế biến là vị hôn thê, nhưng cuối cùng tôi lại chọn đến với tình đầu khi “em” và tôi đã xóa bỏ những hiểu lầm định kiến và khúc mắc để hiểu nhau hơn. Hành trình tìm ra chân ái của mình không mấy dễ dàng khi bao nhiêu định kiến xã hội bủa vây, tư duy theo lối mòn hay đóng khung trong một tầm nhìn hạn hẹp.

Tôi về nước, mâu thuẫn giữa tôi và mẹ lại xảy ra: Tôi không chọn con đường lấy chồng rồi mới lập nghiệp như mẹ khuyên nhủ. 

Tôi đã có ý định đi thêm nước thứ ba nhưng thấy mình lông bông mãi cũng không hay, tôi cần sự đổi mới và môi trường học tập đường hoàng tại Việt Nam. Tôi vốn gan bé, lại phụ nữ yếu đuối chứ không phải dạng khỏe như mấy anh trai nên giới hạn chịu khổ cũng không cao lắm. Mối tình với nàng nông nghiệp mém tàn khi tôi bất ngờ rẽ sang mảng giáo dục STEM về nông nghiệp cho trẻ em của Teach For Vietnam. Nhìn lại lịch sử làm việc kể từ khi về nước, từ vị trí kế toán cho một vựa chanh dây ở Đăk Nông đến kỹ sư kiêm công nhân cho farm dưa leo tại Hải Dương, tôi lại Nam tiến vào Sài Gòn thử sức với cương vị mới: Cộng sự chuỗi giá trị cho Greenedu, một startup nông nghiệp, một doanh nghiệp xã hội nên tính phụng sự cộng đồng cũng được thể hiện rõ qua những hoạt động của công ty. Công việc không hề nhàm chán đơn điệu mà có tính thách thức cao và tôi thích nhất chính là đồng nghiệp cùng làm, cùng đi trải nghiệm, khảo sát và học tập, tạo động lực lớn để tôi học tập và cố gắng nâng cao năng lực giải quyết vấn đề nông thôn – nông nghiệp – nông dân.

Tôi chính là đứa trẻ đã được lớn lên ở nông thôn, là con của người nông dân yêu nghề. Tôi hy vọng kiến thức mà mình tổng hợp và tích lũy được sẽ giúp cho những ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là những cô gái trẻ như tôi, sẽ có định hướng rõ ràng hơn. Và tôi biết mình không cô đơn khi những đồng nghiệp, cộng sự của tôi cũng là những cô gái trẻ và đều tham gia vào công ty này vì sứ mệnh của nó…


• Bài của Ngọc Dung, ngày viết thứ 15 trong chuỗi 8 tuần thực hành freewriting.

Lời Phiên: Chuyện của một cô gái theo đuổi nông nghiệp bằng cả trái tim có thể lay động cả những người không hiểu gì về nông nghiệp, vì chúng ta được chạm nhau qua lòng nhiệt thành trong từng hành động để được thực hiện điều mình mê phải không? Và hãy viết về những gì ta thực trải, bởi đó mới chính là chất riêng quý giá nhất của mỗi người trong trang viết.

• Tìm hiểu về thực hành 8 tuần Freewriting ở đây.


Ngôi nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s