
Kể từ năm 18 tuổi xách ba lô xuống Sài Gòn, chưa bao giờ mình ở nhà lâu như thời gian nghỉ dịch. Đó là những ngày về nhà tắm sớm trước 6 giờ chiều chứ không tắm khuya vì mãi chạy ngoài đường, đó là những ngày mặt trời còn chưa kịp mọc đã nghe tiếng gà gáy sáng, chưa bước ra khỏi giường đã nghe mùi cà phê má pha sẵn bay thoang thoảng qua mấy lỗ nhỏ của cái mùng tròn tròn li ti, đó là những ngày không dám lùa cơm ồ ạt vội vàng vì sợ má la, mỗi lần ngồi vào bàn phải nhớ lại lời dạy nhai một muỗng cơm 15 lần từ ngày con nít mà mình vội với nhịp sống Sài Gòn quá nên quên.
Mỗi ngày, khi nắng bay qua đỉnh đầu thì đi kiếm củi khô đun bếp lửa rồi ngồi canh nồi thuốc Nam hết hai tiếng đồng hồ, hễ lửa tắt là lại cho ít củi vào, không được cho nhiều vì thuốc dễ khét. Má năm nay cũng gần 70 rồi nên ngày uống hai tô thuốc to để bớt đau khớp. Mấy nay vào mùa mưa, củi ướt nhúm hoài không cháy, khói mù mịt, mắt cay xè… Ngồi gần bếp lửa suốt hai tiếng đó chỉ nhìn củi và không làm gì, có những lúc đầu trống rỗng, mắt nhìn vô chừng lên thấy vài vệt nắng trải dài vắt ngang mái tôn, khói uốn quanh, vờn vờn vài vũ điệu như một tấm lụa mỏng uốn lượn lên cây dừa trồng bên cạnh bếp rồi bay thẳng lên trời. Có lúc ánh nắng đổi hướng chiếu thẳng xuống mặt đất như một tia sáng phát ra từ dĩa bay chuẩn bị sà xuống đất, xẹt xuống góc bếp làm bừng lên những thứ lỉnh kỉnh, những thứ chất trong đó bao nhiêu năm không thay đổi. Má có thói quen giữ lại đồ vật từ những năm gian khó sau chiến tranh giờ vẫn còn nên yên tâm là đồ trong nhà không bao giờ vơi đi mà ngày càng chất chồng bên dưới lớp bụi thời gian. May mà căn bếp có những lúc ánh sáng lọt vào soi chiếu để chúng được sưởi ấm cho hết ẩm mốc rỉ sét, để chúng được nhìn thấy trong một khoảnh khắc trong ngày, từng thứ, từng thứ một.
Nhà có bếp ga nhưng má ít khi nấu vì chê nấu đồ ăn không bén, nồi cá kho không sắc, nước canh không ngọt, nấu thuốc uống không bổ, hầm cháo đậu đen không mềm nhuyễn bằng nấu củi, nên cái bếp ga nằm chỏng chơ một góc suốt gần nửa năm vẫn chưa thay bình. Một hôm thấy má cực quá với đôi chân nhấc lên không nổi, thằng con mình thử đi chợ và nấu ăn một bữa, thấy sao ngồi làm hoài làm hoài mà không xong, không hết chuyện, trưa trời trưa trật rồi mà chưa cho mấy đứa cháu ăn kịp đi học. Cũng bằng đó thời gian mà má rẹt rẹt làm xong nồi cơm, nồi kho, nồi canh, nồi nước nóng ngâm chân và nồi chè mát, còn thằng con mới xong được một nửa, chắc tại tay chân dài lọng cọng, rồi khi nấu không tập trung vào món ăn mà ngồi nghĩ vẩn vơ tâm hồn bay tới tận đâu đâu.
Căn bếp nhỏ xíu bằng tuổi anh hai, bằng số năm má về làm dâu, đã xây lại đôi ba lần nhưng vẫn vậy với nồi niêu xoong chảo và hai cái bếp, đống củi khô… Bếp là nơi má ở nhiều nhất chứ không phải phòng khách, là nơi má tranh thủ dạy mấy đứa cháu rửa chén, nấu vài món đơn giản như trứng chiên, trứng luộc, ốp la, vo gạo, nấu cơm, rửa chén, đun củi… Bếp cũng từng là nơi má ghét nhất do năm xưa đang ở tuổi đi học bỗng nhiên thời cuộc phải nghỉ học lấy chồng và làm quen với bếp thay vì bước ra bên ngoài cuộc đời rộng rãi tự do. Thằng con nói sẽ dọn dẹp cái bếp cho rộng rãi hơn, sạch sẽ hơn, không bị dột nước mưa nữa, nói vậy chớ về nhà đợt nào má cũng lấy cớ để bếp trật tự đúng ý má, dọn dẹp rồi kiếm nồi niêu các thứ hổng ra, mọi thứ cứ để đó cho má lo…
Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của má lăn dài trên trán rồi bịn rịn rơi xuống, rớt trọn vào đám lửa đang cháy rồi bốc hơi bay lên, không đếm được mồ hôi cũng như không đếm được số sợi tóc bạc trên đầu má nhuộm màu khói bếp. Lần nào ở bếp ra, kéo tà áo quẹt quẹt vào mắt đang đỏ ngầu, tự nhiên mình nghĩ suốt bao năm qua, có bao giờ má khóc và lợi dụng khói bếp làm mắt cay để giấu tâm trạng đi không…
• Bài của S., ngày viết thứ 10 trong chuỗi 8 tuần thực hành freewriting.
• Lời Phiên: Có lẽ người mẹ nào cũng gắn với cái bếp, nhưng không phải người con trai nào cũng đủ chậm lại để nhìn ngắm, để nâng đỡ, để cảm nhận như S. Cảm ơn S. đã nhắc người đọc, rằng biết ơn sao vì đã có mẹ, có một nơi nương tựa trong đời…

Bài đăng nhân dịp Tết giữa năm, nhớ những cái bếp thơm nồng mùi khói.