
Chúng ta bàng hoàng trong tin dữ dù phải thừa nhận rằng đây không phải là lần đầu tiên: Cậu bé mười sáu tuổi và tầng hai mươi tám, chắc chắn là hai con số ám ảnh rất nhiều người hôm nay.
Nghĩ cho kỹ, có lẽ chẳng ai muốn chết, cái thực muốn là một giải pháp để giải quyết vấn đề gì đó trong hiện tại, mà ở đây là nỗi đau. Nỗi đau em đối diện có lẽ rất lớn để buộc phải chọn con đường không thể quay trở lại. Ai đó từng nhìn xuống từ trên cao lồng lộng và nghĩ đến kết thúc của mình sẽ cảm giác được nỗi sợ hãi và sự bất lực tận cùng. Mình thương em. Em chọn cách ra đi như vậy là rất đau đớn và đáng sợ. Nhưng cái gì đã đau đớn và đáng sợ hơn đối với em nếu em sống? Quả là một câu hỏi lớn.
Nghĩ cho kỹ, thực ra nỗi đau không biến mất theo cuộc ra đi của em mà còn nhân lên rất nhiều lần. Ba em trực tiếp nhìn thấy và bất lực tột cùng, sẽ là vết thương lớn trọn đời khó lành. Mẹ em phải mãi mãi gặm nhấm lời của em trong tội lỗi, trong sự chông chênh để nuôi dạy đứa con còn lại. Ừ, và em của em cũng sẽ mang theo một nỗi ám ảnh mơ hồ từ sự chia sẻ thành thật cuối cùng của anh mình.
Em là nạn nhân, gia đình em cũng vậy. Nạn nhân của cái gì thì mình cần dừng lại nghĩ. Ừ, nghĩ cho kỹ, chúng ta không nên chỉ tiếc thương một chút rồi thôi, càng không nên nhân cơ hội này mà lôi nỗi đau sâu xa nào đó trong lòng mình ra để buộc tội, chỉ trích cho thỏa. Chúng ta, những-người-lớn, nên nghiêm túc soi lại mình.
.
Trong mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái, nếu ai là người có thể chủ động làm được nhiều hơn, thì đó là ba mẹ. Là người lớn.
“Người lớn từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn” nên người lớn phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Người lớn có đặc quyền là được sống lâu hơn, được tiếp cận thế giới nhiều hơn, vậy nên phải học cách chấp nhận cuộc sống này vừa đáng sợ vừa kỳ diệu cùng một lúc, từ đó dìu dắt đứa trẻ cách tận hưởng đời mình, để đứa trẻ được hiểu rằng nó có quyền được đi theo cách của nó, nó có quyền được sai, quyền được coi người thân là một chỗ dựa an toàn. Để làm được như vậy, người lớn phải vững vàng trước đã.
.
“Mình không lôi chuyện đó lên mạng nhưng không có nghĩa là chuyện đó không tồn tại.”
Mình đọc được câu này trên trang viết của người bạn cùng thực tập 8 tuần Freewriting sáng nay. Bạn rón rén từng bước thừa nhận đằng sau vỏ bọc bình thường hàng ngày là những cảm xúc dữ dội, là ganh tị, là đau đớn, là so sánh hơn thua khổ sở… Bạn, một người vợ luôn cần sự nâng đỡ tinh thần từ chồng, đang từng bước can đảm một mình bước đi trong đêm tối; một người mẹ thương con đến cầu toàn đang từng bước thừa nhận mình có vấn đề và cần dành thời gian cho bản thân. Khi một người can đảm dừng lại nhìn cuộc sống và những khoảng tối của mình thật chậm, rồi học cách chấp nhận và học cách thương hiểu mình cho đúng, cũng là sự chuẩn bị cần thiết cùng với tình yêu con có sẵn vốn rất bản năng (và dễ bị lợi dụng bởi ego).
Hiểu mình, chính là hiểu rằng mình có lúc thành lúc bại, lúc sáng lúc tối, lúc lên lúc xuống, lúc giận dữ lúc từ bi, lúc đau khổ lúc hạnh phúc… và học cách chấp nhận tất cả thời điểm đó của mình.
Hiểu mình, chính là hiểu rằng mình được quyền mong manh chân thật trước mặt người thương, hiểu rằng có những lúc mình không hoàn hảo cũng không sao, và được phép phô bày những khiếm khuyết rất-người trước người thương của mình.
Hiểu mình, chính là hiểu bản chất của cuộc sống, bản chất của nỗi đau, luôn nằm trong quy luật vạn sự sẽ đổi. Từ đó biết cách học hỏi những kỹ năng để làm bạn với cảm xúc mạnh, để làm hòa với nỗi khổ đau của bản thân, quyết rèn mình trước đã rồi mới có thể ngưng vòng lặp trao truyền nỗi đau và nỗi sợ hãi cuộc sống cho người khác, đặc biệt là những đứa trẻ.
Hiểu mình, chính là hiểu người, rằng tất cả chúng ta đều khổ. Cha mẹ có nỗi khổ và con cái có nỗi khổ. Chúng ta hít thở ở đây là đã cùng ở trên một con thuyền. Vậy chúng ta nên làm gì cho nhau, ngoài việc trao thêm cái khổ cho nhau?
.
Mình không đồng ý với việc mọi người lên án, công kích phụ huynh của em một cách dữ dội. Nói cho cùng, chúng ta không phải là họ nên không thể hiểu hoàn cảnh của họ, và với chúng ta thì đây chỉ là nỗi đau đồng cảm sẽ qua, còn họ mới chính là những người gắn bó, thương yêu và đau khổ nhất.
.
Từ khi có cơ hội làm việc với nhiều bậc phụ huynh, mình được thấy những áp lực khủng khiếp và nỗ lực thay đổi của họ trong một thế giới quá nhiều thông tin và mong đợi. Làm cha mẹ theo kiểu gì, Nhật hay Tây? Làm sao để con mình đầy đủ về vật chất hơn mình ngày xưa? Làm sao để hiểu con đang thích và ghét cái gì trong khi Tiktok mình cũng chưa biết tải? Họ cũng từng ngày từng giờ trăn trở, đau khổ, lo lắng không chỉ cơm áo gạo tiền mà còn là cách nuôi dạy con, cách sống với con như một cá thể trong một thế giới phức tạp.
Không thể đổ hết phần lỗi cho phụ huynh, cũng như không thể đổ hết phần lỗi cho đứa trẻ.
.
Trong phim Turning Red có đoạn đứa trẻ phải dắt mẹ nó đi một đoạn để cả hai cùng bước qua khu rừng trauma bản thân, điều này chỉ có thể xảy ra khi mẹ nó chịu để nó dắt.
Chúng ta cần chấp nhận mình để được dìu nhau đi. Chúng ta cần kiên nhẫn với nhau nhiều hơn, và cần thừa nhận rằng chúng ta thương nhau đủ để cho người kia thấy mình yếu đuối, để lắng nghe sự yếu đuối của nhau và cùng nương tựa, dìu nhau qua những quãng khó, dù là cha mẹ-con cái, hay là những mối quan hệ phải duyên gắn bó khác.
Mọi thứ đều sẽ qua. Mình có thể làm được gì cho nhau lúc này?
Nguyện mong mỗi người đều được sống và kết thúc cuộc sống trong sự bình an.
Phiên Nghiên
CA, 4.2022
.