Tại sao hiểu mình lại tốt cho con?

Bạn hỏi “Em vẫn chưa rõ tại sao hiểu mình lại tốt cho con?” sau khi đọc bài “Chấp nhận mình để được dìu nhau đi“. Mình viết thêm để bạn rõ hơn nhé:

1. “Hiểu mình, chính là hiểu rằng mình có lúc thành lúc bại, lúc sáng lúc tối, lúc lên lúc xuống, lúc giận dữ lúc từ bi, lúc đau khổ lúc hạnh phúc… và học cách chấp nhận tất cả thời điểm đó của mình.”

>> Khi thấy rõ mình có lúc thành lúc bại, mình sẽ nhẹ tay hơn với thành-bại của người khác (cụ thể ở đây là con mình).
Ví dụ nếu mình biết bao dung với chính mình lúc thất bại trong công việc hay mục tiêu đã đặt ra, mình sẽ biết nghỉ ngơi, an ủi mình, rồi từ từ làm lại, chứ không chăm chăm chỉ trích mình vô dụng, chăm chăm trách móc bản thân. Từ đó mình cũng sẽ bao dung hơn với những thất bại đầu đời của con.
Mình phải nhớ rằng người ta từ thất bại mà lớn lên chứ chẳng ai thành công liền cả. Nếu mình không biết cách chấp nhận phần tối của mình thì khó mà chấp nhận ở người khác, huống chi là ở con – thường được xem là một “quỹ đầu tư tiền bạc công sức thời gian tình thương và nơi gởi gắm ước mơ và mong đợi”.


2. “Hiểu mình, chính là hiểu rằng mình được quyền mong manh chân thật trước mặt người thương, hiểu rằng có những lúc mình không hoàn hảo cũng không sao, và được phép phô bày những khiếm khuyết rất-người trước người thương của mình.”

>> Một trong những khoảnh khắc mà con trẻ nhớ mãi chắc chắn là lúc ba mẹ dám khóc trước mặt nó. Đó là lúc nó biết ba mẹ / người lớn cũng là một-con-người giống như nó vậy, cũng có cảm xúc, có lúc yếu đuối bị tổn thương, và cảm thấy trái tim mong manh của nó rung lên.
Việc dám thừa nhận cảm xúc, lỗi lầm và khiếm khuyết một cách chân thật, can đảm trước mặt con cũng là cách dạy trẻ dám can đảm tỏ bày tình cảm chân thật của mình. Mình phải nhớ rằng đứa trẻ học được nhiều từ cách ba mẹ/người xung quanh sống hàng ngày hơn là những lời dạy.


3. “Hiểu mình, chính là hiểu bản chất của cuộc sống, bản chất của nỗi đau, luôn nằm trong quy luật vạn sự sẽ đổi. Từ đó biết cách học hỏi những kỹ năng để làm bạn với cảm xúc mạnh, để làm hòa với nỗi khổ đau của bản thân, quyết rèn mình trước đã rồi mới có thể ngưng vòng lặp trao truyền nỗi đau và nỗi sợ hãi cuộc sống cho người khác, đặc biệt là những đứa trẻ.”

>> Một trong những điều quan trọng nhất mà Đức Phật dạy là “vô thường”, hiểu nôm na là cái gì cũng thay đổi, kể cả nỗi đau, sự vui sướng, hay tình yêu. Thay đổi là bất biến và không có xấu-tốt, tuy nhiên với con người thì thay đổi có thể là tốt hơn (khi sự theo ý của mình) hoặc xấu hơn (khi sự không theo ý của mình).
Hiểu được quy luật này, mình sẽ chủ động học các kỹ năng làm bạn với cảm xúc, biết cách hiểu và điều hòa chính tính khí của mình để từ thân – lời – ý để hạn chế làm đau người khác (dù chỉ 1 thứ đơn giản như kỹ năng Dừng Lại Thở cũng có ích vô cùng).
Phụ huynh ý thức được những gì thế hệ trước đã vô tình làm đau họ sẽ biết cách ngưng vòng lặp trao truyền nỗi đau và sự sợ hãi cuộc sống đến những đứa trẻ của họ.


4. “Hiểu mình, chính là hiểu người, rằng tất cả chúng ta đều khổ. Cha mẹ có nỗi khổ và con cái có nỗi khổ. Chúng ta hít thở ở đây là đã cùng ở trên một con thuyền. Vậy chúng ta nên làm gì cho nhau, ngoài việc trao thêm cái khổ cho nhau?”

>> Lại một sự thật khác về cái khổ, là tất cả chúng ta đều khổ. Khi hiểu như vậy mình sẽ ngưng so sánh “Con sướng hơn ba mẹ ngày xưa nhiều”, hoặc “Con sướng hơn anh/chị/em của con nhiều”, vô tình gây ra sự so sánh và tự ti của con (sao mình sướng hơn mà mình làm không tốt?)
Khi biết con đi học trong thời hiện đại có những nỗi khổ, áp lực riêng, mình sẽ chân thành tìm hiểu, tâm sự, gần gũi, thực hành cùng con để con được có những nền tảng vững chắc về giá trị và tư duy, hiểu vai trò của sự học, hiểu vai trò của con trong cuộc sống của chính mình để có thể sống, thử nghiệm, sai, làm lại, và tận hưởng cuộc sống này.

Phụ huynh đưa con đến với thế giới cũng chính là bài học lớn lao của phụ huynh, như là bài học của một con người. Là cha mẹ khác với làm cha mẹ. Từ khi có con thì bạn được là-cha-mẹ (chức năng sinh học), nhưng phải học và lớn cùng con mới gọi là làm-cha-mẹ (kỹ năng). Vậy nên bạn chỉ biết cách làm cha mẹ bằng số tuổi của con mà thôi.

Việc thực tập hiểu mình của phụ huynh giúp hiểu rõ bản thân và thực hành các giá trị sống mình thực muốn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình và những người xung quanh, trong đó có con.

Hãy kiên nhẫn và hân hoan học bài học mà mình đã có trong tay. Bất cứ lúc nào cái tôi của mình lên cao, hãy nhìn con và ý thức rằng, đây là một con người, một cá thể riêng lẻ đang học cách tồn tại giữa thế giới này như mình, vậy nên bao dung với nhau để học cách dìu nhau đi, nhé!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho chính mình.
Thương chúc tụi mình thân tâm an lạc.
💜

Phiên Nghiên
CA, 4.2022

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s