hay là nói chuyện lộc vừng…

Ảnh của Mỹ Lộc

Hôm nay như các ngày trong tuần khác, mình đi làm về thì ba mẹ đã ăn xong và vào phòng nghỉ ngơi rồi. Mình ngồi dưới phòng khách, lâu lâu mẹ ghé ra lấy vài thứ hay ba ra uống ngụm nước. Nhìn lại thì tóc ba đã bạc đi rất nhiều, mẹ thì cũng đã vài tháng nhuộm tóc một lần, nhiều nếp nhăn và dấu tích thời gian hơn nhưng có lẽ việc luôn sống bên cạnh nhau khiến mình không cảm nhận được những sự thay đổi đó. Hình ảnh ba mẹ thời xưa, lúc mình còn bé xíu ấy, khá là mơ hồ trong đầu mình nên hồi tưởng lại cũng chỉ thấy hình ảnh hiện lên từ các bức ảnh chụp trước kia. 

Mình nhớ rõ nhất là ảnh ba mẹ ở Đà Lạt hồi mới cưới. Lúc nhỏ khi xem ảnh, mình thường hỏi sao lại không có mình, ba sẽ hay đùa lúc đó mình còn trong cái đầu gối của ba. Ngoài việc tóc còn xanh, dáng người mảnh khảnh hơn và mặt nhìn góc cạnh hơn thì cảm nhận của mình về ba mẹ vẫn vậy, không có nhiều thay đổi trong tính cách hay thái độ. 

Mình còn nhớ mẹ từng có một bức ảnh chụp thời còn học cấp ba hay chuyên nghiệp gì đó, mẹ mặc áo dài trắng, ôm cặp sách, xõa tóc một bên đứng cạnh cầu thang. Hình ảnh nữ sinh thuần khiết nhưng có một nét buồn nhẹ nào đó khiến lần đầu tiên mình thấy mẹ đẹp vô cùng. Mẹ không phải kiểu đẹp sắc sảo, mặn mà, mẹ nhẹ nhàng với vẻ phúc hậu, đằm thắm nhưng cũng rất mạnh mẽ, cứng cỏi. Trong khi đó, ba lại có vẻ thư sinh hơn với dáng người nhỏ và nước da trắng bóc, cơ mà luôn có một cảm giác vững chãi toát ra khiến ba luôn là người đầu tiên mình nghĩ về khi cần cảm giác an toàn và bảo vệ.

Hồi còn nhỏ, trong nhà, mẹ sẽ đảm nhận vai “cây gậy”, luôn là người nghiêm khắc đặt mình vào khuôn khổ và cũng không ít lần phải dùng đến roi để phạt khi mình làm sai. Nói như vậy không có nghĩa ba mình là “củ cà rốt” mềm mỏng, an ủi mà ngược lại, việc ba ít can dự vào khi mẹ dạy hay la nạt mình lại khiến mình đa phần kiêng dè và ít làm càn trước mặt ba hơn.

Có lẽ kí ức thường xuất hiện nhất của mình về ba lúc mình còn nhỏ là thời gian tầm lớp 4-5, lúc mà mỗi lần đi học thêm hay học toán bồi dưỡng về là hai cha con lại chụm đầu vào ngồi cùng phân tích, giải bài tập. Trong khi đó, nghĩ về mẹ, mình nhớ khoảng thời gian cấp hai, khi mình học xa nhà, tuần nào mẹ cũng chạy xe ra vào, có khi thì đón mình về quê, khi thì ở đấy thăm nom cuối tuần; có những hôm chủ nhật phải về, mẹ nán lại rất lâu để rồi chạy xe máy một mình về trong đêm. Bỗng nhớ có một lần mẹ ngủ lại rồi sáng sớm phải dậy để ra nhà đi làm, hôm đó nằm trong chăn thấy bóng mẹ nhẹ nhàng bước ra mà mình khẽ khóc thầm rất lâu; đó là một trong những lần mà mình cảm thấy thương mẹ, nhớ mẹ thật nhiều.

Lúc mình viết những dòng này thì ba mẹ cũng đang ngủ dưới nhà rồi. Thường thì sáng thứ bảy mình hay ngủ nướng hay lê lết trên phòng hết cả buổi sáng. Nhưng mà hôm nay thiết nghĩ, hay sáng mai dậy sớm, ra sân tưới cây, ngồi cảm thán chuyện lộc vừng ra hoa với anh đại rồi cùng chị đại chuẩn bị món gì đó ngon ngon, cả nhà cùng ngồi với nhau ăn một bữa sáng mà lâu rồi vì mình mà chưa bao giờ đông đủ!


• Bài của B.N, ngày viết thứ 23 trong chuỗi 8 tuần thực hành freewriting.

• Lời Phiên: Viết về một điều trong quá khứ nếu đúng hướng chính là giúp nuôi dưỡng và trân quý hiện tại. Mấy dòng viết tự do bỗng trôi về những hình ảnh được lưu giữ thật kỹ lưỡng trong ký ức mà nếu như không ngồi viết cũng khó ghi nhận được. Phiên đặt tựa cho bài này “Hay là nói chuyện lộc vừng…” bởi một chi tiết rất nhỏ trong bài nhưng lại rất quan trọng, là lúc người ta quyết dành thời gian ở bên nhau có khi cũng chỉ cần bắt đầu từ một chuyện nhỏ như vậy thôi!

• Project 8 tuần Freewriting Viết để tự do hiện tạm ngưng sau khi nhận đăng ký thứ 100. Phiên rất cảm ơn sự yêu mến của các bạn. Mọi thông tin mới về project này sẽ được cập nhật tại https://vietdetudo.com/8-tuan-freewriting/

Mừng bạn về nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

2 Comments

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s