Truy tầm nạn nhân “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”

Ảnh sách gốc của Nhã Nam

“Bài viết là góc nhìn cá nhân, từ một người cũng có tổn thương gia đình, về cách nhìn nhận những tổn thương tâm lý trong mối quan hệ cha mẹ – con cái được đề cập trong cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của tác giả Đặng Hoàng Giang.”

Sự nhập nhằng trong việc sử dụng ngôi thứ nhất

Khác với các câu chuyện trong Điểm đến của cuộc đời được kể lại từ vị trí của người quan sát, những câu chuyện của Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ được Đặng Hoàng Giang kể lại bằng nhân xưng ngôi thứ nhất: Tôi. Nói cách khác, tác giả hóa thân vào nhân vật và kể lại câu chuyện của họ như trải nghiệm của chính mình. 

Việc sử dụng ngôi thứ nhất giúp tự do diễn giải theo cách riêng của tác giả, dù dựa trên tư liệu về nhân vật, nhưng vẫn có thể dẫn tới sự không khách quan và thiếu chính xác. Khi trả lời một câu hỏi của bạn đọc, tác giả nói trong 5000 chữ dùng để kể một câu chuyện của nhân vật chỉ có 500 chữ là ngôn từ của họ, còn lại 4500 chữ là của ông được viết ra dựa trên cách nhìn nhận của ông về nhân vật đó. Liệu một người 15 tuổi, 18 tuổi hay 24 tuổi với những lịch sử cá nhân riêng biệt có suy nghĩ và hiểu về tình huống họ đối diện giống cách mà tác giả suy nghĩ và hiểu không?

Cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất này khiến độc giả bị dẫn dắt theo dòng suy nghĩ và cảm xúc mà tác giả đã bày sẵn trên trang giấy, rồi tưởng như mình đang đọc lời của chính nhân vật mà không hề hoài nghi, trong khi thực sự thì bao nhiêu phần suy nghĩ, cảm xúc và tư duy ấy là của nhân vật và bao nhiêu là của tác giả? Dù được báo trước rằng tác giả mượn ngôi thứ nhất để kể lại mà không hoàn toàn sử dụng lời của nhân vật, độc giả chắc chắn vẫn vấp phải sự nhập nhằng về cảm xúc khi đọc sách, bởi họ không thể thường xuyên nhận biết và phỏng đoán đâu là lời của nhân vật, đâu là lời của tác giả trong câu chuyện đang đọc. 

Toàn bộ các câu chuyện trong sách, từ đứa trẻ 18 tuổi tới người mẹ 51 tuổi, và cả một bác sĩ tâm lý đều được kể với ngôi thứ nhất “Tôi”. Việc áp dụng giọng kể đơn sắc này cho mọi câu chuyện không chỉ mang đến cảm giác một màu trong dòng tư duy mà còn làm mờ đi ranh giới của sự khác biệt giữa các nhân vật, trong khi họ vốn là những con người hoàn toàn khác nhau. Ngoài những câu thoại được đặt trong ngoặc kép và được ngầm hiểu là trích dẫn nguyên văn lời nói của nhân vật, phần lớn còn lại là lời của tác giả. 

Câu chuyện của mỗi người được kể qua chính giọng của họ luôn là một phiên bản độc nhất, không thể thay thế về suy nghĩ, cảm xúc, tính cách, nhận thức và lối tư duy. Đành rằng có biên tập cho phù hợp, nhưng nếu được diễn giải tới 90% nội dung, câu chuyện đó nên được kể từ vị trí người quan sát để giữ được tính khách quan, tránh hòa lẫn, nhập nhằng cảm xúc cá nhân người viết với cảm xúc thực của nhân vật, tránh gây hiểu lầm cho độc giả khi đọc, nhất là những đề tài nặng về cảm xúc riêng tư như cuốn sách này. (Ngoài lề, vậy thì đây là loại sách gì? Non-fiction hay fiction?)

Thật kỳ lạ khi cho rằng việc sử dụng ngôi thứ nhất giữ được tính khách quan của câu chuyện với lý do tác giả sẽ khó khăn trong việc đặt vào “miệng nhân vật” những kiến thức, triết lý, hiểu biết của cá nhân mình như tác giả đã nói. Thực chất, việc dùng nhân xưng “Tôi” dường như lại là cách tốt nhất để kể một câu chuyện theo ý mình mà không mất sức (trong khi vẫn được coi là khách quan). Tác giả viết dưới nhân xưng “Tôi” nghĩa là hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng ngôn từ, khiến nhân vật nói ra điều họ muốn bằng chính từ ngữ họ chọn mà không cần viện dẫn bất cứ lý thuyết nào để giải thích thêm. Hãy nhớ rằng, từ ngữ có sức mạnh gợi lên hình ảnh và định hình cảm xúc người đọc. Vì lẽ đó, thật có phần miễn cưỡng khi nói rằng tác giả dùng nhân xưng “Tôi” vì muốn kể một câu chuyện khách quan, trong khi cái “Tôi” đó là ai thì chỉ có tác giả biết.


Ai là nạn nhân, ai vô tội?

Một điều thường thấy là người trẻ hiện nay hay bị áp đặt những thành kiến như ích kỷ, lười biếng và vô cảm. Cuốn sách này khiến độc giả cảm nhận ồ hóa ra chính các bậc cha mẹ mới vô cảm, ích kỷ, thích kiểm soát và không biết thương yêu con cái. Những đứa trẻ bất lực, bế tắc, quay cuồng và giận dữ trong vùng hỗn độn của nỗi sợ, tình thương, trách nhiệm và sự ghét bỏ đối với chính cha mẹ mình.

Đi qua mỗi câu chuyện, độc giả có cảm giác đang lật từng trang nhật ký phơi bày cuộc sống của những đứa trẻ có rất ít tình thương nhưng đầy rẫy khổ đau. Những nỗi buồn, sự tuyệt vọng, tiếng nấc nghẹn, câu chửi thề cay đắng, cảm giác uất ức và cả giọt nước mắt vừa tủi thân vừa chua chát ngập đầy trang sách. Những suy nghĩ, cảm xúc sâu kín, những tổn thương, khao khát và cả ước mơ của người trẻ dần được hé lộ. Họ nhận thức rằng mình là nạn nhân của gia đình, là đứa trẻ không hề được yêu thương và phải chịu đựng sự hành hạ tinh thần đến từ những người thân nhất… Bản thân tôi tin những sự kiện đó là có thật, nhưng người đọc cần lưu ý rằng câu chuyện ấy không thể đại diện cho bản chất mối quan hệ cha mẹ-con cái của các nhân vật.

Những lát cắt được chọn chỉ thể hiện suy nghĩ, cảm xúc về mối quan hệ cha-mẹ-con tại một thời điểm nhất định, với tâm thức và khả năng nhận thức nhất định của người kể. Không thể chắc chắn rằng ở một thời điểm khác, họ vẫn suy nghĩ giống như vậy. Liệu những đứa trẻ có luôn luôn ghét bỏ cha mẹ mình không, hay cảm xúc của họ cũng có lúc thay đổi dù tệ hơn hay tốt hơn? Bởi lẽ đó, độc giả cần có sự tỉnh táo để tiếp nhận các câu chuyện được tác giả chọn kể với mục đích riêng. Nếu quá bị cuốn theo cảm xúc hay bi kịch trong câu chuyện mà quên đi điều này, độc giả sẽ dễ đánh đồng tính chất luôn thay đổi của một mối quan hệ với lát cắt duy nhất đã được tác giả “đóng băng” trên trang sách, dễ dẫn tới góc nhìn phiến diện.

Những câu chuyện đầy nỗi đau được kể bằng nhiều ngôn từ nặng nề và mang tính công kích dữ dội thực sự tác động mạnh đến cảm xúc của người đọc, khiến họ có thể dễ dàng đứng về phía những đứa trẻ và nhanh chóng lên án các bậc cha mẹ, biến cha mẹ thành người có tội còn con cái trở thành nạn nhân. Nếu có ý muốn khơi dậy lòng trắc ẩn cho vị trí của cha mẹ thì chưa chắc, nhưng sự đồng cảm đến từ thế hệ mà vô số đứa con từng thấy cha mẹ nổi giận với nhau, mắng chửi nhau, đánh con trong cơn nóng giận hay gọi con là “đồ mất dạy”, “đồ vô dụng”, hoặc bị cha mẹ hướng dẫn làm điều mình không hề thích dù chỉ là mặc cái áo cái quần, chọn bạn chơi hay chọn ngành để học… là rất nhiều (vốn cũng là đối tượng độc giả chính). Nhưng cha mẹ có thực sự căm ghét và cố ý làm đau con mình, hay họ đang thương yêu thiếu hiểu biết và vì thế gây ra những tổn thương? 


“Hãy tin tưởng vào tình thương chất chứa…”

Cha mẹ nhìn con cái từ lăng kính và từ trải nghiệm của họ, dự đoán những điều trong tương lai bằng kinh nghiệm của họ, rồi áp lên con mình với mong muốn nó có một cuộc sống suôn sẻ, sung sướng và thoải mái – theo quan điểm của họ. Đó là tất cả những gì họ biết. Với phụ huynh, những đứa trẻ của họ luôn cần được dẫn dắt, dù là bao nhiêu tuổi đi nữa. Hãy thử nghe ông bà của bạn nói về ba mẹ mà xem!

Tiếc thay có nhiều phụ huynh yêu thương thiếu hiểu biết đã vô tình gây ra những tổn thương cho đứa trẻ. Họ không có cơ hội hiểu được rằng mỗi đứa trẻ đều có cá tính, năng lực khác nhau và chúng cần sự tự do để phát triển theo hướng riêng (bởi thế hệ của họ đối diện sống chết chiến tranh nghèo đói, chưa có trải nghiệm đó). Họ không biết cách lắng nghe đứa trẻ nên không hiểu được cảm xúc của chúng (bởi họ chưa bao giờ biết nghe cũng phải học hoặc chưa bao giờ được lắng nghe). Họ luôn tin những gì mình làm là tốt dựa trên kinh nghiệm cá nhân, họ sợ bị bỏ rơi khi hàng ngày quá nhiều thay đổi, bất cứ sự phản kháng nào từ đứa trẻ cũng được coi là chưa đủ lớn, là một chướng ngại vật trên con đường họ đang cố gắng trải sẵn cho con mình, để con được ổn định, hạnh phúc theo cách nghĩ của họ!

Không có cha mẹ nào chọn sinh ra con cái chỉ nhằm mục đích làm cho chúng đau khổ, nhưng có rất nhiều người đã vô ý gây ra khổ đau cho con mình mà không nhận thức được. Sự làm khổ, hay ngục tù mà đứa trẻ cảm nhận đến từ sự thiếu hiểu biết của cha mẹ trong cách yêu thương, từ suy nghĩ, lời nói, hành động đã được hình thành và bám rễ trong họ từ rất lâu trước khi họ có những đứa con, từ tổn thương họ mang theo và vô thức vấy lên đứa trẻ. Trong khi đó, đứa con lại không thể hiểu được điều gì khiến cha mẹ chúng có những suy nghĩ, lời nói và hành động khiến chúng tổn thương như thế, vì có khi chính người lớn cũng chưa thực sự hiểu mình, và đứa con cũng không đủ kiên nhẫn tìm hiểu cha mẹ chúng đã lớn như thế nào.

Nếu cho rằng tổn thương của những người trẻ hoàn toàn do lỗi của cha mẹ, thì tổn thương của cha mẹ phải chăng là do ông bà? Và những tổn thương của ông bà thì sao? Nếu cứ theo cách đó để quy kết công tội, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm sau cùng cho tất cả những tổn thương? Con đường này nếu cứ tiếp tục đi thì sẽ tới đâu?

Cần hiểu rằng trong bất cứ mối quan hệ nào giữa người với người, tổn thương dù nhiều hay ít là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt, khi người này bị tổn thương thì người kia cũng không ngoại lệ. Ai là người có tội, nếu như có thể cả cha mẹ và con cái đều là nạn nhân của chính mình, của lịch sử của mình, của những điều đã tác động và tạo nên họ ngày hôm nay, bao gồm cả những điều mà họ không thể kiểm soát? Xét cho công bằng, ai cũng đang đi trên hành trình học-làm-một-con-người, vậy nếu việc mang tới góc nhìn của người trẻ lại hướng độc giả tới việc kết tội cha mẹ, thì điều đó không nên trở thành điểm nổi bật nhất trong việc chia sẻ những câu chuyện này.

Sự thật là nhiều người trẻ đã phải gánh chịu tổn thương đến từ người thân trong gia đình ở những mức độ khác nhau, vì thế việc thay đổi góc nhìn là điều nên làm để những người trong cuộc có cơ hội được lắng nghe nhau, hiểu nhau hơn và nhìn nhận lại cảm xúc của cả hai phía, từ đó tăng khả năng thấu hiểu để cùng tìm cách đi qua những tổn thương. Tuy nhiên, thay đổi góc nhìn tuyệt đối không đồng nghĩa với đổi hướng chỉ trích. Kết tội cha mẹ, lên án và chỉ trích họ vì những tổn thương đã gây ra cho con cái liệu có phải là giải pháp cho mối quan hệ gia đình và giúp những đứa trẻ thực sự được chữa lành?


Xin được kết bằng những dòng chữ được viết từ năm 1903, để nhớ rằng câu chuyện này không hề mới lạ mà cái chúng ta vẫn phải học chính là cách nhìn nhận và chuyển hóa nó:

“Hãy tránh làm trầm trọng tấn thảm kịch ngàn đời khẩn trương giữa cha mẹ và con cái. Tấn kịch kia đã ăn mòn bao nhiêu sinh lực của những trẻ thơ, làm suy nhược tình thương yêu đối với cha mẹ già cả; dù có vô tri đi chăng nữa, tình yêu này cũng đủ sức tác động và sưởi ấm lòng già. Đừng mong họ mang tới cho ông những điều khuyên dạy và cũng đừng mong họ hiểu biết nỗi lòng mình. Nhưng hãy tin tưởng vào một tình thương chất chứa cho ông như một di sản. Hãy tin cậy rằng tình thương ấy chứa đựng một sức mạnh, một ân huệ khả dĩ theo đuổi ông suốt lịch trình xa xôi…”

Rainer Maria Rilke


  • Lời Phiên: Tôi không có lời về “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” bởi M.A. đã viết rất nhiều ở trên cũng như nhiều người đã review. Tuy nhiên chỉ muốn nhắn nhau rằng với những quyển sách càng “hot”, càng phải đọc với critical thinking và hãy tin vào cảm nhận của mình, bởi tác giả chân chính sẽ rất cảm ơn những người đọc suy sâu xét kỹ trên tinh thần xây dựng. Đây là một bài phản biện chất lượng, can đảm và đầy tình thương. Cảm ơn M.A. đã cho Phiên chia sẻ!

Ngôi nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s