
Sáng nay, viện dưỡng lão được mở cửa đón khách nên thay vì chỉ ở yên trong phòng như quy định, các cụ dắt nhau ra hè ngồi kín cả không gian đi lại. Trong thinh lặng các cụ nhìn trời nhìn đất và đưa mắt ngóng chờ xa xăm. Vừa thấy xe của chúng tôi, cả viện dưỡng lão như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông, tiếng vỗ tay vang lên, các cụ bị liệt cũng cố gắng xoay người nhìn phía cổng, một cụ bà ngồi trong cửa sổ vọng ra: “Khách đến, khách đến!”
Tôi trở lại viện dưỡng lão Bình Lợi sau gần ba tháng tạm ngưng công việc tại đây vì dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội. Ba anh em đến lúc tám giờ sáng, như thường lệ sẽ chào hỏi ban quản lý và bắt đầu công việc của mình. Công việc của chúng tôi đơn giản lắm, đơn thuần là thăm viếng, trò chuyện chia sẻ, phụ giúp dọn dẹp bếp núc và cho các cụ đau yếu ăn.
Từ xa xa tôi đã nhìn ra những nụ cười móm mém nhỏm trên môi và cả những giọt nước mắt. Chưa bao giờ trong đời tôi được người nào mong chờ và chào đón đến như vậy. Tôi có là gì đâu, tôi cũng có gì để cho các cụ đâu. Tôi đến đây với đôi bàn tay trắng và trái tim của tuổi trẻ, thứ duy nhất tôi có thể làm là lắng nghe và đồng cảm với từng thân phận người. Tôi cảm thấy mình được yêu thương và chào đón trong tình yêu.
Mái nhà nhỏ ven sông Sài Gòn với gần một trăm năm mươi mảnh đời, có lẽ đã rất lâu rồi vắng lời hỏi thăm. Mỗi người mỗi số phận, chẳng ai giống ai, già cả đối diện với bệnh tật đã khó khăn, ấy thế mà còn tập chấp nhận với những khác biệt, tập đón nhận và yêu thương lẫn nhau quả là điều chẳng mấy dễ dàng. Người ta bảo người già mau quên nhưng với tôi các cụ ở đây nhớ lâu lắm, đặc biệt là những cử chỉ yêu thương mà người ta dành cho nhau.
Cụ Vị chống gậy lộc cộc đi về phía tôi kính cẩn cất lời chào, sau đó xòe đôi bàn tay gầy guộc nhăn nhóm đưa ra dõng dạc:
– Chú ơi cho tôi chút yêu thương đi.
– Chúng con tới đây để và cũng là để nhận yêu thương đây. Nắm tay con đi vào trong trao yêu thương nào.
Âm vang của yêu thương vẫn còn âm ỉ trong tôi cho tới khi cầm bút và viết lên những điều mình thổn thức. Vẫn cái hè nhỏ quen thuộc ấy, nhưng hôm nay sao dài và khó đi đến thế vì đi đến đâu cũng được níu lại và tôi cũng muốn dừng lại sẻ chia đôi điều với những gương mặt thân quen, tiếng nói cười rộn rã vang lên, trái tim chạm trái tim, niềm vui trong niềm vui.
Ba anh em chúng tôi chia nhau ra các khu để thăm hỏi, tôi vào khu các cụ nằm yên một chỗ hoặc bị liệt không thể đi lại được. Thấy tôi, các cụ cố gắng ngồi dậy, tôi bắt đầu bằng một câu chuyện để có thể tương tác với các cụ. Ở đằng xa cuối dãy giường có một cụ bà lớn tuổi đang hướng mắt ra phía tôi, tôi lại gần và nghe cụ kể về những ngày dịch, cụ khóc vì vắng yêu thương và thiếu con cháu…
Nhớ lại lời trò chuyện của mấy cụ về việc nhắc nhở nhau sống yêu thương thật thà làm tôi cảm động quá! Suy cho cùng đến nơi đây là tôi được nhận, tôi cảm thấy mình được yêu rất nhiều.
Ừ, yêu thương là đây chứ đâu!
• Bài của Q. Phan, ngày viết thứ 35 trong chuỗi 8 tuần thực hành freewriting.
• Lời Phiên: Có những khao khát giản đơn như được một lời thăm hỏi của các cụ ở viện dưỡng lão này trong những ngày dịch bệnh. Bài viết đánh thức một phần chúng ta thi thoảng bỏ quên, rằng còn có quá nhiều phận người và nhiều cách để chia sẻ. Cảm ơn Q. Phan, chàng trai với trái tim ấm áp với con đường phụng sự đặc biệt!
• Tìm hiểu về thực hành 8 tuần Freewriting ở đây!
Ngôi nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!