
“Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi chính là sự tử tế” ― Dalai Lama XIV
Ngày đẹp trời tung tăng tung tẩy vui đến trường, đi ngang qua hồ nước to trước văn phòng thì có một cô nhân viên người Kiwi trong đội làm vườn tỉa hoa đang ngồi bần thần bẩn thẩn. Mình nhiều chuyện xẹt vô hỏi cô đang tìm gì ha cô? Cổ ngước lên cười, hong có tìm gì, chỉ là cô vừa lắp xong miếng lưới loại ô vuông nhỏ ngay cống nè. Trời ơi, tuần trước cô thấy một đàn mười vịt con trong hồ, hôm nay chỉ còn có ba con, để ý quan sát thì hiểu ra tại tụi nó bơi tới chỗ này là bị lọt vô xoáy nước cống nên cô lắp thêm cái lưới. Mẹ vịt mất bảy con vịt rồi. “Poor them!” Mắt cô rầu rầu, còn mình thì ngẩn ngơ. Ai trả tiền cho cổ làm chuyện này đâu. Đàn vịt trời đi đi ở ở, ai quan tâm bao nhiêu con chớ? Vậy mà cổ để ý, cổ hì hụi lắp lưới vô cống để nước vẫn chảy được mà vịt không bị hút vô theo lực của dòng nước. Trời đất, dễ thương ghê!
Hôm nay xem Wonder, bộ phim đầy cảm xúc kể về hành trình đi học của một bạn nhỏ bị dị dạng khuôn mặt vì chứng bệnh bẩm sinh hiếm gặp. Bộ phim như một dòng nước mát chảy róc rách trong tim người xem, mình nhớ mãi câu mà ông thầy ghi lên bảng, rằng “When given the choice between being right or kind, choose kind” (tạm dịch là “Khi phải chọn giữa việc đúng và tử tế, xin hãy chọn tử tế”). Mình có hơi ba phải khi vừa đồng ý vừa phản đối, vì nghĩ tới chuyện con vịt ở trên, rõ ràng “being right” – “việc đúng” là cổ khỏi phải làm cái lưới, có phải nhiệm vụ của cổ đâu cơ chứ? Nhưng “being kind” – “việc tử tế” lại là lựa chọn của cổ, vì trái tim cổ biểu như vậy, không làm cổ sẽ bứt rứt cả ngày. Mình ba phải ở chỗ mình nghĩ cái sự lựa chọn là không có, vì “being kind”, tử tế, là một trong những thứ sinh ra thì mặc định ở đó rồi, đâu cần phải chọn.
Cô MC nổi tiếng Ellen DeGeneres khi nhận giải People’s Choice Humanitarian Award 2016 từng có một đoạn phát biểu ngắn đáng nhớ: “Thiệt lạ lùng khi nhận được giải thưởng về việc dễ thương, hào phóng và tử tế, những điều đương nhiên mà là một con người thì nên đối đãi với nhau.” (Tạm dịch thế, nguyên văn là ” It’s a little strange to actually get an award for being nice and generous and kind. Which is what we are all supposed to do with one another. That’s the point of being human.”) Quả thực, tử tế là một thứ có sẵn trong chúng ta rồi. Mình thích khái niệm Phật tánh, Phật có sẵn ở trong mỗi người. Sự tử tế phần nào giống khái niệm này, nó có sẵn và khi được thực hành sẽ kỳ diệu đến nỗi khiến người ta tin là Bồ Tát / Chúa / Ala thực hiện hữu trong mỗi con người trước mặt. Giống như niềm vui và sự hạnh phúc cũng là những hạt giống có sẵn, sự tử tế nằm đó, bên trong mỗi người.
Tử tế dù có sẵn nhưng cũng cần học và luyện tập nữa. Vì có khi bạn tử tế nhưng người khác cười chê rằng bạn thật ngu ngốc rảnh rỗi khi làm chuyện người dưng thì bạn phải học cách vượt qua lời nói của đám đông, của sĩ diện, của bề ngoài, mà thực hiện những gì mình đang được thôi thúc. Dù trên mạng hay ngoài đời, thiệt dễ khi hùa vào ghét bỏ thờ ơ, nhưng hành động tử tế thì cần nội lực. Sức mạnh này cứu rỗi tâm hồn và cuộc đời làm người của mình. Những đốm đen lấm tấm trong tim bị lờ đi lâu dần sẽ thành những hố sâu che lấp, những hành động tử tế hàng ngày bị lờ đi sẽ khiến cuộc sống trở nên ích kỷ và thờ ơ. Nếu thực hành tử tế, mình mở rộng các góc khuất bên trong, hiểu được hơn thật nhiều về chính mình và những giới hạn của mình.
Trong phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy có một đoạn giải thích: “Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.
Tử tế là làm gì cũng đàng hoàng, cẩn thận, là thực sự quan tâm đến đối tượng khác, và cũng thực sự quan tâm đến chính mình. Mình không tử tế để cho ai (thấy) cả, dù thực ra người được (thấy) trước hết là mình. Mình vẫn luôn chia sẻ trong lớp Viết rằng, trung thực và can đảm với chính mình mà vẫn quan tâm và bao dung, thông cảm với đối tượng khác là một bài học lớn, có khi học suốt đời chẳng xong. Có “đối tượng khác” vì đó có thể là một người, một con vật, một sự kiện hay là thiên nhiên Trái Đất, hay với cảm xúc của chính mình. À, thực ra ai cũng nên và cũng cần sự tử tế, vì ai cũng đang trong quá trình khó khăn học bài học của cuộc đời mình.
Điều kỳ diệu thực ra là những điều rất bình thường, như cách dùng sự tử tế có sẵn trong tim mỗi người đó thôi. Một tia-nắng-tử-tế có thể nhanh chóng đánh thức và tập hợp những tia sáng ngủ quên khác, việc giữ mặt-trời-tử-tế làm cho cuộc sống của mình dễ thở và tin yêu hơn rất nhiều. Một cái gật đầu, một lời chào, một tin nhắn, một cái ôm, một cái nắm tay, một sự giữ lời hứa, một sự giúp đỡ ngẫu nhiên… đều là một tia nắng trong ngày u ám của ai đó. Nghe dễ nhưng khó, vì nó cần bạn thực sự quan tâm và dành thời gian.
Chúc bạn luôn giữ được mặt trời tử tế của mình, tin biết rằng có khi màn đêm buông xuống, nhưng mặt trời vẫn luôn hiện diện ở bên kia bán cầu mà không mất đi. Giống như tấm lòng ấm áp, có khi không nhìn thấy được nhưng người ta vẫn luôn cảm nhận được.
Với ngàn lời cảm ơn đến những người tử tế đã đến trong đời mình.
Phiên Nghiên
• Trích từ sách An Trú Giữa Đời, tặng bạn nhân ngày World Kindness Day (13.11)
—-
• Phim Wonder: #choosekindhttps://youtu.be/ngiK1gQKgK8
• Bài phát biểu của Ellen DeGeneres: https://youtu.be/atNiYtCTcPc
• Practice Kindness #ebook của chương trình Search Inside Yourself: https://siyli.org/downloads/Practice-Kindness-eBook-FINAL.pdf