Ở đó còn một cái cây

Cây Sống Sót ở tại khu tưởng niệm 11/9 | Ảnh: Thetreeographer

Ngày 11/9 mười tám năm trước, nhà tôi là một trong những người biết về sự kiện Tháp Đôi ở Mỹ sớm nhất, sớm hơn cả tin tức trên TV. Đó là thời chưa có điện thoại bàn nên phải gọi nghe ké qua hàng xóm. Tôi còn nhớ, mọi người ngồi quanh cái điện thoại màu đỏ, nghe người nhà bên kia kể với chất giọng hoảng hốt, tuyệt vọng và bàng hoàng. Người phía Việt Nam vừa băn khoăn vì không thể hình dung ra sự khủng khiếp của 2 chiếc máy bay đâm vào 2 tòa nhà cao nhất, bởi máy bay vốn dĩ ít được thấy, còn tòa nhà cao WTC thì chưa biết bao giờ, vừa xót xa cho hàng nghìn người, và cảm thấy thở phào ích kỷ khi nhà mình không ai bị gì cả.

Tôi đã không tưởng tượng được cảnh kinh hoàng này… | Ảnh: The Atlantic

Đến tận khi truyền hình đưa tin Thời sự, tôi mới lần mò trên tấm bản đồ và hay rằng sự kiện xảy ra ở New York, còn người nhà mình thì ở tận Texas cách 2500km. Tôi con nít tự hỏi tại sao mọi người lại khủng hoảng về một sự kiện ở xa mình đến vậy? Và cũng tôi, sau khi xem hình ảnh 2 tòa nhà bốc khói cao ngút, những người nhảy xuống trăm tầng mong thoát thân, những đống hoang tàn… tự hỏi mình lần đầu tiên trong đời, động lực nào khiến những con người có thể cướp máy bay và giết nhiều đồng loại của mình đến thế?

Năm đó tôi mười bốn tuổi. Tôi thấy mình căm ghét những người ác độc.

Bây giờ tôi hơn ba mươi. Tôi đã dần hiểu tại sao có người được gọi là ác độc, tự thấy họ cũng là nạn nhân của một chuyện gì. Con người, khi rời xa cốt lõi làm người, rời xa lòng thương, đã là nạn nhân chịu đựng sự đau khổ. Lòng thương bị lợi dụng, bị bóp méo bởi những sự thần thánh hóa, bị “dịch” nhầm ra những ngôn ngữ tưởng thiêng liêng, có thể làm hại đến biết bao người khác.

Ở đó bây giờ có khu tưởng niệm, và một cái cây đặc biệt. Cây lê được tìm thấy khi người ta dọn dẹp đống đổ nát, đã bị cháy đen còn lại một cành ngắc ngoải. Vậy mà nó sống tiếp, sau thời gian dưỡng thương thì mạnh mẽ hơn, được trồng lại ở nơi mà nó từng chứng kiến sự kiện khủng khiếp. Mỗi năm người ta còn chiết những cành khỏe tặng cho các nơi bị thiên tai, xả súng hay tai nạn… như một sự động viên và chia sẻ. Cái cây có tên là Cây Sống Sót (Survival Tree), vặn mình biếc xanh trong sự yên bình quý giá.

Cái cây dạy tôi biết luôn có điều gì còn lại dưới đống tro tàn, phải nỗ lực tìm kiếm, nỗ lực dưỡng thương, nỗ lực hy vọng, và nỗ lực sống tiếp, kiệt cùng của mọi sự. Dẫu ở đâu đi nữa, tin rằng những hạt mầm của lòng thương và sự hiểu biết vẫn không ngừng vươn lên.

Cầu mong những người hoảng loạn trong cơn lửa bi thương đầy sợ hãi ngày đó đã bình an dẫu đã trở lại chốn này hay ở đâu chăng nữa…

.
Phiên Nghiên | LA – 20190911

Bạn hỏi, giờ chỗ ấy còn lại gì, trở thành gì? Mời bạn xem!

Mừng bạn về nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s