
Ngón tay Albert Einstein đang chỉ cái gì? Mình tần ngần với câu hỏi đó khi nhìn thấy bức tượng đồng này trong đài thiên văn Griffith. Một khoảng không ư? Bạn nhân viên mỉm cười kể chuyện, rằng thiệt ra ngón tay của ổng đang không hướng về đâu, mà ổng chỉ đang nhìn ngón tay của ổng và tự hỏi rằng có bao nhiêu ngôi sao trong phần lóng tay đang che lên bầu trời!?!
Trên băng ghế dài, Einstein ngồi trước bức ảnh 300m2 tên The Big Picture, một hình chụp từ camera / detector lớn nhất từng được chế tạo để khảo sát bầu trời, tái tạo không gian sâu thẳm của vũ trụ, gồm hơn 1.5 triệu ngôi sao, thiên hà và các vật thể không gian. Đó chính là phần của bầu trời được bao phủ bởi ngón tay của Einstein, và chỉ là 1/1000 không gian có thể nhìn thấy. Bạn nhân viên chỉ vào một chấm nhỏ, đây là nơi người ta vừa chụp Black Hole, còn chấm xanh kia chính là dải ngân hà xa nhất có thể quan sát được. Nghĩa là khi bạn đưa ngón tay nhìn lên bầu trời đêm, chút xíu đó thôi mà trên kia có hơn 1,5 triệu các thứ ngôi sao và vật thể!
Thấy ngộp thở trước bao la của vũ trụ.
Thấy kinh ngạc trước tự nhiên.
Thấy ngưỡng mộ loài người.
Cũng thấy thương một loài người.
Yếu đuối, vĩ cuồng, khao khát, hân hoan và tan biến.
Một ngôi sao chết yểu thì cũng mười triệu năm tuổi, con người sống trăm năm nào đủ thời gian cho khám phá hiểu sâu hay rút kinh nghiệm? Người này giẫm chân lên lỗi lầm của người trước, khi học xong bài vặt vãnh thì cát bụi hóa thân rồi. Phải chăng tin rằng có luân hồi hay tìm thuốc bất tử cũng chỉ để níu kéo thêm chút thời gian để thỏa mãn sự nhìn thấy và cố gắng hiểu thêm chút nữa?
Trái đất đã điềm nhiên lớn lên từ chân không, tro than, nứt vỡ. Núi đá dựng đứng đây cũng từng có lúc là sông băng trôi. Phải chăng mọi thứ rồi sẽ trở lại nơi nó bắt đầu?
Dù sao cũng biết ơn, và hân hoan về một sự vô cùng!
“Chỉ mong sao có một điều gì đó khiến chúng ta kinh ngạc và đánh thức trong chúng ta nhận thức hân hoan về sự vô cùng.” (*)
Phiên Nghiên 9.2019
—
#phiennghien #vietdetudo #soultalks #nghĩ_ngắn
#chuyện_ở_Mỹ #Griffith_Observatory #Albert_Einstein
(*) câu trích của Maurice Maeterlinck trong ‘Thông thái và số phận’
Ảnh chụp ở đài thiên văn Griffith, đã cắt mình ra