
Từ nhỏ, mình vẫn hay được nghe rằng: “Vui lên!”, “Sao mặt chù ụ như đưa đám vậy?”, “Có gì đâu mà buồn?!” Và nhất là làm con nít thì “không được buồn”. Trời đất, tới con robot Wall-E mà còn biết buồn, sao là một đứa con nít ngây thơ đong đầy bản thể của vũ trụ ban sơ trong từng milimet hơi thở lại không được buồn, không được khóc?
Sự dạy dỗ của người lớn có lẽ bắt nguồn từ niềm tin rằng chỉ cần cười là vượt qua giông gió, chỉ cần vui là chuyện sẽ qua, khóc làm gì cho khổ cái thân ta, mai ngủ dậy thì trời đông hết rét. Nó làm cho đứa nhỏ tin sái cổ, vì vậy không dành nhiều thời gian cho thứ mà lớn lên một chút, sẽ trở thành bạn thân của nó: “Nỗi buồn”.
Phàm cái gì không hiểu sẽ sợ. Nỗi buồn cũng bị sợ như vậy. Tỉ lệ trầm cảm tăng cao trong mấy năm qua, làm người ta càng sợ nỗi buồn, không dám buồn, “Trầm cảm chết!” Dù trầm cảm không đồng nghĩa với sự buồn bã, nhưng nỗi buồn chính là một trong những dấu chỉ nhấp nháy rằng mình nên quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của mình. Những nỗi buồn nhỏ len lỏi ban đầu không được giải quyết, không được lắng nghe sẽ tụ lại thành đám mây nặng nề, và một khi vượt khỏi tầng không, trở thành một tinh cầu khác lớn hơn bao bọc chính họ, làm mất đi mọi hứng thú, trầm cảm lúc này mới lừng lững đến.
Nhưng ít ai dạy làm bạn với #nỗi_buồn!
Thật ra nó cũng dễ như là làm bạn với niềm vui.
Khi mình nhận ra niềm vui đang đến, mình làm gì? À, mình sẽ mở cửa mời Vui vào chơi, lấy ghế cho Vui ngồi, pha trà cho Vui uống, Vui ăn trái cây hôn, ngắm nhìn Vui, Vui cưng quá hà! Rồi ngồi nói chuyện với Vui, ủa sao Vui ghé tui vậy, phải tại như zầy hôn? Xong nắm tay Vui, Vui đừng về, ở lại với tui nghen. Mà thôi, tui giữ cũng hong được, chỉ cần nghĩ tới Vui là tui vui à. Cảm ơn Vui đã ghé thăm tui nghe.
Buồn cũng vậy. Nó là một đứa cũng đến chơi, và thường… bị đuổi thẳng cổ.
Mỗi lần bị đuổi đi, nó sẽ tụ tập thêm vài đứa nữa, Buồnn , Buồnnn, Buồnnnn…
Quyết tâm quay về gõ cửa, đến một ngày mình bị vây tứ phía bởi hội xã hội buồn này, làm sao bi chừ?
Mình ngồi xuống nghĩ lại, mình tiếp đãi Vui thế nào thì đãi Buồn thế ấy, đãi ít đứa thì chu đáo hơn nhiều đứa, nên cứ tâm thế thoải mái bất cứ lúc nào Buồn tới, mời vô chơi, đừng gạt người ta qua một bên. Rồi cũng lấy nước cho uống, kiếm chỗ đẹp cho ngồi nói chuyện cùng nhau, có phải Buồn tới với tui là như zầy hông, tui đang có mấy cảm xúc như vầy nè, đau bụng, nhức đầu, khó chịu, bức bối, khổ sở, mơ hồ… Buồn hiểu tui hôn? Buồn ngồi thở với tui một chút nghen. Lúc đó, mấy hình ảnh, câu chuyện sẽ chạy rần rần qua cửa sổ, có khi quẹt vào vai mình, mình ngồi im “chỉ lặng nhìn không nói năng”, rồi mình nắm tay Buồn, ôm vào lòng. Buồn cũng là một phần của mình, mình biết, Buồn không xấu, Buồn chỉ là cũng cần bạn thôi. Mình cảm ơn Buồn tới chơi, rồi khóc đã đời cũng được.
Buồn thiệt ra chỉ cần được thấu hiểu, ngay tức khắc nhẹ tựa bông, và được trở về nguồn, như cách mình thấy người đang ôm chặt nơi tay bỗng hóa khói trở về cụm mây trời trong phim đó. Bởi thế gian nhiễu sự buồn vui, nên nỗi buồn cũng là một điều tự nhiên không đáng sợ chút nào… Rồi mình sẽ thấy, cuộc sống này thì ra đẹp vậy là có Buồn, có Vui.
Người lớn cần dạy và dành không gian để trẻ con buồn.
Người lớn với nhau cần trò chuyện sâu sắc về nỗi buồn.
Bản thân người lớn cần được làm bạn với nỗi buồn.
Chúc bạn dành thời gian làm bạn được với một ‘người’ mà lẽ ra đã phải làm bạn từ lâu!
Phiên Nghiên
7.2019
—
#phiennghien
#vietdetudo#tặng_ai_đang_buồn
#tặng_đời_vui#soultalks#hiểu_mình_journey#healingjourney