
“Ngày xưa đi học nghe nói cô giáo ba mươi mấy tuổi là thấy cô quá chừng vĩ đại, cô hiểu biết được cả thế giới, cô luôn điềm tĩnh trưởng thành vững vàng trước mặt học trò. Sau này cơ duyên biết được cô giáo thương yêu của mình lúc ấy rất đau khổ vì những tình cảm không thể giải thích mà vẫn cố gắng nhiều để không sụp đổ. Ừ hôm nay mình cũng ba-mươi-mấy-tuổi tính từ ngày mẹ sinh ra, vẫn trẻ con vẫn tưng tửng vẫn nhiều mâu thuẫn băn khoăn vẫn đang đi chưa hề tới… Chợt nhớ cô giáo năm xưa, nhận ra ai cũng đang học bài học riêng của họ dù là bao nhiêu tuổi, dù ở vị thế nào. Ra là cô giáo cũng có nhiều nỗi lo, nhiều hy vọng rồi thất vọng về tình thương, về nghề nghiệp, có khi hoang mang với câu hỏi hiện sinh nào đó khi đang đứng lớp… Lúc nhận ra điều này mình thương cô quá, những khúc mắc tổn thương vì những gì cô vô tình để lại cho đứa trẻ bên trong mình bỗng tan ra như nắm muối bỏ xuống biển vậy…”
Đó là đoạn reflection cho một sinh nhật cũ của mình. Mỗi sinh nhật mình thường ngồi viết tổng kết bài học lớn của tuổi vừa rồi là gì, bởi trang giấy giúp neo lại nhiều thứ mà trí óc cá vàng hay bỏ quên. Việc viết kết nối những sự kiện tưởng chừng bị chôn sâu không dấu vết với những điều vừa xảy ra, làm mọi thứ “make sense” hơn hẳn, giúp câu trả lời hiển lộ và ôm ấp những vết thương, những khổ đau xưa cũ. Việc viết giúp mình hiểu mình hơn, thương mình hơn, bởi chính sự thấy của mình được xuất phát từ bên trong chứ không vì ai đó “phán” cho mình, dù đó có là chân lý nhưng chưa qua trải nghiệm của mình thì vẫn ở bên ngoài mình mà thôi.
Bài học lớn nhất của mình năm nay vẫn là “go with the flow”. Chữ “vẫn” xuất hiện bởi vì mình học đi học lại nhiều lần. “Go with the flow” cách đây vài năm là một lời tròn trịa ở miệng nói khi tâm luôn kháng cự điều bất như ý, nhưng nghe Thầy bảo phải học buông thì cũng ráng học. Sự lải nhải “Thôi, buông!” có tính nhắc nhở bản thân về một bài cần học nhưng ẩn chứa nhiều tiếc nuối, thất vọng và nhấm nhẳng với đời. Sự nhấm nhẳng như con chó Hến ngày xưa, đang nằm ngủ bỗng ngóc cổ tru một hồi dài khóc khóc, hoặc mọi sự đang yên lành bỗng giật mình rồi cắn một phát vào chân người lỡ ngồi gần. Biết là không nên như vậy nhưng cục khó chịu của mình chưa tự tiêu hóa được, chưa tan đi như nắm muối trong biển được, nên thi thoảng lại trồi lên, tung tóe.
“Go with the flow” năm nay lạ hơn bởi mình ở một môi trường quá khác biệt, phải đối diện với quá nhiều thứ bao năm trốn tránh, và cả thế giới ở trong một tần số sợ hãi rung chuyển của Covid-19. Mình không kháng cự mà bồng bềnh theo dòng trôi với tất cả sự tò mò về cách sáng tạo kỳ diệu của tạo hóa qua những sự kiện ập tới ồ ạt, qua những người mình được gặp từ thân tới sơ. Mình quan sát thấy mình khác đi, cũng là theo dòng nhưng khác lắm, không phải đặc biệt hơn giai đoạn kháng cự cũ mà là khác. Khi mình không còn mê mẩn chu du ở những tinh cầu đớn đau bất lực như một thú vui, mình đứng yên. Có những lúc phải học đứng nước, đứng một chỗ, khóc một trận đã đời, chòi đạp kiệt sức rồi thả lỏng. Mình có lẽ chìm dần đi nhưng trái tim vẫn tin dòng nước êm đềm bên dưới đang nâng mình lên. Mình nhận ra chân mình rời rã, nhận ra hơi thở chuyển từ ngột ngạt sang đều đều, rồi giữa ngàn vạn sự bất lực bủa vây, dòng nước nâng mình lên, dạy mình cách yêu thương mình và hoàn cảnh mình đang có.
Nếu không có phiên bản “theo dòng trôi một cách kháng cự” ngày xưa sẽ không có phiên bản “theo dòng trôi một cách thả lỏng” bây giờ. Không có cái đó sẽ không có cái này. Những gì mình làm trong hiện tại sẽ nuôi dưỡng một “mình” rất khác trong tương lai. Nếu không có một hoàn cảnh không thể làm gì khác được thì mình cũng không đủ điều kiện để học bài “buông”. Mình đã biết tin rằng cô đơn là một điều kiện cần thiết cho việc hiểu bản thân, rằng đường cùng chính là đường mới toanh, nó cho mình dám thử nhìn theo một góc nhìn khác, dám buông, dám đặt niềm tin vào dòng nước kia…
Trên tất cả, mình dám tin vào sự hiện hữu của mình là điều kỳ diệu. Nó vừa vặn với những gì đang diễn ra, không thừa thãi. Nó hiện hữu ở đây và trong mọi thứ. Nó xuất hiện êm đềm và không có gì trong đời mình thay đổi như cách người ta hay đồn thổi. Việc tỉnh thức trong từng phút giây còn được sống là ngọn hải đăng của vũ trụ mình, và nó sẵn đó rồi, giản đơn như hơi thở vậy thôi!
Thương chúc tất cả những “cây viết” của trang được thân tâm an lạc, và nhớ viết mỗi ngày.
.
Phiên Nghiên – Viết để tự do
Viết nhân ngày sinh nhật
CA, 12.2020
*Tìm hiểu về thực hành 8 tuần Freewriting (3.0) ở đây.
Mừng bạn về nhà Viết để tự do
Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!