Lắng nghe chính mình

Ảnh: August Ro

Mình có thể hỏi han và lắng nghe một người lạ, nghe trong tĩnh lặng, không phán xét, không nghĩ xem cần phải hỏi câu gì tiếp, không tọc mạch, và khi ai đó bắt đầu chia sẻ câu chuyện, một cách rất tự nhiên, mình luôn tự dặn giữ kín lấy câu chuyện ấy cho người ta. Mình nghĩ đó là điều người khác cần khi muốn kể ra câu chuyện bản thân: cảm giác an toàn, cảm giác được kể câu chuyện của bản thân mà không bị đánh giá, phán xét. Cảm giác những dòng chảy trong họ được tuôn ra với mình chứ không vấp phải một bức tường/cánh cửa đóng kín/đóng hờ mà dội lại, và được quan tâm trong sâu thẳm khi câu chuyện họ kể được lắng nghe. Mình nhận ra khoảnh khắc một người bắt đầu cảm thấy an toàn và muốn mở lòng chia sẻ câu chuyện của họ qua kết nối của đôi mắt, sẽ nhẹ nhàng nhìn mình lâu hơn, một chút, rồi một chút nữa. Bằng cách đó, những kết nối sâu sắc dần được hình thành.

Mình đã có những lúc không đủ tĩnh lặng, không đủ kiên nhẫn, không đủ bao dung để lắng nghe. Mình thấy để lắng nghe một người thương yêu trong đời, lạ kỳ thay, lại khó hơn rất nhiều việc mình lắng nghe một ai đó xa lạ, không gần gũi với mình. Có lẽ khi ở gần trái tim nhau hơn thì sự tác động qua lại nhiều hơn, mạnh hơn. Những sự cho rằng “nên là thế này…”, những giá trị cá nhân khác nhau, những lựa chọn phản ứng khác nhau trong cùng một tình huống, những kỳ vọng, những định nghĩa khác nhau về thế giới… đã vô tình liên tục kích hoạt cái tôi của mỗi người vùng lên bảo vệ những điều mình cho là “của mình”, “là mình”. Khi ấy, những phán xét, đánh giá, phân tích, thành kiến tự nhiên liên kết với những cảm xúc không dễ chịu trở thành một bức tường kiên cố ngăn cản tụi mình có cơ hội được ngồi xuống trong tĩnh lặng và nhẹ nhàng nói nhau nghe. Tụi mình thường nói trong bức xúc “không thể hiểu được …”, tụi mình thường “tại sao…? tại sao…?” trong một tông giọng cao và gằn. Quá trình ấy khi viết ra có vẻ dài chứ thường xảy ra tích tắc, kim giây nhích qua một cái, ngọn lửa trong lòng mình đã bùng lên rất mạnh, thậm chí trước cả khi tụi mình kịp nhận ra.

Khi ấy, kết nối đã vô tình đứt gãy.

Mình từng dừng lại ngẩn ngơ rất lâu trước một bức vẽ của chị Tamypu, trong đó chị viết: “Mấy lúc cáu thật ra là yếu đuối và tổn thương bên trong biết bao nhiêu”. Mình nghĩ, đôi khi cái tôi cũng làm những điều để bảo vệ mình mà thôi, vì nó nằm ở trong mình và cơ thể mình luôn hoạt động và phản ứng theo cách đảm bảo sao cho mình an toàn nhất, chỉ là đôi lúc mình chưa kịp hiểu để gieo vào mình nhiều thông tin đúng đắn hơn trong việc làm sao để bảo vệ cho đúng đắn. Mình nghĩ những cơn cáu giận, những bức tường kiên cố khi tụi mình khó để lắng nghe người khác là bởi trong mình cũng có những tổn thương, những yếu đuối đầy sợ hãi và mỏng manh, như một cơ thể yếu thì cơn gió cũng sẽ dễ dàng mang tới một trận cảm cúm. Chà, viết tới đây mình chợt nhận ra sâu thẳm bên dưới việc khó để lắng nghe có thể bởi vì bên trong mình đang không khoẻ. Như khi mình lắng nghe được bạn A, nhưng không thểvới bạn B có thể vì có những xước xát gì đấy trong mình với bạn B mà nó chưa lành, mình ngồi với bạn B mình không thể lắng nghe bạn được. Hoặc khi mình chẳng thể lắng nghe được ai hết có thể vì bên trong mình có những tổn thương nào đó, nhiều quá.

Những điểm mạnh hay những điểm cần cải thiện thật ra cũng là một dấu hiệu rõ ràng mà cơ thể mình, tâm hồn mình đang cập nhật tình trạng sức khoẻ của mình. Khi gặp khó khăn trong một việc gì đó có thể vì mình chưa biết làm và cần thời gian để thực hành thêm, cũng có thể vì mình đang bị kẹt lại đâu đó bên trong mình, có thể có một vết sưng tấy ở đâu đó mà mình bận rộn với bên ngoài quá nên quên dành thời gian quan sát và chăm sóc, hoặc có thể mình biết nhưng từ chối ngồi xuống để quan tâm đến chúng. Mình nghĩ, mình viết ra được những điều này cũng là do mình từng quan sát và thấy được mình như vậy trong rất nhiều lần khó lắng nghe / không chọn lắng nghe một ai đó mà mình thương yêu. Và mình đang cảm thấy biết ơn lựa chọn freewriting, vì viết đã cho mình nhận ra được thêm bản thân mình…


• Bài của Tiny, ngày viết thứ 6 trong chuỗi 8 tuần thực hành freewriting.
• Lời Phiên: Bài viết cho thấy dòng suy nghĩ được quán sát rồi chuyển hóa với chính trải nghiệm “lắng nghe” rất đắt của Tiny. Nhiều người không dám viết về bản thân đâu, bởi việc nhìn chậm lại, nhìn kỹ, nhìn sâu, nhìn với hiểu biết và yêu thương chưa bao giờ là một điều dễ dàng, nhưng chắc chắn là một trong những điều ngọt ngào nhất bạn có thể hiến tặng cho chính mình. Vậy thì hãy viết!

• Tìm hiểu về thực hành 8 tuần Freewriting ở đây


Ngôi nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thực hành Viết, và hỗ trợ bạn thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân để trải nghiệm những nhiệm màu của việc viết, ý nghĩa của cuộc sống và dĩ nhiên là của một-con-người! Cộng đồng Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để thực tập). Nếu bạn cảm thấy những hoạt động này là có ích, bạn có thể đóng góp cho tụi mình ở đây nha!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s