“CÓ ĂN THUA GÌ ĐÂU!”

Tuần rồi mình coi clip nhóc Đạt học lớp sáu dừng xe đạp để móc rác thông mười mấy cái cống ngập lúc trời mưa ở Đồng Nai mà thấy thương quá chừng! Thằng nhỏ làm nhiều người lớn phải xấu hổ nhìn lại bản thân khi chính họ có thể là người thẳng tay xả rác không mảy may nghĩ suy gì, rồi làm người lớn giựt mình cái đụi khi nghe câu em tâm sự với bà ngoại: “Có ăn thua gì đâu!”

Trời đất, cái câu giản dị này mình hay nghe dưới quê, người lớn thường nói với nhau kiểu “Nó giàu dữ lắm á, nhưng bịnh thì chết, có ăn thua gì đâu!” hay “Nó học quá trời ra trường vẫn thất nghiệp, có ăn thua gì đâu!” hay “Ngồi làm vài ván chơi mấy xu, có ăn thua gì đâu!”… Còn trong trường hợp của Đạt giống như là “Trái tim con bự lắm á, chuyện này có ăn thua gì đâu!”

Ngoại kể nhóc Đạt vẫn hay móc cống móc lá đọng sau nhà khi trời mưa đặng đừng ngập nước nên đi ngoài đường làm cũng thấy như ở nhà, vì con đường này mình đi mỗi ngày mà, đường đưa mình tới trường mà, mình cũng chăm sóc như nhà mình vậy. Chuyện một đứa trẻ lớn lên với trái tim quan tâm và biết quan sát, để ý, chăm lo… đều bắt đầu từ mấy chuyện nhỏ nhỏ trong nhà. Ba mẹ nào “sợ con nó cực” mà làm hết từ A tới Z cho con thiệt ra là lợi bất cập hại. Mắc cười là phụ huynh cũng hay nói, “Mấy chuyện này có ăn thua gì đâu! Chuyện học là quan trọng nhất!” Vậy mà ăn thua dữ lắm đó.

Hồi du học ở NZ, mình gặp nhiều bạn trẻ 15 tuổi thậm chí 20 tuổi cũng không biết bắc một nồi cơm, không biết gấp cái áo, không biết giặt đồ của mình, không biết dọn dẹp phòng cho sạch gọn. Hỏi ra thì hỡi ôi “Ở nhà mẹ em làm hết!” Một đứa trẻ phải biết tự chăm sóc bản thân mới có thể biết yêu thương mình và có khả năng chăm sóc người khác. Việc ba mẹ giành hết phần việc của con làm cho trẻ mất cơ hội học kỹ năng sống, ỷ y và ích kỷ hơn. Đứa trẻ biết đập ống heo tặng mẹ nó một cái áo ngày sinh nhật sẽ biết tìm cách giúp người nghèo không quen biết một bữa ăn. Đứa trẻ biết dọn dẹp rửa chén nấu cơm sẽ biết trân trọng hơn những bữa ăn tươm tất của mẹ và biết san sẻ với người đồng hành sau này… Ăn thua quá đó chớ!

Mấy nay nhiều bài viết của các bạn thực hành freewriting đều có Đạt, ai bảo chuyện tốt thì không tỏa lan? Nó như một dòng suối mát cho trái tim mỗi người vậy! Mình hay nhắc các bạn viết sâu thêm, nhìn em như một “tấm gương” để soi lại mình. Thay vì nói “Dễ thương quá!” thì tự hỏi: “Tại sao mình ngưỡng mộ hành động của em? Tại sao mình lại thấy xấu hổ? Điều gì ngăn mình không làm được như em? Điều gì trong hành động của em chạm tới trái tim mình?…” Rồi bạn à ha, thì ra đó là sự tử tế, là hành động âm thầm không cần ai biết tới, không cần ai khen ngợi, là một lòng thương giản dị với con đường, với nơi mình đang sống… Rồi mình với bạn cùng tần ngần một chút, giá như người lớn tinh tế hơn nhỉ, người lớn đừng liền nhận công tự hào là mình dạy bạn được vậy đó, mà người lớn sẽ chỉ cách cho em làm an toàn hơn bởi lỡ có kim tiêm hay rác nguy hiểm thì em cũng biết cách xử lý tốt hơn.

Dù sao cũng cảm ơn đôi bàn tay trần nhỏ bé và tinh thần “có ăn thua gì đâu” của em nghen! Người lớn phải học em, để bớt kể lể, để bớt chờ được biết ơn, để bớt tính toán khi cho đi một thứ gì trong khả năng của mình… Lần sau nếu muốn làm cái chi đó mà còn ngần ngại, cứ tặc lưỡi nhớ ánh mắt trong sáng của em, ừ thì có ăn thua gì đâu!

.

Phiên Nghiên

LA, 6.2020

#phiennghien#vietdetudo#kindness#những_điều_trông_thấy#chuyện_ở_Việt_Nam#8wfreewriting#parenting


• Xem clip em Đạt ở đây

• Xem thực hành 8 tuần Freewriting ở đây 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s