8 TUẦN FREEWRITING – (8) MỖI NGƯỜI MỘT NHỊP ĐIỆU

Hình minh họa của Bảo Lưu trong Sách Gieo (Toa Tàu)

“Nào, ngồi xuống, ta bắt đầu ngày thứ nhất với chút hồi hộp…”

“Eo, sao hôm nay mình viết lắm thế. 70’ mà không thấy mỏi tay…”

“Ngày thứ 40 rồi, không dám tin mình đã viết liên tục được từng ấy ngày…”

“Em vẫn viết mỗi ngày và ngày càng viết nhiều hơn. Hành trình này thật đẹp là điều em có thể nói bây giờ…”

Kết thúc project nhỏ 8 tuần freewriting, nghĩ lại Phiên cũng không ngờ mình có thể đi cùng hàng ngàn trang viết trong 56 ngày, nhưng rất tin rằng 60 bạn đợt này dù kiên nhẫn tới cùng hay phải ngưng giữa đường đều có những trải nghiệm mới, đáng quý là đã có một bắt đầu. Xin gởi bạn vài đúc kết tạm khép (vì Phiên sẽ viết nhiều nữa trong quyển sách về việc Viết) cho hành trình của chúng ta:

1. SỐNG LÀ HÀNH TRÌNH KỲ DIỆU

Nếu mình cảm thấy đã trung thực và can đảm nhưng trang viết của mình vẫn hiu quạnh, vẫn nhạt nhòa, có thể là vì mình chưa dùng đúng “công cụ” (có người bày tỏ tốt hơn qua nhạc, phim, ảnh hay vẽ…), đó cũng có thể là vì mình chưa nhúng trang viết vào cuộc sống, chưa nhúng mình vào từng giây phút trọn vẹn. Nói gì thì nói, sống vẫn là điều quan trọng nhất. Viết chỉ là một công cụ giúp hiểu mình và biết cách đối xử với hành trình sống của mình mà thôi.


Nhúng mình bằng cách nào ư? Mỗi phút giây không viết thì hãy sống trọn phút-không-viết. Mình không nghĩ tới việc viết gì lần tiếp theo khi mình đang-không-viết, giống như không nghĩ tới chuyện khác khi đang-ngồi-viết. Trọn vẹn như vậy thì dòng chảy mới xuất hiện được. Nếu trong đầu cứ lẩn quẩn về đề tài hay ý tưởng, mình ghi chú theo từ khóa hoặc câu, rồi bỏ đó. Việc “bỏ đó” cũng đặc biệt quan trọng cho những project, bài viết đang bí lối. Hãy cứ “bỏ đó”, làm chuyện khác một cách toàn tâm toàn ý. Bộ não vẫn âm thầm xử lý những khoảng “bỏ đó” nên đến khi bạn quay lại và nhìn vào, chỉ ở phút đầu tiên thôi sẽ cảm thấy ngay vấn đề hoặc điều quan trọng nổi bật trên trang giấy. Đừng lo lắng trước sau, khi buông viết hãy chỉ ngủ để ngủ, ăn để ăn, đi bộ chỉ để đi bộ,… và đến khi viết-chỉ-là-viết, không bon chen các suy nghĩ hành động khác thì mọi thứ dễ đạt mức độ thỏa mãn, sáng tạo, thăng hoa và đủ đầy.


Vài người nói với tôi, khi viết họ mới thấy mình được sống. Tôi thấy mình không giống lắm, viết cũng là một điều trong dòng chảy sống đang cuộn lên. Tôi không tách bạch nó ra như một đặc ân, như một sự chờ đợi, như một sự linh thiêng nào khác. Tôi viết và sống, cái nào cũng là “được”

Trích bài viết “Được sống” – Phiên Nghiên

Mãi mãi, đối với mình, sống là một điều bao gồm cả việc viết. Trải nghiệm sẽ dày hơn từng ngày nhưng mình không đợi đến ngày thông thái rồi mới viết, mình không đợi viết những áng văn bất hủ, mình luyện tập bằng cách viết chăm chỉ với thái độ học hỏi, khiêm cung và biết là sẽ nhiều sai sót. Khi chấp nhận như vậy, mình không đọc lại bài cũ rồi tiếc vì một đỉnh cao từng có, hay xóa đi bài cũ vì xấu hổ cho mấy hố sâu ý nghĩ chưa trưởng thành lúc xưa.


Khi mình chấp nhận hết cả phần xấu và tốt của mình, bỗng dưng việc viết cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn thử để ý xem, khi hiểu cuộc sống và chính mình hơn, nó phản ánh bằng sự trôi chảy nơi trang viết. Hãy để ý xem, từ khi bạn hiểu sâu, bạn biết cách giải thích điều phức tạp một cách đơn giản, không lên gân, chữ không phải để bày biện hay tô vẽ một sự trống rỗng mà biết chạm nỗi đau một cách chân thật, chạm niềm vui nỗi buồn như chính nó chứ không phải một thứ trang trí… thì bạn đã đem được cuộc sống vào trang viết rồi.


2. REVIEW, EDIT, REVISE

Như tụi mình đã biết, freewriting là một hành trình riêng tư của những suy nghĩ đầu tiên. Một nguyên tắc vàng của freewriting là không dừng lại để lựa chọn từ ngữ hay chỉnh sửa trong lúc viết, bởi người thực tập biết rằng để có được giây phút ngồi với dòng chảy suy nghĩ đầu tiên mới khó, còn chuyện biên tập thì sau đó có ngàn cơ hội. Bạn sẽ nhặt được những ý tưởng vàng, insight kim cương sau khi đãi ra từ đống cát first thoughts của freewriting. Nếu muốn chia sẻ cho người khác những ý tưởng đó, hãy làm thêm công đoạn đọc lại, chọn lọc ý, biên tập và chỉnh sửa cho thành bài (bởi freewriting chỉ là first draft cho mình mà thôi).


Một số điều thường gặp trong bài freewriting cần được chú ý sửa trước khi publish là lặp từ, lặp ý, lỗi typo, câu cú, lỗi chính tả, các ý nghĩ đệm, chưa rõ ý hoàn chỉnh … hoặc thái độ trong lúc viết cũng ảnh hưởng đến nội dung. Trừ những bài thực tập freewriting gởi cho người đồng hành freewriting (như các bạn gởi cho Phiên), hãy nhớ biên tập trước khi đăng bất kỳ cái gì, bởi đó là sự tôn trọng bản thân và người đọc.


3. TÌM “BẠN ĐƯỜNG VĂN CHƯƠNG”

Những ngày mình học cấp 3 làm gì có Facebook nhưng các forum trường học đang rất xôn xao. Mình luôn biết ơn các anh chị đã làm forum cho mình có chỗ viết nhảm hầu như hàng ngày, rồi có những bạn đọc trở thành bạn, trong đó có “bạn đường văn chương”. Mình nhận ra “bạn đường văn chương” rất quan trọng cho một người viết.


Có “bạn đường văn chương” nghĩa là có người để chia sẻ, trò chuyện về sách đang đọc, về mấy câu thơ, một nhân vật trong tiểu thuyết, hay mấy dự định về chuyện viết. Thời gian trò chuyện chất lượng với “bạn đường văn chương” có thể giúp mở mang đầu óc, thậm chí nhắc nhở việc mình đang làm, về quá trình mình viết. Họ sẽ giúp bạn mở thêm các góc nhìn mới qua các thảo luận, hoặc các giờ đọc bài viết của nhau, lắng nghe nhau…


Tuy không phải ai cũng may mắn có được một người bạn như thế nhưng hiện nay với Facebook, “ông thần” tự tin quảng cáo là luôn có group phù hợp cho mọi người trên FB, việc gia nhập một cộng đồng viết tử tế và chân thật để có không gian bày tỏ mình, đọc bài viết chia sẻ của người khác, tương tác trong thế giới đầy cảm hứng… sẽ giúp cho việc viết của bạn rất nhiều. Hãy tránh xa các group làm bạn thấy tự ti, hoặc làm bạn có ý nghĩ muốn viết cái gì đó chỉ để nổi bật… Một người đọc thực sự đồng cảm với bạn đáng giá hơn trăm người like và lướt. Sự cô đơn của một người viết được lấp đầy nếu như bạn có “bạn đường văn chương” để trao đổi, để sẻ chia và thấu hiểu trong hành trình viết (2).


Kết thúc 8 tuần viết liên tục, bạn có một quyển sổ dày những câu chuyện lâu rồi mới kể, những phản chiếu soi xét lại con đường đang đi, một kết nối sâu sắc bằng chữ với chính bạn và với người đọc duy nhất (là Phiên :D)… Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã can đảm bắt đầu và không bỏ cuộc. Phiên tin rằng đây không phải là kết thúc mà chính là một mở đầu cho những điều rất mới của bạn.


Mỗi người một nhịp điệu, một cách trưởng thành khác nhau nên trải nghiệm của bạn là độc nhất. Đừng bắt chước ai, cũng đừng so sánh đoạn đường của mình với bất cứ ai khác. Hãy lắng nghe, hãy kiên nhẫn, yêu thương và tử tế với chính mình nghen!

“Có lúc hơi hốt hoảng khi thấy mình lớn lên. Nhìn thấy mình không phải là điều dễ dàng, cũng có khi không dễ chịu như cách người ta hay quảng cáo “Hãy là chính mình”. Nó là một mâu thuẫn đôi khi, hoang mang và nghi ngờ, vừa mừng vừa tủi, vừa buồn vừa vui vừa chẳng có cảm xúc gì, mà trong sáng và Người lắm! Khi đó, mình biết đã đi được một bước nữa rồi trên hành trình ngược về phía bên trong…”

Trích bài viết “Hành trình về bên trong”, sách “An trú giữa đời

Phiên Nghiên – 5.2020


  • Tái bút: Bạn vẫn có thể tham gia #8wfreewriting ở đây nghen. Chúc bạn một hành trình viết vui!
  • Nếu bạn thích có thể gia nhập group “Viết để tự do (10’+ everyday)” cùng Phiên Nghiên. Điều kiện cần duy nhất là inbox một bài viết bất kỳ của bạn cho page để biết rằng chúng ta đang viết cùng nhau.

Ngôi nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

2 Comments

  1. Cảm ơn chị Phiên, người đã làm nên Project rất ý nghĩa này cho em và mọi người ạ :) Đọc xong bài này thấy ấm áp lắm chị, và cũng tự tin hơn cho hành trình viết của bản thân đang chờ phía trước ạ. Và đặc biệt muốn hết dịch nhanh để sở hữu ngay 2 quyển sách của chị quá ^^

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s