VÌ MÌNH Ở ĐÂY LÚC NÀY, CÙNG VỚI NHAU…

Căn phòng nhỏ chiều dài khoảng năm bước chân, ghế sofa tối màu ở góc điềm tĩnh chào đón ai đó sẽ ngồi xuống, chiếc đèn vàng hắt ánh sáng ấm áp xuống một quyển sổ bản to với giấy không kẻ hàng, một cây viết đặt cạnh quyển sách đang im lặng trên bàn chờ đợi – “Fear”, quyển sách của thầy Thích Nhất Hạnh. Trên tường trắng in đen câu hỏi nhỏ giản dị: “What does “inter-being” mean to you?”

Xung quanh tôi thật lặng yên. Không một tiếng thì thầm.
.
Bốn mươi năm trước, thầy Thích Nhất Hạnh tìm một từ tiếng Anh để diễn tả sự liên-kết-nối sâu sắc của chúng ta với mọi thứ trong cuộc sống, thầy đã nghĩ đến từ “togetherness” nhưng cuối cùng thì chọn “interbeing”. Từ “being” có thể gây hiểu lầm là mình tự tồn tại như chỉ chính mình, trong khi sự thật thì không có thứ gì tồn tại được một mình cả nên thầy thêm tiền tố “inter” để rõ nghĩa (1). Từ đó, chữ “interbeing” chưa có trong từ điển, đã xuất hiện cùng với ý niệm nổi tiếng này của Sư ông Làng Mai. Thầy cũng kể câu chuyện nghiên cứu của nhà sinh vật học Lewis Thomas (2), người cho rằng Trái đất như một sinh vật (living-being), nhìn xa hơn là một tế bào xinh đẹp của vũ trụ với rất nhiều sự sống, và cơ thể con người cũng màu nhiệm như vậy khi luôn được “shared, rented, and occupied” bởi vô số những sinh vật, những tế bào, những yếu tố không-phải-con-người sinh sống trên chính con người. Nếu không có chúng, chúng ta không thể là chúng ta.
.
Lúc tôi đối diện với câu hỏi về interbeing trong căn phòng nhỏ trong triển lãm nhỏ đó, toàn cầu đang ồn ào với một câu chuyện ngược lại: câu chuyện cách ly. Thoạt đầu có vẻ như nó là một giải pháp tốt, tôi cũng ủng hộ việc cách ly để tránh bùng dịch, nhưng nếu nghĩ kỹ thì nó không phải là giải pháp dài lâu. Người ta sẽ cách ly đến bao giờ, khi cúm là một loại bệnh không có thuốc trị (chỉ có vắc-xin phòng ngừa). Người ta sẽ cách ly đến bao giờ, khi nỗi sợ gây ra hoảng loạn sẽ nhân cấp số nghìn triệu mỗi khi một khu vực nào đó được thông báo cách ly. Người ta sẽ cách ly đến bao giờ khi chúng ta là những sinh vật sống phải tương tức – interbeing!
.
Một cái nhà đang xây bị bỏ dở dang, chủ nhà dở khóc dở cười vì thợ xây sợ quá chạy về quê hết. Những trường học đóng cửa, phụ huynh cũng không tự tin để con mình đi học lại. Những đất nước chặn visa, cắt đường vào ra mong rằng dịch sẽ giảm. Nhưng đến khi nào đây? Bạn virus tồn tại tỉ năm (3) sẽ không biến mất luôn đâu mà liên tục chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Tương tự, hệ miễn dịch của con người cũng vậy, sẽ có những học hỏi thay đổi để đáp ứng với điều kiện sống mới. Sẽ khó khăn, sẽ khổ đau, sẽ mất mát. Cho nên mình tin việc cách ly cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, nếu không sẽ dẫn đến sự suy yếu, sụp đổ của các hệ thống khác mà có lẽ việc phục hồi sẽ gây nhiều thương tổn mất mát hơn nữa.
.
Cái gì làm quá cũng không tốt! Bạn nCoV-2019 làm người ta dễ chết một phần cũng vì tế bào miễn dịch của con người thấy virus này mới quá, “bị giật mình”, làm rần rần lên, tiêu diệt lộn luôn mô khỏe mạnh trên con đường đi chống virus, nên tiêu tùng cả đám. Cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918 khi hệ thống giao thông chưa phát triển như bây giờ nhưng có đến ⅓ dân số thế giới lúc đó bị nhiễm, tỉ lệ tử vong là 2.5% (4). Chúng ta đã phát triển hơn nhiều phải không? Dẫu trăm năm sau với nỗi sợ còn y nguyên, nhưng chúng ta đã hiểu biết hơn, vậy thì chúng ta sẽ khác đi. Nếu bạn virus thích người già, hãy chú ý tới họ hơn. Nếu bạn virus thích bàn tay, hãy tỉnh thức với đôi bàn tay mình hơn. Bạn virus không xi-nhê gì với sự cách ly đâu, thiệt á, vì chúng ta mơ hồ lắm nhưng virus chỉ có một chức năng là phải tồn tại thôi. Chúng không mất thời gian triết lý về cuộc đời, cãi nhau để giành phiếu bầu và đấu tranh cho nhân quyền.
.
Không một ai, không một cái gì có thể tồn tại một mình nó. Vì chúng ta ở đây lúc này, cùng với nhau, nên những gì chúng ta cảm thấy, hành động sẽ lan truyền cho nhau, dù đó là sợ hãi, mệt mỏi, nghi kỵ, hay bình an, thương yêu, tỉnh táo… Ai đó sẽ cười đám đông náo loạn, cũng là một cách bớt náo loạn. Ai đó sẽ im lặng giữa náo loạn, cũng là một cách bớt náo loạn. Ai đó sẽ tìm kiếm giữa náo loạn, can đảm với một trật tự mới một con đường mới. Không cần phải có một kẻ thù chung để cảm thấy sự đoàn kết, chúng ta luôn là một khối kết liên quan đến nhau, tương tức từ lúc còn ở hình dạng mây trời (5). Thành ra hãy can đảm, hiểu biết, thực tập tỉnh thức và thương yêu!
.
Tôi viết xuống quyển sổ bản to giấy không kẻ hàng một bài thơ của thầy, bạn vẽ vào một hoa sen đang nở rộ. Chúng tôi bước ra khỏi khu triển lãm, rừng thông vẫn reo vang, ngọn đồi vẫn âm thầm nhìn ngắm thành phố xôn xao phía dưới, như thể nói rằng chúng vẫn hiện diện ở đây lúc này cùng với nhau, như thể mỉm cười mọi sự thay đổi là bình thường mà thôi!

Phiên Nghiên • 10.3.2020

#vietdetudo #phiennghien #interbeing #coronavirus #những_điều_trông_thấy #lovetheEarth #ThichNhatHanh #lagma #hereandnow


(1) The insight of Interbeing https://www.garrisoninstitute.org/blog/insight-of-interbeing/
(2) Một trích đoạn của Lewis Thomas https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4378487/
(3) Coronavirus dạy mình http://bit.ly/Coronavirusdayminh
(4) 1918 Influenza https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/12/1/05-0979_article
(5) Tương tức http://bit.ly/NMCC_tuongtuc
(*) To View a Plastic Flower Exhibition: https://www.lamag.org/portfolio_page/to-view-a-plastic-flower/


Ảnh: Khu cuối cùng của triển lãm, gồm các tác phẩm cắt dán nói lên cảm nhận do người đến xem tự tay làm và treo lên. Mỗi câu chuyện có vẻ rất riêng nhưng có liên quan đến nhau (interconnectivity). (*)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s