chấp nhận vì sao tôi sống

hình mình chụp ở chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho
“Nếu bạn hiểu tại sao phải sống, bạn gần như có thể sống bất kỳ cách sống nào.”


Anh Harari tác giả Sapiens nhắc lại câu nói của Nietzsche làm tôi nhớ bác Frankl, tác giả sách Đi tìm lẽ sống, nạn nhân trở về từ trại tập trung Đức quốc xã và áp dụng Liệu pháp ý nghĩa vào trị liệu tâm lý. Ông cho rằng ai cũng có những lần vấp phải trạng thái tồn tại chân không, biểu hiện lớn nhất là qua tâm trạng chán nản, không biết làm gì, cáu bẳn và thậm chí nghiện ngập. Người ta có thể thoát ra bằng cách không chỉ đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống mà phải trả lời nó bằng chính bản thân qua cuộc sống của mình. Ông từng đề nghị bờ kia của nước Mỹ nên đặt thêm tượng Thần Trách Nhiệm để cân bằng với Thần Tự Do phía bên này.

Bằng nhiều duyên, tôi đã gặp những bạn dường như rất tự do nhưng thiếu trách nhiệm và mối liên kết với cuộc sống. Trạng thái chân không của bạn ấy nguy hiểm vì dù tự do và ý nghĩa (với riêng bạn) nhưng phục vụ lợi ích cá nhân, không xem xét hậu quả hoặc tổn thương trong các mối quan hệ khác. Thương mình không phải là ích kỷ, nhưng nếu rời bỏ lòng từ bi với người thì sự thương mình đó cần được xem xét lại. Tôi thường tỉnh táo nhìn xem hành động của bạn với lời nói có khớp nhau không, bởi thật khó tin một người xây dựng/theo đuổi hình ảnh vì môi trường nhưng lại không tự thực hành nó, hay xem xét hời hợt và đồng ý với các hợp đồng ‘nói tốt’ cho một nơi đầy vấn đề về những gì trái với values mà bạn từng phát biểu.

Cũng có những người đi tìm “trách nhiệm” để gắn mình vào, để được làm một thứ gì đó có vẻ lớn lao, để mình trở thành ý nghĩa, nhưng không soi chiếu với chính mình, không đánh giá đúng kiến thức và trí tuệ của mình, tạo ra những lỗ hổng trong tim biến mình thành cái bập bênh trong tình trạng chân không đó, hoặc tệ hơn là gây hậu quả cho người khác.

Nhưng sau này tôi lại cho rằng có khi đó cũng là một phần thiết yếu của quá trình, tất cả ngã rẽ là lựa chọn, là trải nghiệm phải có của người đó và những người liên quan. Bởi một phần của Cội đã chủ ý được tan rã để trải nghiệm những ý niệm, thì hãy trải nghiệm nó để có nó. Ta có thể biết tất cả ý niệm, nhưng quan trọng là trải nghiệm nó, rồi quay lại cái biết, rồi nhận ra mình không biết gì, ấy là biết thêm vậy!

Từ nhỏ, tôi đã không tin tưởng lắm vào quy trình trưởng thành và trách nhiệm kiểu được sinh ra để lớn lên đi học, đi làm, trả bills, sinh con và xử lý các drama tình cảm hay gia sản trong phạm vi gia đình đến mệt mỏi… Có đêm úp mặt vào chiếc gối màu xanh lá cây, tự hỏi nếu bây giờ mình tắt thở thì những cảm giác này thế nào nhỉ, cảm giác của không-tồn-tại-như-một-con-người ấy, hoặc cảm giác của không có cảm giác gì là thế nào? Oh thì ra còn sống là còn “được thu thập” mọi thứ bằng đặc ân các giác quan, với trí óc và trái tim của một con người, nên là quá trình đặc biệt để đào luyện tôi thành thứ “Ai Đó” khát khao, “Ai Đó” mà Tôi là một phần và cũng là toàn bộ.

Phải, phải hơn thế, để được tỉ duyên trở thành một con người có thể xác, hay để là một Sapiens vô tình được tiến hoá đúng vào giai đoạn này – giai đoạn mà loài người không còn quá mắc kẹt vào săn bắt hái lượm sanh đẻ, hay chiến tranh, hay cúng tế thần linh, hay xử lý chuyện làng xã… mà có thời gian để nghe nhạc, ngồi thiền, quan sát, đọc, tranh luận, suy ngẫm, viết, đi xa hơn loài người của trăm năm trước để nhìn thấy nhiều hơn… Hoặc đơn giản là biết học để sống hằng ngày không hối tiếc mong cầu. Hoặc không làm gì (chứ không phải không biết làm gì). Để hiểu về chính mình.


Trong quá trình tự vấn, có 6 câu hỏi thuộc dạng bắt đầu chạm vào phía chưa-nhìn-thấy hay chưa-có-cơ-hội chạm vào. Chúng giúp tôi đối diện và dành thời gian quán chiếu thường xuyên với bản thân, đã đem đến những ánh sáng đau đớn và êm đềm nhất. Bạn có thể tự hỏi mình xem:

 
- Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?
- Những liên hệ thực sự với các mối liên hệ con người của tôi đang có là gì, về mặt con người và mặt linh hồn thuần khiết? Tại sao tôi phải ở trong mối quan hệ với họ mà không phải là ai khác?
- Cuộc sống cần gì ở tôi trong cấu tạo vật chất như một con người, có các khả năng, điểm mạnh và điểm yếu như tôi bây giờ?
- Tôi là gì, ở đâu trước khi trong bụng mẹ? 
 - Tôi ra sao khi tôi chết?  
và câu hỏi lớn “Thực tại được làm bằng gì?”

Tôi đã từng không thể trao đổi với nhiều người về việc này, vì bạn bảo rằng có vẻ rảnh rỗi, hoặc quá siêu hình, hoặc cuộc sống đã đủ mệt. Tôi đã trao đổi và debate nhiều nhất là với bản thân, trang viết và sách, rồi may mắn có vài người bạn đồng hành, cũng là con người, rồi cây, rồi biển, rồi núi, rồi vết thương… Rồi tôi nhận ra, đây phải-là-một-hành-trình-cô-độc! Tôi chấp nhận và an vui với chuyện đó.

Mãi mãi không thể giải thích trọn vẹn cái hiểu của mình bằng chữ, nhưng tôi vẫn viết. Cái Biết bên trong hiển lộ dần, dù chỉ như ánh sáng loe trên viền lá buổi sáng mờ, nhưng biết là có ánh sáng. Tôi tin rằng nếu mình hiểu vì sao phải sống, mình có thể sống bất kỳ cách nào.

Giai đoạn tới có thể sẽ thử thách niềm tin này của tôi, và tôi chấp nhận nó.

.

Phiên Nghiên

CA, 2.2019


Mừng bạn về nhà Viết để tự do

Viết Để Tự Do do Phiên Nghiên khởi xướng, với mong muốn có nơi để thở, để viết, kết nối cộng đồng những người thích Viết, thực hành Freewriting như một công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân. Mình tin rằng một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Ngôi nhà Viết Để Tự Do bao gồm Nối một cây cầu (nơi để đọc), Viết để tự do (nơi để viết) và Cộng đồng cùng thực hành Viết để tự do (10’+ everyday) (nơi để chia sẻ thực tập). Nếu cảm thấy những bài viết, chia sẻ này chạm đến bạn, bạn có thể đóng góp cho tụi mình một ly cà phê ở đây nha!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s