
Ngày Tết là cơ hội để mình nhìn lại thiệt kỹ. Tết sẽ có rất nhiều lễ, nhiều “việc phải làm”, nhiều chuyện phải chạy cho xong. Ai càng lớn càng thấy sợ Tết thấy Tết bớt vui thì càng phải nhìn lại, nhìn xuyên qua những lễ những việc ấy, đằng sau nó là gì. Cái nào là bày ra để trói vào lý tưởng, cái nào là thực hành để nhắc về cốt lõi cuộc sống?
Hãy chậm lại. Chạm vào nó. Thật nhẹ nhàng.
Hãy chủ động gỡ trói cho mình và tận hưởng nó. Thật kiên nhẫn.
Như cách chúng ta sẽ thắp một nén nhang là dịp nhắc về chuyển hóa. “Đốt một nén nhang hằng ngày là cơ hội để tĩnh lặng. Đốt một nén nhang là bài học về sự biến đổi và chuyển hóa, vừa mới đó đã ra tro tàn, vừa vàng đã chuyển sang trắng, vừa cứng đã thành bột mịn, vừa thấy khói đã biến mất tăm…”
Như cách chúng ta sẽ cắm những bình hoa mới để lên bàn thờ cao, là dịp nhắc về vô thường, về sự tan hợp khi hoa nở hoa tàn, nước vừa trong đã đục rã tan gốc lá, là người đó người đi.
Như cách chúng ta làm nhiều đồ ăn mùa Tết, là dịp nhắc về sự biết ơn trời đất sau mùa vụ đủ đầy, là nhắc về sự sẻ chia với người khác, là nhắc về một nỗi sợ sâu sắc rất con người – việc thiếu lương thực, là nhắc về sự tận hưởng công sức và thành quả sau một chặng đường đã qua.
Như cách chúng ta bỗng phải giao tiếp với nhiều người thân họ hàng hơn tất cả mọi dịp, là lúc nhắc ta trở lại chỗ quan sát. Quan sát biên giới, giá trị cá nhân bị thử thách, quan sát những cơn cảm xúc của mình trỗi dậy và qua đi: ngạc nhiên, lúng túng, tức giận, khó chịu, vui mừng, dễ chịu, ganh tỵ, xót xa, đau đớn, ghét bỏ, trống rỗng… Cứ quan sát nó.
Hoặc thêm vào một chút tò mò. Bởi sự thực là chúng ta kết nối với nhau, dù muốn dù không. Nên ta hãy đổ tò mò vào để thấy phiên bản nào của mình đang hiện diện trước những người cùng một mối dây ấy? Họ, như người chứng kiến mình lớn lên, có giữ phần nào ký ức của mình không? Họ, như một phần của gia đình của thế hệ trước-sau, có góp chút nào vào tổn thương của mình không? Cứ quan sát nó vậy thôi.
.
Không biết có liên quan không, nhưng vừa tới Tết thì mình cũng kết thúc 2 mùa Alice in Borderland. Hết phim, mình bỗng nhớ câu số 2 trong thực hành Lojong(*), rằng “Regard all dharmas as dreams” – “Coi mọi pháp đều như mộng”.
Những game sinh tử Arisu và Usagi trải qua từ đầu tới cuối, mọi thứ là thật, cái chết là thật, đau đớn là thật, một phút tồn tại giữa rỗng không cũng là thật. Nhưng cuối cùng, thật là cái gì?
Ở màn cuối khi gặp Q cơ, Arisu được ở trong nhiều lớp “thật”, nhiều trăn trở, mong muốn, phải quyết định ở lại chỗ nào. Khi đi đủ sâu, người ta nhận ra thực sự không cần một lý do hay ý nghĩa nào để sống, sống chỉ là sống. Hãy nhìn xuyên qua các lý do, ý nghĩa, lý tưởng, nhãn dán mà bạn được trao.
SỐNG, tự bản thân nó đã đủ đầy và trọn vẹn rồi.
Chúc bạn có một mùa Tết với nhiều cơ hội nhìn lại mình thiệt gần, và từ đó thấy rõ những vực sâu vẫy gọi cũng như thấy rõ con đường nội tâm nở rộ lên những đóa hoa…
Phiên Nghiên
CA, 30 Tết 2023