CHỊU – CHƠI

Hôm đi xuống phố cắt mớ đuôi tóc chỉa gẫy, cô thợ ngoài năm mươi cứ vuốt vuốt rồi tặc lưỡi “Con chịu chơi ghê! Chơi màu nổi vậy à?” Mình cười.

Hôm kia bạn inbox bảo, em đang muốn nhuộm tóc nhưng sợ, nhìn chị lấy thêm động lực. Mình cười.

Hôm nay bạn nhìn mình qua video call, rằng em thấy màu này sao hợp với Phiên quá. Phiên có sợ hỏng trước khi làm không? Mình cười.

Nhiều người cũng hỏi mình có sợ hư tóc không, có suy nghĩ nhiều không? Mình gật, có chứ. Dù rằng đây là kết quả của một trò “thật hay thách / dare or truth”, mình vẫn có những băn khoăn của riêng mình.

Cái sự nhuộm tóc cũng cho mình nhiều bài học lắm. Mình từng viết 1 bài chiêm nghiệm về nó (*), sau nửa năm thì mình nhận ra có thêm 1 thứ đáng ghi nhận là chịu-chơi.

Chịu chơi – cho phép mình chơi là một sự cho phép lớn lao.
Chịu chơi – cho phép mình được thử là một sự cho phép lớn lao.

Lúc vô tiệm tóc đầu tiên nhờ chị chủ tẩy tóc và nhuộm hồng, chị nhất quyết không làm vì “nếu em không thường trang điểm thì không hợp với tóc ấy đâu”, với cả “làm xong thì tóc yếu lắm”. Chị ấy, với kiến thức có sẵn và tin rằng mình đang chăm sóc khách hàng đúng đắn đã cho nhiều lời khuyên, vô tình bỏ qua nhu cầu của khách hàng. Chị không hề nghĩ đến việc mình cần gì chứ không phải là chị cần gì. Vậy nên chỉ đã nhuộm cho mình màu nâu dẻ theo… ý của chỉ.

Mình cũng lung lạc cũng suy nghĩ chứ, rồi đi đến quyết định là sẽ học cách chăm tóc tốt hơn, và ủa nếu rụng hết tóc thì mình cạo, chuyện này dễ mà. Cái mình muốn là xem thử nếu có một thứ khác về bề ngoài quen thuộc thì sẽ có gì khác không?

Mình đem ý định đó nói với chị khi tới sửa màu và chỉ vẫn không chịu. Theo chị, người chơi tóc màu nổi thì phải trang điểm đậm mới hợp. Mình thua. Về sau, mình chưa trở lại tiệm tóc đó lần nào dù chị rất tốt tính.

Tới tiệm thứ hai, mình đã trấn an anh thợ bằng cách trình bày nguyện vọng rất rõ ràng, đầy đủ, kèm theo biện pháp “cạo sạch trong vui vẻ” nếu hỏng tóc. Ảnh có hoảng sợ thất kinh hồn vía, sau khi hỏi em chắc chưa thì làm.

Kết quả là cuối cùng thì mình cũng chơi được màu hồng trên tóc. Và kết quả là mình không cần phải trang điểm đậm, không cần đổi phong cách gì cả, mình vẫn là mình tóc vẫn là tóc và mình vẫn vui.

Lần đầu tiên trong đời, mình dành nhiều thời gian để chăm sóc tóc đến thế. Ngày xưa chỉ quọt quẹt gội đầu là xong, nay mình chịu khó quan sát da đầu khi dùng dầu gội, đổi nhãn hiệu, và chịu dành thời gian ủ xả tóc. Mình nhận ra tóc mình dù vẫn loe hoe vài cọng nhưng thậm chí ít gãy rụng hơn nhờ được chăm hơn.

Vậy nên ngoài sự biết mình muốn chơi gì, cho phép và quan sát mình chơi, chịu chơi cũng có nghĩa là có sự chuẩn bị, sự tìm hiểu, sự tận hưởng, sẵn sàng chịu sai và sửa hậu quả nữa.

Vài bài học bonus đính kèm như là:
– không phải lời khuyên nào của chuyên gia cũng phù hợp với mình
– không phải cái gì đã từng như thế thì cũng luôn như thế
– lắng nghe nhu cầu của người khác và đừng quyết định thay họ

Điều quan trọng trong thực tập thương mình là quan sát nhu cầu tự thân và cho phép mình được lựa chọn, được trải nghiệm cũng như chịu trách nhiệm với nó.

Đó là cảm giác của trưởng thành, của tự do.

Bạn có nghĩ tới một thứ gì đó đã lâu mà chưa dám chơi không? Vì sao nhỉ? Điều gì đang cản trở bạn chơi?

Thương chúc bạn chịu-chơi theo cách của mình.

Phiên Nghiên
CA, 11/2022

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s