
Một chuyện thầy Gabor Mate nói mà mình nhớ hoài là trong tình huống ba mẹ gây tổn thương cho con như không quan tâm tới cảm xúc thực sự của con, bỏ mặc con (dù vô tình hay cố tình) thì thường có 2 giả định xảy ra trong đầu đứa trẻ: Một là suy nghĩ rằng Ba Mẹ không hề quan tâm tới mình. Mình bị bỏ rơi. Mình cô đơn quá. Mình sẽ cô đơn trong thế giới này mãi mãi. Hai là Ba Mẹ – người sinh thành nuôi dưỡng mình, đến đây trước mình, họ thương mình nên luôn đúng, không thể sai được, chỉ có mình sai. Chắc chắn mình đã làm sai cái gì đó, mình đã không đủ giỏi, nếu cố gắng nhiều hơn nữa mình sẽ được thương.
Giả định số một quá là đau đớn cho loài homosapiens vốn sợ cô đơn vì một mình luôn khó tồn tại hơn một bầy nên đa phần tâm trí chọn giả định số hai để bảo toàn nhu cầu tồn tại (survival need). Đứa trẻ có xu hướng cố gắng đáp ứng những yêu cầu của Ba Mẹ để được thương hơn, để được thấy sự hài lòng quan tâm tự hào từ đối tượng mà nó phụ thuộc. Đổi lại, nó cảm thấy an toàn.
Nhưng chuyện là mọi đứa trẻ đều lớn lên, mang theo những kiến giải từ quá khứ.
Những hành vi lẽ ra xuất phát từ trái tim thì lại được dùng để “giải cứu” khỏi niềm ám ảnh bị bỏ rơi, để tự an ủi giải thích cho sự tồn tại của mình, để thấy là mình được thương: Đứa trẻ đó có xu hướng dễ thương để đừng bị ai ghét chứ không dễ thương tử tế vì nó như thế; hoặc nhu hoà nhưng thực ra không dám có chính kiến vì không có trải nghiệm được thảo luận ôn hoà và lời bàn luận ngược ý bỗng trở thành vết dao; hoặc tưởng như chung thuỷ nhưng thực ra là xu hướng bám dính vào partner dù mối quan hệ rạn nứt đau khổ từ lâu vì sợ cảm giác bị bỏ rơi, không được cần tới…
Nó vô thức cố gắng giành quyền được thương từ bất cứ đối tượng nào dù chỉ là vô thưởng vô phạt vô diện như cái Like trên Facebook vì khao khát sự chú ý và công nhận.
Nó luôn đổ tội cho bản thân cũng như không tự tin nhìn nhận bản thân như chính nó cảm, thấy, nghĩ vì đã quen theo lời/cách của người khác, nhưng nó cũng lại không quen chịu trách nhiệm bởi sâu xa nó biết nó có tự quyết định đâu.
Những nhu cầu chỉ có thêm mà không bớt kể cả nhu cầu được thương, nó hụt hơi chới với. Những mâu thuẫn trẩy hội trong tâm trí và đời sống ngày một lớn. Giữa bất an và hoảng loạn, tiềm thức nó luôn biết dù có ai thân cận cỡ nào, chỉ có nó thực sự sống đời của nó. Mà hiểm nguy thay, nó dường như quên mất cách tự thương mình.
.
Thầy luôn nhắc, có insight, wisdom, story đằng sau hành động và cảm xúc của một người, đặc biệt là khi đã trở thành pattern, một khuôn thức lặp đi lặp lại. Hãy tìm cách quan sát nó.
Hãy ghi nhớ rằng mỗi cơn đau thắt là một lời nhắc về sự để tâm. Cơn đau sẽ quay trở lại khi tâm chưa đậu lên nó đủ, vẫn chối từ, vẫn sợ hãi. Bỏ qua càng lâu, cơn đau càng sâu.
Mình cứ ráng làm cho người ta hài lòng mà không màng trái tim mình quặn. Mình cứ ráng làm cho người ta vui mà không màng bao tử mình sôi. Dần dần, mình trôi xa mình. Ngặt cái là mình cũng trôi xa người.
Mình không thể điều chỉnh hành vi liên tục để người khác hài lòng hoặc được công nhận sự hiện diện (Điều đó vốn mong manh). Cái mình cần là dừng lại và đi sâu hơn. Nhưng làm sao?
Bằng cách đặt tâm vào những điều đến với mình chứ không trôi theo. Tự hỏi sao mình cứ yêu đúng một dạng người rồi chia tay? Tự hỏi sao chuyện này cứ xảy ra với mình? Tự hỏi những cơn đau của mình sao cứ xuất hiện vào lúc này? Mình cần gì vậy? Mình muốn gì vậy?
Bằng cách dừng lại không phản ứng khi ở giữa những “chiến trường”, quan sát cảm xúc đang trỗi lên của mình dù nó là gì bất kể.
Bằng cách thử chạm ánh sáng tình thương có hiểu biết lên mọi sự. Biết rằng nhu cầu thương và được thương của mình là chính đáng. Biết rằng nếu lỡ ai lợi dụng nhu cầu ấy để thao túng mình thì có lẽ vì họ đã bị đối xử sai cách, hoặc họ chưa để tâm vào vết thương của họ. Biết rằng thứ duy nhất mình có thể thay đổi là chính bản thân mình.
Thương chúc tụi mình thân tâm an lạc và có đủ năng lượng, hiểu biết, tình thương để kiên nhẫn thương mình.
Phiên Nghiên
CA, 8.2022