cơn lũ cảm xúc

Tại bệnh viện Huế, Gieo Xuyên Việt 2017, khi mình đang cùng người thực tập trong một cơn lũ cảm xúc. Ảnh: Quang Trầm

Thi thoảng mình vẫn lê laptop lên giường và viết, đến lúc quên mất cơ thể đang tê cứng lại và không thể di chuyển cái chân nữa. Sự êm ái của chiếc giường khiến mình lười nhúc nhích, và sự tê của cơ thể đã buộc mình phải nhúc nhích.

Trong buổi trò chuyện Zoom cuối tháng vừa rồi cùng nhóm Viết Để Tự Do, mình có chia sẻ một chút về cảm xúc mạnh. Đã có thời mình phân biệt rất rạch ròi, này là cảm xúc xấu, này là cảm xúc tốt, này là cảm xúc tiêu cực, này là cảm xúc tích cực… Những quyển sách self-help đầu tiên đã dạy mình cách phải loại bỏ cảm xúc tiêu cực đi, dành thời gian nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Thực tập một thời gian mình nhận ra những điều này không sai nhưng vẫn chưa đủ.

Nếu bạn cũng từng học cách thực tập nói lời biết ơn, nghĩ tích cực, viết giải tỏa… mãi mà vẫn thấy lòng rỗng, thậm chí còn đào thêm vài cái hố sâu hơn và nhiều mâu thuẫn hơn, phải tạm dừng, nhìn lại mình. Ngoài chuyện bền bỉ luyện tập với lòng tin thương, mình cần có thêm sự hiểu làm nền tảng để đường đi vững vàng.

Ở miền Tây mùa lũ về mênh mông ngập đồng ngập xóm, có vùng con nít biết bơi phải đi len trâu bì bõm đến hết mùa. Người nông dân ngóng lũ lắm, bởi lũ rút đi sẽ để lại phù sa màu mỡ cho mùa mới. Mấy năm lũ không về là hạn nứt cả đất, nước không được tháo, đất không đắp đổi tự nhiên, cây lúa cũng rầu nhớ cơn lũ. Người ta thường nghỉ ruộng mùa nước lên, chuyển qua câu cá đi ghe kiên nhẫn chờ nước xuống và lại gieo mùa sau.

Mình tập nhìn cảm xúc mạnh như một cơn lũ ngang qua. Nó về và nó đi, để lại lớp phủ phù sa mà nhìn qua ngỡ đống bùn vô dụng. Có điều, mình hong thể ngăn cơn lũ cảm xúc (“xấu” hay “tốt” đều thế), nhưng mình hoàn toàn có thể học cách thay đổi cách mình nhìn lũ, chèo ghe câu cá trên con nước và gieo những hạt mầm mới trên lớp phù sa để lại mà thôi.

Giống như cách cơ thể tê cứng là dấu hiệu cho mình quay lại với hiện tại. Mình đã quá mải mê với những điều gì mà quên mất mình đang ở đây rồi. Mình cần học cách nhìn mình thật gần, qua chính cơ thể của mình.

Cơ thể là thứ luôn ở trong hiện tại. Hãy trở về với nó khi có cơn lũ cảm xúc ngang qua.

Rồi bạn sẽ nhận thấy cảm xúc cũng là một phần của cơ thể, và cảm xúc chỉ là cảm xúc. Nó là mình nhưng không phải là toàn bộ mình. Cảm xúc mạnh như cơn tê chân, nó là một dấu hiệu, là một chỉ báo về một thứ gì đó cần được lắng nghe: sự bế tắc, nỗi cô đơn, nhu cầu bày tỏ, nhu cầu kết nối, sự chấp nhận, hay nhu cầu được yêu thương…

Chúng ta có nhu cầu được yêu thương, chúng ta có cảm xúc, điều đó không có gì đáng xấu hổ hay cảm thấy yếu đuối cả. Nó giúp ta trải nghiệm đầy đủ cung bậc của một con người.

Những cơn lũ cảm xúc đôi khi cũng là nhu cầu muốn được người khác nhìn thấy, nhưng tiếc thay lúc ấy mình lại khó nhìn thấy mình. Vậy nên cái mình cần là không đánh đồng nó với mình, cũng như không từ chối nó.

Để một ngày thức dậy tự nhiên nghe được tiếng chim ngoài cửa, thấy yêu thương vô cùng.

Để một ngày giữa cơn giận dữ ghé qua trên mặt mình hay mặt người dưng, thấy yêu thương vô cùng.

Để một ngày giữa lời trò chuyện bỗng thốt lên tiếng biết ơn tự đáy lòng, thấy yêu thương vô cùng.

Hãy dịu dàng quan sát bằng trái tim nhạy cảm của một con người.

Thương chúc tụi mình thân tâm an lạc.

Phiên Nghiên

CA, 5.2022


*Bài viết nằm trong loạt chia sẻ phương pháp cụ thể #làm_sao_để_hiểu_chính_mình.

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s