Mở khóa sự sáng tạo

Dù bạn có là một nghệ sĩ, người viết, nhân viên ngân hàng, tư vấn viên hay người làm vườn, thì việc có thể chạm đến suối nguồn sáng tạo bên trong cũng giúp cuộc sống của bạn thăng hoa. Sáng tạo nghĩa là lắng nghe tiếng gọi của những giấc mơ và tìm thấy mục đích đời mình. Dù lý do là gì đi nữa, hầu hết chúng ta bị mắc kẹt vào “những công việc hàng ngày” và bỏ bẵng niềm đam mê của mình lại phía sau, hoặc trở thành nạn nhân của nỗi sợ thất bại hoặc tự nghi ngờ chính mình, không thể hành động và chấp nhận rủi ro. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. 

Julia Cameron là một tác giả đạt giải thưởng về phim, chương trình truyền hình, kịch và báo chí. Những bài viết của cô được tổng hợp và xuất bản 2 lần, cô cũng từng xuất bản tiểu thuyết ngắn và các bài phê bình. Cô đồng thời là nhà thơ, người dạy viết sáng tạo (creative writing) ở cấp sau đại học và các khóa học về sáng tạo trong hơn một thập kỷ. Cô là đồng tác giả (cùng với Mark Bryan) của cuốn sách best-seller The Artist’s Way và đồng thời là tác giả của A Spiritual Path, The Higher Creativity và The Vein of Gold: A Journey to Your Creative Heart.


Michael Toms: Julia, trong cuốn The Artist’s Way và The Vein of Gold, cô nhìn nhận về sự sáng tạo như một quá trình chuyển biến tâm linh. Cô có thể chia sẻ thêm về điều này không? 

Julia Cameron: Tôi nghĩ đó là một quá trình của đời sống con người, là một con người nghĩa là có tâm linh (“to be human is to be spiritual”). Trải nghiệm bản thân cho tôi thấy rằng tất cả chúng ta đều có khả năng sáng tạo. Đây không phải là điều chỉ thuộc về một số ít những người ưu tú, và cũng không phải là thứ có thể đong đếm về mặt trí tuệ. Cá nhân tôi không có sự phân biệt giữa “con người”, “tâm linh” và “sáng tạo”. Tôi nghĩ đó là khả năng thiên phú của chúng ta. 

Michael Toms: Thường thì chúng ta hay kềm hãm bản thân mình. Ta thấy những người khác có khả năng sáng tạo còn mình thì không. Cô nghĩ tại sao lại như thế? 

Julia Cameron: À, chúng ta được huấn luyện rất kỹ để luôn thấy rằng người khác mới là người có khả năng sáng tạo. Có một truyền thuyết rất phổ biến cho rằng chỉ một số người là thiên tài, và chúng ta thuộc phần còn lại – rằng những người nghệ sĩ đã biết mình là nghệ sĩ ngay từ lúc sinh ra, và họ giống như những con cá hồi bơi ngược dòng và chống lại tất cả đám còn lại. Chúng ta ít khi được thấy các nghệ sĩ nói chuyện theo kiểu giữa những người nghệ sĩ với nhau, mà thường chỉ được nghe họ nói chuyện với mình thông qua các phương tiện truyền thông. Thế nên, ta hay được nghe những điều đại loại như: “Steven [Spielberg] đã có cái máy quay phim đầu tiên vào năm 8 tuổi, và ông ấy luôn biết rằng mình sẽ trở thành một đạo diễn phim.” Ta nào có được nghe về chuyện ổng ngồi trong một phòng khách sạn ở New York, chán nản và sợ hãi, gặm bánh pizza và tự hỏi không biết mình có làm nổi bộ phim Close Encounters of the Third Kind hay không.

Tôi đã ở trong phòng khách sạn đó, chứng kiến ông ấy sợ hãi, và tất cả nghệ sĩ thường cảm thấy sợ hãi. Họ chỉ đơn giản là học cách đi xuyên qua nỗi sợ, nhưng truyền thuyết mà chúng ta được biết thường là: nếu bạn cảm thấy sợ hãi về sự sáng tạo của mình, điều đó có nghĩa là bạn đừng nên làm gì cả, bởi nỗi sợ đồng nghĩa với chuyện bạn không phải là một người nghệ sĩ thực thụ.

Michael Toms: Điều này nghe giống cuốn sách Feel the Fear and Do It Anyway của Susan Jeffer. Hãy làm bạn với nỗi sợ hãi để có thể đi xuyên qua nó?

Julia Cameron: Đúng thế, và tôi nghĩ rằng rất nhiều công cụ tôi dạy giúp mọi người là để đối trị lại với Censor bên trong khi nó bắt đầu nói: “Ngươi nghĩ ngươi là ai? Khả năng bán được cuốn sách này là bao nhiêu kể cả khi ngươi viết được nó? Ngươi sẽ chẳng bao giờ đủ tiền sống nhờ việc này. Ngươi đã quá già và sẽ trông hệt như một kẻ ngốc.” Cái tiếng nói mà ta nghĩ là có lý ấy thực chất chỉ là một kẻ ngáng trở từ bên trong (internalized wet blanket) và cố gắng ngăn cản ta thực hiện sự sáng tạo. Những công cụ mà tôi dạy cho phép mọi người nghe được tiếng nói đó như thể nó là của một nhân vật hoạt hình, như một người họ hàng ủ ê nào đó mà mỗi khi bạn nói, “Hãy đi picnic nào”, thì anh ta liền đáp, “Trời sẽ mưa đấy.” Đó là cách mà chúng ta nhận thức về việc làm nghệ thuật. Ta thường tự nói với chính mình rằng sẽ mưa thôi, mọi thứ rồi sẽ chẳng đi đến đâu.

Michael Toms: Tôi biết cô xem trọng các câu chuyện, câu chuyện của chính chúng ta. Tôi muốn biết câu chuyện của cô. Cô đã trở thành người viết như thế nào? Cô có thể kể ngắn gọn câu chuyện của mình cho chúng tôi nghe được không? 

Julia Cameron: Tôi không chắc lắm nhưng tôi sẽ cố. Tôi lớn lên trong một gia đình có 7 người con. Chúng tôi đều viết và vẽ. Thường thì nếu bạn sinh ra trong một gia đình đông con, khả năng sáng tạo sẽ được chia đều. Chị lớn của tôi, Connie, rất giỏi âm nhạc. Vì thế vào lúc tôi sinh ra thì âm nhạc giống như là đã bị “xí phần”. Người Mỹ thường có một tâm lý phổ biến về sự sáng tạo là mỗi người chỉ nên giỏi một lĩnh vực. Chúng ta nghĩ rằng nếu ai đó đã là một người viết thì không thể là một họa sĩ được. Anh không nên đi theo những thôi thúc sáng tạo của mình. Tôi biết rất rõ về điều này vì tôi phải là một người viết, bởi đó là “chỗ trống” duy nhất còn lại trong gia đình tôi. Chuyện này làm tôi mất nhiều năm để nhận ra rằng mình cũng là một họa sĩ giỏi như em gái tôi, Libby; đồng thời là một người viết nhạc tốt, như anh trai tôi, Christopher. Và rằng mọi sự đều bình thường khi bạn có tất cả những năng khiếu đó.

Michael Toms: Điều thú vị là những suy nghĩ như thế dường như chỉ xảy ra ở phương Tây. Vài năm trước, khi tôi tới Bali, một trong những điều làm tôi thực sự bất ngờ là mọi người làm tất cả mọi việc. Tất cả họ đều thế.

Julia Cameron: Tất cả mọi người đều làm thế. Đúng vậy, và đó là vì chúng ta có thể. Đó là điều mà các phương pháp của tôi muốn nói tới: “Hãy thức tỉnh đi nào các bạn, chúng ta đều có thể làm được.” Tất nhiên, điều này có hơi nghịch thường và chống lại chuyện “phân công lao động”. Đây không phải là điều mà các tổ chức nghệ thuật hay thậm chí là hệ thống các studio muốn chúng ra tin. Anh biết đấy, tất cả chúng ta đều tin rằng ai đó sẽ tới và nói với ta rằng ta là những nghệ sĩ thực thụ. Rằng nếu ta có tác phẩm được trưng bày, được xuất bản, được nêu tên trên tạp chí New York Times, nghĩa là có nơi nào đó đóng dấu xác nhận ta là “Nghệ sĩ”, thì mọi người sẽ phải tin vào điều này. 

Điều tôi nhận ra sau 30 năm là thực ra bạn chỉ đơn giản thực hiện, và chính điều đó sẽ A: khiến bạn hạnh phúc – lại một chuyện nữa ta không được dạy, và B: biến bạn trở thành một người nghệ sĩ. Và ngay cả khi bạn đã có trong tay đủ các loại chứng chỉ trên đời, vẫn sẽ có những đêm bạn băn khoăn về việc liệu mình có phải là một nghệ sĩ hay không. Thế cho nên, bạn phải học cách để cứ làm mọi thứ, dù thế nào đi nữa. Bạn cần hiểu rằng tâm trạng không quan trọng. Cũng giống như sex. Bạn có thể nghĩ rằng, “Tôi không hứng thú”, nhưng một khi đã bắt đầu, có thể bạn sẽ tìm thấy điều gì đó thú vị. Điều này cũng tương tự với sự sáng tạo. Nếu chúng ra cứ chờ đợi một tâm trạng hoàn hảo, sớm muộn thì ta cũng sẽ chết đói.

Michael Toms: Giờ có lẽ là lúc thích hợp để nói về một trong những công cụ của cô: Morning Pages (MPs). Cô có thể chia sẻ thêm về MPs không?

Julia Cameron: Tôi thường nói MPs là một hình thức thiền của phương Tây, bởi hầu hết chúng ta ghét phải ngồi im một chỗ. Thế nên điều bạn cần làm là thức dậy mỗi sáng – đây là lý do nó được gọi là MPs (Morning Pages – Trang Chữ Sớm Mai) –  và viết tay 3 trang giấy về bất cứ điều gì. Nói trắng ra là kiểu, “ôi trời ơi, khung cửa sổ bẩn quá đi mất. Mình ghét đường xá ở đây. Mình nghĩ Carol đã chôm ý tưởng của mình để ghi điểm trong buổi họp hôm qua. Mình còn chưa gọi điện cho chị mình nữa.” Đấy, kiểu như vậy đấy. 

Michael Toms: Vậy đó có phải là dòng chảy của ý thức (stream of consciousness) không?

Julia Cameron: Đó là dòng chảy của ý thức, hay nói cách khác là “dòng chảy của phàn nàn”. Dòng chảy của những điều lo lắng. Dòng chảy của những mối bận tâm.

Michael Toms: Và đừng sử dụng máy tính cho MPs, phải không?

Julia Cameron: À thì, mọi người sớm hay muộn cũng sẽ dùng thôi, nhưng trải nghiệm của cá nhân tôi và hầu hết những người mà tôi làm việc cùng đã cho thấy: có một điều gì đó trong chính chuyển động của tay trên trang giấy khiến ta chậm lại, cho phép ta kết nối với sự thật rõ ràng hơn so với lúc sử dụng máy tính/ máy đánh chữ. Tuy nhiên, nếu vì một lý do gì đó mà bạn không thể dùng bút hay bút chì để viết, thì hãy dùng máy tính /  máy đánh chữ.

Michael Toms: Điều này dẫn đến một câu hỏi – và cô cũng đã từng đề cập –  về chuyện hầu hết chúng ta cảm thấy mình không có đủ thời gian để sáng tạo.

Julia Cameron: Điều tôi thường được nghe là, “Julia, tôi không có đủ thời gian cho MPs, mất tới những 45 phút lận”. Điều mà MPs mang lại là cho bạn thấy một ngày mà bạn muốn trải qua sẽ như thế nào. Chúng có cách xếp ưu tiên cho ngày. Chúng giúp bạn nhận ra mình đã đánh mất thời gian cho những công việc của người khác ra sao. Chúng dạy cho bạn biết được khi nào bạn vướng vào những chuyện “nên làm”. Tôi nên làm điều này. Tôi phải làm điều nọ. Nhưng lại chẳng bao giờ tự vấn xem mình khao khát làm được gì trong ngày hôm nay. Đôi khi câu trả lời đơn giản chỉ là 15 phút đi bộ. Vì thế MPs giúp bạn có được chủ quyền với một ngày của mình. Nếu bạn viết MPs vào buổi tối, bạn sẽ phàn nàn về những chuyện mình trải qua trong ngày. MPs là bước chuẩn bị và nó giúp bạn có những khoảng thời gian lớn trong ngày. Nó cũng luyện cho Censor của bạn đứng qua một bên. Vì thế, khi bạn bắt đầu viết và Censor bắt đầu lải nhải, “Đồ tham lam, đồ tiêu cực, ngươi là thế này thế nọ,” thì bạn hãy nói, “Cảm ơn vì đã chia sẻ suy nghĩ nhé, đứng qua một bên nào” rồi cứ tiếp tục viết.

Khi bạn trải qua chuyện này hay chuyện khác trong ngày, đây cũng là một kỹ năng có thể áp dụng, để bạn có thể làm mọi việc và bớt trì hoãn. Sự cản trở vẫn xuất hiện, nhưng khi đó bạn sẽ nói “Chờ chút, giờ tôi phải làm cái này đã.” Nhờ vậy, bạn giành được quyền tự chủ với những khoảng thời gian trong ngày. Tôi thích câu hỏi đó. 

Michael Toms: Ồ, nó làm tôi nhớ những cơn lo lắng hay tới và nói:  “Tôi còn nhiều việc khác phải làm. Tôi còn nhiều cuộc hẹn nữa.” Vậy thì, thường cô sẽ mất bao lâu cho MPs?

Julia Cameron: Tôi khá nhanh. Tôi đã làm chuyện này cả triệu năm rồi. Tôi uống café lạnh. Tôi viết điên cuồng. 15 phút. Nhưng thường lúc mới bắt đầu bạn sẽ mất 45 phút, và sẽ dần trở nên nhanh hơn đơn giản là quen với việc di chuyển tay trên trang giấy. Khi mới bắt đầu viết MPs, anh có thể thấy mọi thứ giống như Mark Bryan – một cộng sự dạy học lâu năm của tôi – thường nói: “Chúng ta đừng nhìn vào không gian; chúng ta  nhìn vào thời gian.” Thế nên lúc mọi người đang viết, bỗng một điều gì đó khởi lên, và thế là họ sẽ nhìn vu vơ vào không trung. Tôi nhận ra là nếu anh đặt chuông báo hay cái gì đại loại thế, anh sẽ bớt nhìn vu vơ hơn. Nếu anh cho mình ít thời gian để viết hơn, anh sẽ tập trung hoàn thành nó. Anh hiểu ý tôi không?

Michael Toms: Đúng là thế. Có thời gian nhất định nào đó dành cho chuyện viết không? Và cả chuyện sáng tạo nữa? Hay cô có thể sáng tạo bất cứ lúc nào?

Julia Cameron: Ồ, bất cứ khi nào. Tôi suýt không hiểu câu hỏi đó, vì có một chuyện mà MPs làm được, đó là dạy anh cách thả lỏng – “thả xuống giếng” (drop down the well) hoặc băng qua một cây cầu để đến với nơi mà tôi gọi là vùng đất của trí tưởng tượng. Điều này có thể làm ở bất kỳ đâu. Tôi sáng tác nhạc và viết kịch bản phim trên những chuyến bay, có lúc là trong văn phòng của bác sĩ. 

Michael Toms: Trên giấy ăn của các nhà hàng.

Julia Cameron: Đúng thế, trên giấy ăn trong nhà hàng, mọi nơi. Sáng tạo không cố định vì chúng ta di động. Ta không cần phải có một không gian hay thời gian đặc biệt nào đó. Chúng ta đơn giản chỉ cần thả lỏng hơn để dễ dàng kết nối được với sáng tạo mà thôi. Đó là điều mà những công cụ này dạy bạn…


🔸 Trích dịch bài “Unlocking your creativity” (ghi lại cuộc trò chuyện của cô Julia Cameron cùng Michael Toms) trong sách “The well of creativity”

🔸 Bản dịch được đóng góp bởi Đỗ Quyên, Minh An (nhóm Viết Để Tự Do cùng Phiên Nghiên)

🔸 Mục TỪ TỪ ĐỌC giới thiệu những bài viết cần đọc từ từ. Cảm ơn bạn đã cùng đọc.

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s