
“Đôi khi mình cảm thấy bất lực. Mình nghĩ đến bài đầu tiên của The Artist’s Way, rằng điều gì hạn chế sự sáng tạo của bạn? Với mình có lẽ là sự diễn đạt bên trong của bản thân ra ngoài. Mình cảm thấy mình nói gì người khác cũng không hiểu. Hoặc là ai đó hiểu mình, không nghe mình bằng lời, bằng từ, thì hiểu. Còn những ai đọc từ nghe lời, đều không hiểu được mình, không hiểu ý mình muốn nói, và lòng mình ra sao. Nó hạn chế sự sáng tạo của mình.
Suy nghĩ của mình, lòng mình đầy tràn âm thanh màu sắc nhưng mình không diễn tả nó ra bên ngoài được, hoặc như khi mình giận mình buồn, mình cũng không diễn tả đúng nó. Mình luôn diễn tả sai lệch đi, nên tự chính mình đã cảm thấy không hài lòng với mình khi nhìn thấy cái mình diễn tả ra, chưa nói gì đến người khác nên nó hạn chế bản thân mình.
Quay lại việc nhìn thấy bản thân, nhìn thấy người khác, đầu tiên cần bắt đầu nhìn thấy đúng cảm xúc của mình hen, như mình đang tức giận hay mình đang buồn, hay mình đang vui, hay mình đang coi thường người khác. Rồi sau đó mình sẽ bắt đầu nhìn thấy nhu cầu của mình, mong muốn của mình. Và thường với những cảm xúc tiêu cực thì nhu cầu đó không được thỏa mãn do có 1 nỗi sợ hãi nào đó. Vậy nên nhận diện nhu cầu rồi, nghĩ cách khác để đáp ứng nhu cầu của bản thân mình mà không phụ thuộc vào người khác thì sẽ giúp mình giải tỏa được cái cảm xúc tiêu cực đó.
Sâu hơn thêm một chút nữa có lẽ là nhìn thấy đằng sau nhu cầu đó thực sự là cái gì? Cái gì sinh ra cái nhu cầu đó, cái nhu cầu đó có thật không, có cần thiết không, có hợp lí trong hoàn cảnh hiện tại không? Là quán tính hay là nhu cầu thực sự. Bản thân mình có thực sự có nhu cầu đó hay không? Hay nó từ đâu mà ra. Và ta sẽ hiểu thêm một chút nữa.
Đây là sự rèn luyện. Mình đang rèn luyện hằng ngày để mong có thể tạo một thói quen, rút ngắn thời gian phân tích nó khi mọi việc diễn ra.
Nói một cách khác, mình định hướng lại thói quen suy nghĩ. Mình làm chủ nó, không để nó dẫn mình chạy lung tung nữa.
Mỗi tối, mình sẽ lôi 1 cảm xúc tiêu cực và 1 cảm xúc tích cực trong ngày ra, phân tích lại. Nếu có thể phân tích càng sâu càng tốt, không thì tới chỗ nhu cầu là gì là cũng ok rồi.
Mình rèn luyện suy nghĩ mỗi ngày một chút, hy vọng rằng khi có 1 điều tương tự xảy tới, mình sẽ nhận diện nó một cách nhanh chóng hơn. Và như vậy, cách xử lí sẽ ổn thỏa hơn.
Tối nay bạn nhỏ nhà mình bảo: Mẹ yêu con, chỉ là mẹ hay la mắng con thôi. Ờ, và mình đã cảm ơn bạn nhỏ vì đã có thể nhận ra mình yêu bạn í dù mình còn thói xấu la mắng. Hì hì. Mà cảm ơn bản thân mình thì hơi khó hen. Thôi thì cảm ơn mình hôm nay đã nhận ra việc điều hướng suy nghĩ hen…”
• Trích đoạn từ bài viết của bạn Y. ngày 60+ sau hành trình 8 tuần Freewriting.
• Lời Phiên: Thực tập nhận diện suy nghĩ và cảm xúc của mình chính là thực tập cần thiết song song với Freewriting để hiểu mình và cuộc sống của mình hơn. Chúc bạn từng bước nở hoa sen nghen!
• Thực hành 8 tuần Freewriting: https://vietdetudo.com/8-tuan-freewriting