
Buổi trưa, người Mỹ hân hoan theo dõi một sự kiện trực tiếp trên truyền hình: SpaceX và NASA đưa người lên vũ trụ lần nữa sau 9 năm, đánh cược vào sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân đầu tiên (vâng, là Elon Musk) cũng như lấy lại chút danh dự trong cuộc đua vũ trụ khi không phải trả tiền để được “đi ké” một ghế trong tàu Nga nữa. Khi tầng tên lửa Falcon quay lại Trái đất và bỗng hạ cánh cái kịch, nhẹ nhàng, đúng chỗ, đúng giờ xuống tàu bay ngoài Đại Tây Dương, rất nhiều người đã khóc. Vô số bài toán đã được giải, vô số nỗ lực, tranh cãi và mâu thuẫn… để tạo nên thành công này. Đó là một nước Mỹ người ta từng biết.
Buổi chiều, vẫn là trực tiếp, nhưng về hàng trăm cuộc biểu tình bắt đầu có dấu hiệu bạo động và mất kiểm soát. Trong phim West World có một cảnh bình thường nhưng rùng rợn là khi tất cả điện thoại di động rung lên vì một tin bất ngờ. Chiều nay, điện thoại của tất cả 4 triệu dân chúng Los Angeles rung lên cùng một lúc, lệnh giới nghiêm chính thức được ban ra.
Người ta chẳng bao giờ được biết cái chết của một người có thể là mắt xích của nhiều chuyện không ngờ khác, kể cả nạn nhân cũng không thể biết, như câu chuyện sát hại cô gái giao gà ngày đó, vụ giết người yêu dẫn đến cuộc biểu tình Hong Kong, vụ Hồ Duy Hải gần đây, hay ở Mỹ bây giờ chính là cái chết của George Floyd – một anh da đen – dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng. Tôi không biết nói chuyện chính trị, kể cả những dòng chữ này, tôi chỉ muốn nói về con người, về khoảnh khắc đang chứng kiến, bởi tôi tin không phải vô tình mà ai đó ở chỗ mà họ đang ở. Tôi đang chứng kiến nhiều thứ đến nỗi đôi khi cảm thấy nó không thật, hoặc đồ rằng sẽ trôi qua đi như hàng nghìn vạn sự kiện trước, nhưng có lẽ hôm nay thì không.
Hôm nay trời mù, không quá nóng nên thuận tiện cho cuộc biểu tình. Cả ngày ồn náo tiếng kèn hơi, tiếng nổ (có lẽ là pháo) ai đó đốt, thi thoảng xen tiếng nhạc kiểu cổ động, xe cảnh sát cứ năm mười phút lại chạy qua một lần, liên tục với những tràng còi hụ lớn, trực thăng bay trên đầu như cảnh phim chiến tranh. Trong khu trung tâm, chỗ tôi đi chợ hôm trước, nay đã ken đặc người và người, dân và cảnh sát, với những khẩu hiệu lớn. Ở Việt Nam tôi hay nghe bảo, biểu tình ở Mỹ có xin phép hết đấy, nay tôi biết rằng không phải đâu.
Những banner bắt đầu được đốt giữa đường tạo thành những đám cháy nhỏ, những cửa hiệu bị đập phá tan tành, tất nhiên là có người nhân đó cướp bóc, một cảnh sát bị ghi hình bắn đạn cao su vào phóng viên đang trực tiếp… Chúng ta mong đợi gì, khi người đứng đầu đã bực bội rêu rao rằng có sẵn chó dữ và vũ khí khủng? Mong đợi gì khi những giá trị bên ngoài bỗng bị con virus bất ngờ tấn công rồi bóc dỡ như từng mảng vôi tường mục rớt, mở đầu cho những hồ nghi lột xác? Đây có lẽ là một nước Mỹ mà người ta không muốn được biết.
Đã có rất nhiều người Mỹ ngỡ ngàng, họ dành thời gian để nhìn lại mấy chữ tự do, nhân quyền, trách nhiệm và lòng yêu nước. Những chiếc mũ đỏ có thể làm người ta giật mình, và những lá cờ được giương lên không còn theo ý nghĩa đầu tiên của nó nữa.
“Can we all get along?” – Rodney King, nhân vật quan trọng trong vụ bạo loạn LA92 từng thốt lên như vậy. Có lẽ đây là bài học lớn của loài người, chứ không chỉ riêng nước Mỹ. Nếu những hình mẫu dẫn đầu đang chứa đầy độc tính, sự phân biệt, sự ngạo mạn, vô tâm không thèm ghé mắt tới “đôi giày” của người khác thì sẽ dẫn tới đâu, khi bản năng con người là muốn được dẫn dắt, khi hành vi phản ứng phụ thuộc vào kinh nghiệm và thông tin quá khứ (vốn là việc làm quá tốt của truyền thông), khi người phải học thì không chịu học, còn kẻ lợi dụng thì vẫn đang chơi tốt vai trò của mình? Tôi vẫn mòn mỏi tin ai đó có hiểu biết và quyền lực đang cố gắng can thiệp làm cho những chuyện này bớt đi dù tôi không được nhìn thấy. Tôi có quyền tin.
Nhưng có lẽ trước hết, mỗi người nên học cách nhìn sự việc như nó là, và nhìn nhau như những con người không nhãn hiệu. Hãy hiểu rằng mấy thứ nhìn thấy, gọi tên: Anh là cảnh sát, anh là da đen, anh là da trắng, anh là dân nhập cư, anh là người trả thuế… là vô nghĩa. Tâm phân biệt được bày ra như thứ bia dễ bắn để phân tán những điều khác sau sân khấu, nhưng rồi cũng sẽ đến lúc phải trả giá cho điều đó.
Mặt trời lặn dần, vẫn đẹp, chim vẫn cất cánh rúc đầu vào nách cây chuẩn bị ngủ, con người lẽ ra cũng được bình yên vậy… Loài người mau quên làm sao, dại khờ làm sao, ích kỷ làm sao, khi mới xuýt xoa trước hình ảnh Trái Đất xanh quý giá được truyền từ trạm không gian, chiều tối đã là súng ống và niềm giận dữ. Lẽ ra là an bình chứ không phải nỗi sợ hay những vết thương…
Có lẽ nhiều thế hệ đã được trao truyền quá nhiều vết thương, bạo lực và sự giận dữ hơn là bình an?
Phiên Nghiên
LA, 5.2020
#phiennghien #vietdetudo #những_điều_trông_thấy #chuyện_ở_Mỹ #humankind