
Mình thấy mâu thuẫn, bối rối. Có một cái gì đó rung lên bên trong, lưng và cổ nóng ran khi xem clip trào lưu cổ xúy Dream big. Ừ, hồi trước mình cũng trôi theo dòng chảy self-help, dream big, phát triển bản thân. Mình cười nhiều hơn, ăn to nói lớn hơn, có nhiều bạn bè yêu quý, “tích cực” hơn. Nhưng cũng đã một thời gian, mình thấy rợn da gà khi nghĩ đến những lời hô hào ngày ấy.
Phong trào self-help như liều thuốc kích thích làm mình rúng động thiệt rúng động. Self-help dạy mình cần phải hành động cho thứ mình muốn, rằng mình có thể ước mơ, có thể sống khác hơn so với ba mẹ mình. Self-help vô tình gọi lối sống của Ba Mẹ là “dream small”, như cậu bé xốc nổi vội vã kết luận về mọi thứ.
Self-help đã không sai khi muốn mình phát triển, nhưng self-help khi ấy (ít nhất là ở Việt Nam) đã vô tình lấy vật chất, tiền bạc làm trọng tâm, hô hào hạnh phúc là kết quả của sự giàu có, nổi tiếng, sự trọng vọng của mọi người xung quanh. Self-help tưởng cứ muốn là đủ sức làm và đạt được. Self-help bảo đặt mục tiêu phải có con số, “5 sau em có trong tài khoản 10 tỷ”. Self-help bảo đặt mục tiêu phải cụ thể, “em muốn năm sau em làm Sếp”. Self-help vô tình xem hạnh phúc là đích đến và xem lòng biết ơn và sự tử tế là công cụ để thu hút những điều như ý về mình. Self-help cũng vô tình xem mình là cái rốn của Vũ trụ, rằng nỗ lực bỏ ra như một cuộc đổi chác với đất trời: Tôi bỏ ra ngần ấy công sức thời gian, đã thức đêm làm việc khi người khác ngủ, đã hy sinh thời gian với gia đình, bạn bè, tôi nhất định phải có được điều dự tính ban đầu. Tôi phải… tôi phải… tôi phải…
Self-help bảo hãy là chính mình, nhưng self-help cũng định hình luôn phải là phiên bản mình-sôi-nổi, mình-tích-cực, phải “mạnh dạn” lên, phải… phải… phải… Cho nên không lạ gì bỗng dưng một hôm có nhóm các bạn trẻ với ngữ điệu chung “Mình phải nỗ lực… phải thành công… phải ước mơ…”, trăm như một.
Self-help giúp mình đập lớp vỏ tư duy theo lối sống phải ổn định nhưng cũng xây một lớp vỏ bọc khác – ngạo mạn, “hướng ngoại”, tư lợi. Đã có lúc người ta tuyển những nhân viên náo nhiệt, nhanh nhảu như mình, xem mấy đứa chậm rãi là ù lì, thụ động, không có hoài bão, không biết quý trọng thời gian. Mình cũng vậy, cũng âm thầm phán xét họ là “những người thất bại”.
Rồi đến lúc tự hỏi “Sôi nổi rồi, nói hay rồi, rồi sao nữa?” Sao nỗ lực hoài mà không vui? Sao khổ hoài? Sao mệt mỏi thế này? Là mình lười biếng chăng? Phải cố hơn nữa? Rồi cũng đến lúc thấy có bạn nói cái “ngữ điệu chung” đấy sao mà giả tạo thế, sao mà có gì đấy chênh vênh, trống rỗng thế? Vậy là phải cố thêm nữa chăng? Rồi cố rồi biết chừng nào mới xong? Đâu là cái đích? Khi nào thì vui? Khi nào thì có quyền được ăn ngon, ngủ ngon mà không lo lắng? Ủa sao con nhỏ ù lì kia lại đang ăn ngon? Không lẽ mình phải “sống thất bại” như nó thì ăn mới ngon? Không lẽ đạp đổ hết những thứ mình đã xây nên, nắm giữ? Thôi thì cố thêm tí nữa, rồi sẽ có ngày…
Rồi mệt quá. Thôi kệ luôn. Cóc cần. Thành công cái con khỉ khô. Ước mơ đam mê cái củ khoai lang. Sách self-help hả, cho lên tầng trên cùng. Mấy đứa nói lời xàm ngôn dẹp sang một bên. Tao mệt rồi. (Huhu thật dữ quá đi mà).
Self-help như anh người yêu gà bông của mình vậy. Ở đấy mình all in không ranh giới, phấn khích tột cùng vì ít ra đã thoát khỏi cái chân trời cũ kỹ (dẫu sau đó tuột máu luôn haha). Tuy nhiên mình thấy đấy là giai đoạn cần, nếu quay lại chắc… mình cũng không thay đổi (nhưng nếu với hiểu biết như bây giờ, chắc mình move luôn sang bên này cho nhanh chứ ta?!) À không, như một sự tiến hóa cùng với bạn bè đồng trang lứa, mình cũng lại đi qua self-help, gặp những người cuồng self-help, đánh mất mình vì self-help. Vài người ít ỏi nhận ra đã đến lúc phải chia tay tình yêu gà bông, họ chuyển mình, họ đằm thắm, họ dịu dàng, họ thấu hiểu, họ ít nói chuyện với mình nhưng khi cần, họ vẫn nhắn tin hỏi thăm. Bọn mình vẫn dành cho nhau những tình cảm thân thương. Vậy là sau tất cả thì còn lại vài người anh em. Tất cả chúng mình đều là những đứa con thương yêu của Vũ trụ đang đi tìm kiếm một sự “lớn lên”, một điều gì đấy…
Nếu mình lúc ấy âm thầm thế mà lúc này còn tự thấy có phần mắc nhục, xấu hổ, lố bịch thì hẳn anh Trí, người thành lập cả một công ty phát triển bản thân cho bao nhiêu là học viên, đã cảm nhận một nỗi day dứt to bự đến nhường nào. Chắc đau lắm, nhói lắm. Nhưng cám ơn anh đã lớn lên, cám ơn anh đã xin lỗi, cám ơn anh đã gỡ rối cho những tâm hồn lạc lối vì những tháng ngày lỡ có sa ngã vào lưới tình Big Dream.
Bây giờ mình thả trôi lý tưởng của người khác, chỉ giữ lại những công cụ mà “anh người yêu gà bông” Self-help đã trao: bài học về hành động, về sự hệ thống, thói quen đọc sách, những kỹ năng giúp mình trông rạng rỡ (nhưng lâu lâu xài thôi chứ hem có xài từng giờ từng phút từng giây đâu à nghen). Mình hông thể một mình thay đổi hay tạo nên gì cả nhưng mình là một trong những nhân tố góp phần tạo nên một gì xảy ra mà.
Mà khoan đã. Tất cả dừng tayyyyyyyy.
Vì mình là tương tức, mình khi ấy thế nào thì khơi ra và nhận lại từ “anh người yêu gà bông” điều ấy. Cho nên, thôi anh sao cũng được. Chắc giờ anh self-help đã lớn lên nhiều và tinh tế hơn. Chắc thế, mình không biết nữa. Mình hôm qua hôm kìa hôm kịa còn thấy muốn làm này làm nọ, hôm nay đã lại chả biết là muốn gì nữa rồi. Là muốn bình an như thầy tu hay muốn chơi trong sân chơi tiền bạc? Là muốn lặng lẽ sau quầy bar hay muốn làm một writer?
Sao phải chọn, sao phải là ai, sao phải khiên cưỡng?
• Bài của Ngọt, ngày viết thứ 33 trong chuỗi 8 tuần thực hành freewriting.
• Lời Phiên: Có lẽ nhiều bạn 8x, 9x cũng như mình và Ngọt, đã đón nhận làn gió self help và Dream Big theo một cách nào đó. Mình từng mời nhân vật trong clip về trò chuyện với sinh viên mười mấy năm trước, từng đi học những công cụ “phía ngọn” với tất cả lòng háo hức, rồi một ngày nhìn thấy mặt người trong giờ tập luyện nụ cười kỹ thuật, mình đã tan nát bởi không khí giả tạo, đã vỡ ra mình phải hiểu “gốc rễ”, phải hiểu mình, và không để người khác định nghĩa sự thành công của mình. Dù sao cũng cảm ơn tuổi trẻ dấn thân, phải có bài học rồi từ đó trưởng thành hơn.
#cungvietdetudo #vietdetudo #8wfreewriting #healingjourney