ở mấy bước ngoặt

“Ở mấy bước ngoặt, càng nên tỉnh táo.”

Vẫn là thời gian đi nhìn ngắm thế giới, được quan sát những nhóm bạn hữu từ mỗi ngày giản đơn là sống, những cộng đồng đấu tranh cho tinh hoa trí tuệ bởi chọn nó là con đường, những hội đoàn tin rằng chỉ có “đạo” – con đường tâm linh tinh thần – là cứu rỗi, những nhóm bạn trẻ đang ở chỗ quanh co đời mình như hướng nghiệp chọn nghề và ngước nhìn những người được gọi là “thành công”… Bước ra ngoài những lao xao đó, mình càng tin thêm rằng, người ta, ở mỗi bước ngoặt, càng phải nhắc mình nên tỉnh táo.

Giữa thời đại mọi thứ đều có thể được dễ dàng sơn phết và thổi phồng, giữa rất nhiều chuyện đã gặp, những từ khóa này dạo gần đây mình nghĩ là nên tỉnh táo kiểm tra nguồn thông tin khi được ai đó giới thiệu đến: dự án, tổ chức, nổi tiếng, tổng giám đốc, đa quốc gia, phi chính phủ, lãnh đạo, chứng nhận, tài trợ, học bổng, nhà văn, phát triển cá nhân, hướng nghiệp, chữa lành, thiền, tâm lý trị liệu, tư vấn gia đình, truyền lửa… Viết để nhắc mình là cái gì người ta cũng có thể make-up lên vì nhiều mục đích, nên tốt nhất là găp nhau và cảm thử có hợp rơ không, chứ qua FB email tin nhắn ai mà biết được. Nếu làm cùng 1 thời gian rồi người ta thay đổi cũng ko sao, vì quan trọng là đã từng chung vui rồi. Và hỡi những ai nếu nhận làm bất cứ thứ gì thuộc tinh thần, ảnh hưởng tinh thần người khác, hãy cẩn trọng hết sức ở những nút mở, những lớp vỏ, và những hậu quả của việc làm ko tới nơi tới chốn… Bởi lúc đó cũng là lúc bạn mở chính bước ngoặt của họ, hoặc của chính bạn.

Với một con người, những bước ngoặt, hay là những chỗ rối của cuộn chỉ, những xoáy nước trong bản đồ dòng sông cuộc đời, là khoảng thời gian có thể chơi vơi, có thể chán nản, có thể quá nhiều lựa chọn hoặc không có gì để lựa chọn… Với một con người, mang bản năng/nhu cầu cần được dẫn dắt, bước ngoặt chính là chỗ đuối nước, là hố hẫng chân, là lúc người ta dễ bị cuốn theo một thứ nào tựa ánh sáng lấp lánh, tựa bàn tay đưa, tựa cơn gió mát ngang qua, vài thứ cho cảm giác để ngỡ rằng mình (được) hiện diện. Lúc đó, cần lắm sự tỉnh táo để lựa chọn. Cần tỉnh táo để lật đi lật lại những gì mình đang đọc, đang nghe, đang chứng kiến, và nếu quyết để nó có liên quan đến đời mình thì nên tìm hiểu mọi thứ quanh nó / bên trong nó nhiều nhất có thể.

Bạn hỏi, làm sao biết được điều gì đúng để đi theo? Vài người may mắn có được cái “sense” về con người, gặp là biết gợn, biết có chuyện không ổn đang giấu đâu đó. Nhưng có người không nhận ra ngay, phải qua thời gian hay đụng chuyện. Có người đụng chuyện rồi còn ngụy biện dùm, rằng người ta thành công như vậy thì làm thế để làm gì? “Thành công” là một lớp vỏ tạm và “Con người có thể trở thành bất kỳ thứ gì!”, làm sao mà mình hiểu nổi, nên chỉ tỉnh táo để hiểu mình, xem mình có thực cần trải nghiệm này không? Tin vào chính mình, chứ không phải cảm giác đúng – sai, hay – dở đang cố phân biệt mọi thứ, bởi nào có đúng – sai rạch ròi, chỉ là chọn – để – trải – nghiệm.

Trải nghiệm là thứ khó có thể học cạn cùng qua lời kể, qua người khác, cho nên khi quyết định là mình cần trải nghiệm này trong cuộc đời, hãy chuẩn bị luôn những thứ “hàng đính kèm” như một tấm lòng khoan dung, một trái tim dám chịu tổn thương, dám mở rộng, một tinh thần dám đổi diện với chính mình.

Dù có nhiều bước ngoặt, nhưng lần nào với mình cũng như lần đầu. Vẫn là những băn khoăn thơm mùi nắng mới, những quen lạ của mùi đất khô dài gặp cơn mưa đầu tiên. Dù đã gỡ nghìn cuộn chỉ, đây vẫn là một cuộn chỉ khác, dù đã ghép nghìn tấm ảnh, đây vẫn là một tấm ảnh khác, có may chăng là ở chỗ biết mình nên đối xử với chính mình như thế nào nếu chỉ có lỡ đứt một vài nùi, hay lỡ rớt mất đâu đó vài mảnh ghép…

Bởi mình hiểu, ở mấy bước ngoặt, nhiều vết sẹo lấp lánh sẽ in hằn, và chắc chắn sẽ phải gửi lại một điều gì đó, lộng lẫy và đau thương…

#phiennghien 3/2016
#vietdetudo
#soultalks#hiểu_mình_journey#những_điều_trông_thấy

Ảnh chụp ở bước ngoặt Queenstown, #New_Zealand.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s