
Đọc xong một quyển sách thì mình có Note Đọc. Với fiction, mình không tập trung kiểu review như trước nữa (dù vẫn thích tìm hiểu bối cảnh, tác giả, các chi tiết liên quan) mà tận hưởng cốt truyện, đi cùng nhân vật xong rồi quay đầu nhìn lại những gì đang học và thực tập trong giai đoạn đọc quyển sách đó, tạm gọi là self-reflection qua sách.
Chia sẻ cùng bạn chiếc Note Đọc gần nhất, sau quyển “Một họa sĩ phù thế” của Kazuo Ishiguro (no spoiler)
1/ Emotional Boundaries – Chi tiết “Yêu cầu được bí mật”:
Thi thoảng một họa sĩ cảm thấy tác phẩm của mình có thể bị cản trở bởi những nhận xét trước khi được hoàn thành, anh ta sẽ có “Yêu cầu được bí mật”, không ai được nhìn vào bức tranh cho tới khi họa sĩ cho phép để bảo toàn cảm xúc, ý tưởng và hoàn thành nó tốt nhất.
>> Nó nhắc mình một thực hành mà khi tới U30 mình mới ý thức rõ ràng lẫn thực hành một cách có ý thức: Emotional Boundaries – Thiết lập ranh giới cảm xúc để bảo vệ chính mình và nuôi dưỡng mối quan hệ được dài lâu. Nó trái với thói sống “đoán ý, nhìn mặt mà hiểu và đối xử”, bởi giận hay dỗi là cảm xúc bình thường ai cũng nhận ra, nhưng mình cần được đối xử như thế nào và mình cần gì để mọi điều thông suốt thì cần có nỗ lực giao tiếp, thực hành trong tôn trọng. Cần trung thực với nhu cầu cảm xúc của mình, thẳng thắn, can đảm bảo vệ nó đồng thời tin rằng người khác thực sự vô tư không biết và họ cần được biết rõ ràng. Mỗi ngày mình còn thấy mình khác đi thì sao ai tự hiểu cho được? Càng chân thật với mình thì càng dễ thực hành EB và ngược lại, càng thực hành EB thì dễ chân thật và tôn trọng nhu cầu của người khác.
2/ Triggers – Chi tiết mùi cháy:
Mùi cháy trong ký ức của nhân vật chính, một họa sư người Nhật phụng sự cho đế quốc Nhật trong WWII, có thể làm ông bồn chồn, bởi nó gắn với mùi bom rơi và lửa đạn và những ám ảnh lỗi lầm trong sự nghiệp. Nhưng thực tế trong bối cảnh được tả, mùi cháy đơn giản chỉ là hàng xóm đang dọn vườn đốt lá trong một khung cảnh cuộc sống mới.
>> Nó nhắc về khái niệm Triggers – Những thứ đang xảy ra có khả năng kích hoạt các chấn thương cũ, có thể dẫn đến những phản ứng (reaction) gây thêm chấn thương mới, hoặc lòng vòng không thoát ra được khỏi ‘bộ tứ siêu đẳng’ shame, guilt, fear, hurt. Nhìn và hiểu được cái gì trigger mình chính là bắt đầu của tự do. Để bắt đầu nhìn và hiểu thì phải tập chánh niệm.
3/ Self-compassion – Thương mình trong phù thế:
Ở đoạn cuối, có đoạn hai ông họa sĩ già uống trà trò chuyện với nhau, “Không cần phải tự trách mình thái quá như vậy đâu, ít nhất chúng ta đã hành động theo đức tin của mình, và đã cố gắng hết sức. Chỉ là, rốt cuộc chúng ta hóa ra cũng chỉ là những người bình thường. Những người bình thường không được phú cho sự thấu suốt. Chúng ta đơn giản là không may khi làm những người bình thường trong những thời đại như thế.”
>> Nó nhắc về Self-compassion – Thương mình trong hiểu biết, gồm Mindfulness tập nhìn chuyện trong một thái độ không phán xét (hoặc bớt đi càng nhiều càng tốt), với Common Humanity là hiểu rằng những dằn vặt kia cũng là một phần của mình bởi mình là con người bình thường, và với Self-Kindness là chọn đối xử với chính mình tử tế, biết nhu cầu của mình và chấp nhận bản thân, hiểu rằng mình đã cố gắng hết sức rồi.
Hiểu rằng phù thế là đóm lửa đẹp rồi tàn, là hợp trong một đêm rồi tan biến vào sớm mai cũng là nhắc về cả vô thường, hư vô và cách mình đang sống trong vũ trụ luôn dịch chuyển.
Niềm hoài nhớ là không tránh khỏi, cũng không cần tránh, nhưng tự ý thức rằng mình ở đây bây giờ mới là điều đáng quan tâm nhất!
Chia sẻ cùng bạn,
Phiên Nghiên
CA, 2/2023
Nếu bạn có hứng thú với các quyển sách chủ đề ở trên, mời bạn ghé Tiệm sách bà Phiên để ôm sách về nhé.