Khi mọi thứ ngày càng đáng sợ (p2)

Bài phỏng vấn Jack Kornfield của David Marchese, giai đoạn đầu tiên dịch Covid 2020 trên NYT
Xem lại phần 1 tại đây
+++++

Jack:

Trong truyền thống Phật giáo, có những người được gọi là bồ tát. Bồ tát luôn phát nguyện làm vơi bớt khổ đau và mang lại phước lành trong mọi hoàn cảnh. Họ chọn sống với phẩm hạnh, dũng khí và lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh. 

Điều tuyệt vời là chúng ta có thể thấy các vị bồ tát ở quanh mình. Ta thấy họ trong sự dũng cảm của các nhân viên y tế, hoặc những người lái xe tải và xếp đồ ăn lên các kệ trong cửa hàng để ta tiếp tục có thực phẩm. Và giờ là lúc để ta thêm chính mình vào điệu nhảy tuyệt vời này. Đây là lý do tại sao ta ở đây. 

Đã đến lúc phát nguyện, ngồi trong tĩnh lặng, lắng lòng và hỏi: “Mong muốn lớn nhất của tôi, khát vọng cao quý nhất của tôi trong thời điểm khó khăn này là gì?” 

Nếu anh tĩnh lặng, trái tim anh sẽ có lời đáp. Câu trả lời có thể rất đơn giản: “Tôi nguyện tử tế với bất cứ điều gì.” Và khi anh nghe thấy câu trả lời từ bên trong mình, hãy viết nó xuống và đặt ở nơi mà anh sẽ ghi nhớ. Những lúc cảm thấy lạc lõng hoặc bối rối, hãy hít thở và nhớ đến điều này. Đã đến lúc ta cần trở thành ngọn đèn trong bóng tối, David. Chính ở nơi người ta tích trữ của cải, ta hãy mở lòng giúp đỡ. Chính ở nơi người ta thờ ơ, ta hãy tử tế và tôn trọng lẫn nhau. Đó là những gì mà chúng ta với tư cách loài người có thể làm trong thời khắc này.

Kornfield và Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Trung tâm thiền tập Spirit Rock ở Woodacre, California vào năm 2001

David:

Đây là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn đối với các nhân viên chăm sóc sức khỏe và gia đình của họ. Làm cách nào để ta có thể xoa dịu tinh thần cho họ?

Jack:

Con rể tôi làm việc trong một sở cứu hỏa thành phố. Giống như nhiều người ở tuyến đầu, cậu ấy không có khẩu trang. Khoảng 80% công việc của cậu ấy là các cuộc gọi y tế khẩn cấp. Và hôm nay tôi đã dành thời gian trò chuyện với Vivek Murthy (5) – người thay mặt cho các bệnh viện và nhân viên y tế – đang vận động để họ được trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân và máy thở mà họ cần. Gia đình cậu ấy đều là bác sĩ và họ không có thiết bị bảo hộ. Vậy tôi có thể nói gì với tất cả những người này? Tôi thấy mình xúc động. Tôi có thể nói rằng bất chấp nỗi sợ hãi và khả năng tử vong hoặc lây nhiễm cho những người xung quanh, thì đây là những gì anh được đào tạo để làm. Đây là lời thề mà anh đã chọn. Chúng ta đã chăm sóc cho nhau qua những đợt dịch bệnh trước đây, và bây giờ là lúc ta phải làm điều đó một lần nữa. 

Đừng cảm thấy mình cô đơn. Hãy để trái tim rộng mở, và cảm nhận mạng lưới các bác sĩ, y tá và những người tuyến đầu trên khắp thế giới, những người sẵn sàng phục vụ nhân loại. Chúng ta đang chỉ ra cách ta có thể chăm sóc lẫn nhau khi lâm vào khủng hoảng. Ta có đội ngũ hàng triệu người tình nguyện kết nối với nhau và nói rằng, “Chúng tôi biết cách làm điều này.” Tôi có thể rơi lệ khi nói điều này, bởi nó không phải thứ nói chỉ để nói. Đó là sự thật. David, tôi muốn ngưng lại một chút.

David:

Chắc chắn rồi. 

Jack:

Mọi thứ với anh thế nào?

David:

Ý ông là về chuyện gì?

Jack:

Anh có đang có được những gì anh muốn và cần không?

David:

Ồ vâng, tôi nghĩ vậy. Thành thật mà nói – và tôi không có ý thiếu chuyên nghiệp – thử thách đối với tôi lúc này là đặt câu hỏi cho ông mà không biến cuộc nói chuyện này thành những gì chỉ liên quan đến tôi và cảm xúc của tôi.

Jack:

Không sao cả. Điều đó có lẽ sẽ làm mọi người thấy thú vị hơn. Tôi muốn mọi thứ thật sự hữu ích, David.

David:

Chà, nếu ông sẵn lòng cho phép tôi, thì: Tôi cảm thấy mình đủ may mắn khi không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào, và tôi đang làm tốt vai trò của một người chồng, người cha trong thời điểm kỳ lạ này. Thế nên tôi ổn. Tôi may mắn, và tôi ổn. Nhưng ngay bên dưới cảm giác ổn đó là một sự căng thẳng của nỗi sợ và sự bất định . Tôi không biết câu hỏi của mình là gì. Tôi đoán là tôi chỉ muốn ai đó nói với mình rằng việc có những cảm xúc mâu thuẫn đó – và cảm giác tội lỗi về việc thấy sợ hãi trong khi đang tương đối may mắn – cũng ổn thôi.

Jack:

Anh cảm thấy thế nào khi nói ra tất cả những điều đó với tôi? Tôi đoán là nó hữu ích vì anh đang nhận thức được rằng: “Tôi đang ổn. Mặc dù virus đang hoành hành khắp thành phố New York, nhưng tôi vẫn có một công việc và gia đình tôi trong thời kỳ giãn cách này”. Anh có thể cảm nhận tất cả những điều này. Anh có thể cảm thấy tội lỗi. Tất cả những điều đó là tự nhiên, và chẳng ích gì khi ta phán xét các cảm xúc, bởi ta không tự tìm đến chúng. Chúng phát khởi. Nhưng điều mà anh có thể làm, như anh đã vừa làm, là nhận thức được rằng tất cả đều là một phần của con người và chánh niệm có thể ôm ấp chúng. Sau đó, anh có thể hỏi, “Làm cách nào để tôi ôm ấp khoảnh khắc này?” Anh đang chăm sóc nó bằng cách làm công việc của mình, đó là cái biết. Anh đang chăm sóc gia đình mình. Và nhận thức của anh về điều này rất hữu ích. Nó có thể khiến những người khác cảm thấy là, “Oh, it’s ok to be a human being” (“Ồ, việc ta là một con người cũng ổn mà.”)

David:

Làm thế nào để chúng ta có được sự cân bằng giữa việc chấp nhận rằng ta có rất ít quyền kiểm soát với tư cách một cá nhân trong tình huống này và việc không để sự chấp nhận đó trở thành sự cam chịu?

Jack:

Đó là một câu hỏi hay. Nó được đưa ra theo lối người rơm: Hoặc ta chấp nhận mọi thứ theo cách của chúng và không cố gắng thay đổi bất cứ điều gì, hoặc ta nhận ra mình phải thay đổi toàn bộ thế giới – điều sẽ là một gánh nặng. Thực tế là con đường ở giữa (trung đạo). Tôi trở lại một chút với lời nguyện cầu bình an (6). Tương tự như thế, với đại dịch này, ta phải chấp nhận vị trí của mình, sự bất định của nó, và rồi ta nói, “Được rồi, tôi sẽ giữ tâm an tịnh và xem tôi có thể cống hiến bằng cách nào”. Nếu anh là một nhà khoa học, anh sẽ cống hiến trong phòng thí nghiệm của mình. Nếu anh là một nhà thơ, giống như những người hát từ ban công ở Ý, hãy để những bài thơ của anh khiến trái tim người khác rung động. Nếu anh có khả năng, hãy mua thực phẩm, đồ dùng cho hàng xóm của mình. Như vậy, đó không phải là sự thụ động. Trong Thiền, người ta nói chỉ có hai điều: anh ngồi xuống, và anh quét dọn khu vườn. Vì thế, anh làm cho tâm trí tĩnh lặng và một khi đã thực hiện điều đó, anh đứng dậy và chăm sóc khu vườn với những món quà mà anh đã được trao.

David:

Khi ông đề cập đến lời nguyện cầu sự bình an, nó khiến tôi nghĩ đến các chương trình phục hồi và ý tưởng về chuyện sống trọn vẹn mỗi ngày. Sự bất định của chuyện đại dịch, giãn cách xã hội và cách ly sẽ kéo dài trong bao lâu là phần lớn của điều đáng lo ngại. Thật khó để tưởng tượng về tháng thứ 3 liên tiếp của những chuyện này, ông biết đấy?

Jack:

Hãy để tôi hỏi anh một câu.

David:

Được thôi.

Jack:

Khi anh sống trong những suy nghĩ mang tính suy đoán kiểu: “Chuyện này sẽ kéo dài bao lâu?”, “Liệu mình có vượt qua được 3 ngày nữa hay 3 tháng nữa không?” Chúng khiến anh cảm thấy thế nào?

David:

Tôi biết được chuyện này sẽ đi về đâu.

Jack:

Suy nghĩ đó có hữu ích theo một cách nào đó không?

David:

Không.

Jack:

Được rồi. Chúng ta chỉ đang cố gắng trở nên nhân bản, thực tế và khôn ngoan trong cuộc phỏng vấn này, phải không? Thế nên, hoặc là anh có thể dành thời gian để lo lắng – điều mà anh vừa nói là không có ích gì – hoặc là anh có thể nói: “Tôi không biết chuyện này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng hãy để tôi làm công việc tuyệt vời nhất mà tôi có thể làm. Hãy để tôi trau dồi các cuộc phỏng vấn của mình. Hãy để tôi ở bên cạnh vợ con tôi. Hãy để tôi sống trọn vẹn trong cuộc đời này”. Đó là ý nghĩa của việc sống trọn vẹn từng ngày. Điều quan trọng là anh không cần phải tin vào tất cả những suy nghĩ của mình. Anh có thể lựa chọn những điều hữu ích.

Jack Kornfield & Thich Nhat Hanh – Mindful Walking

David:

Ông đã từng trải qua hơn một năm tịnh khẩu tại một tu viện (7). Đó rõ ràng là tự nguyện, nhưng ông có thể chia sẻ bất cứ điều gì về cách thích nghi với tình trạng mất kết nối và cô đơn không?

Jack:

Tôi không muốn đặt ra bất kỳ lý tưởng nào vì tính khí ta khác nhau. Thay vào đó, tôi sẽ nói rằng, khi ở trong sự cô đơn hoặc cô lập, hãy để bản thân tìm ra cách nuôi dưỡng chính mình. Có thể là nghe nhạc hoặc xem những bộ phim cũ hoặc đọc sách. Mọi người sẽ cảm thấy rằng họ dường như muốn “phát điên”, nhưng nếu họ nhìn kỹ, sẽ có những khoảnh khắc trở nên tĩnh lặng hơn. Những khoảnh khắc của sự hiện diện hoặc sự hài lòng sẽ xuất hiện mà không bị ngăn cản, bởi vì chúng ta đã yên lặng. Và nếu anh có thể, hãy cho mình dừng lại trước khi tự đánh lạc hướng bản thân bằng việc xem một video chẳng hạn, và nhận thức rằng: “Tôi đang phát điên lên đây”. Hãy hít thở, và ôm ấp cảm giác bồn chồn đó. Hãy cho phép nó được ôm ấp với lòng từ, và nó sẽ bắt đầu lắng xuống. Làm điều này sẽ mở ra cho anh một cái gì đó bí ẩn hơn. Anh sẽ nhận ra: “Tôi có thể chịu đựng được điều này. Có lẽ tôi có thể xoay sở dễ dàng hơn một chút”. Sự chú ý này được các nhà khoa học thần kinh gọi là mở rộng cửa sổ của sức chịu đựng.

David:

Ông có cảm thấy khó thực tập chánh niệm hơn trong những ngày này không? Mặc dù tôi đoán có lẽ ông đã vượt qua chuyện đó lâu rồi.

Jack:

Cho tôi xin đi, David. Tôi lo lắng về cái chết. Tôi gần 75 tuổi rồi. Tôi đã có nhiều phước lành, và theo nhiều cách khác nhau, tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng để chết, nhưng tôi biết tôi không muốn bỏ lại con gái, những đứa cháu và vợ tôi. Nhưng khi thời điểm đến, tôi sẽ buông tay. Vì vậy, không ai vượt qua bất cứ điều gì. Tất cả chúng ta đang ở chính xác nơi chúng ta cần ở.

(HẾT)

Jack Kornfield on front page of the Manila Times 1969. Photo courtesy of the Spirit Rock Center

Điều quan trọng là anh không cần phải tin vào tất cả những suy nghĩ của mình… Anh có thể lựa chọn những điều hữu ích.

Jack Kornfield

(5) Một cựu bác sĩ phẫu thuật người Mỹ, người đã phục vụ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama

(6) Nhà thần học Reinhold Niebuhr nói: ‘‘Lạy Chúa, xin hãy ban cho chúng con sự bình an để chấp nhận những điều không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều nên thay đổi, và sự khôn ngoan để phân biệt điều này với điều kia.”

(7) Đây là một trong giai đoạn trong khoảng thời gian Kornfield được đào tạo tại một tu viện Miến Điện của nhà sư Phật giáo Nguyên thủy Mahasi Sayadaw U Sobhana.


🔸 Trích dịch “Things keep getting scarier. He can help you cope.” trên New York Times (David Marchese)

🔸 Bản dịch được đóng góp bởi 💜 Anh Khoa, Minh An 💜 (nhóm Viết Để Tự Do cùng Phiên Nghiên) Nếu bạn muốn tình nguyện dịch bài thì inbox cho page @vietdetudo nhé.

🔸 Mục TỪ TỪ ĐỌC giới thiệu những bài viết cần đọc từ từ. Cảm ơn bạn đã cùng đọc.

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s