
Trong giai đoạn biến động này, phần đông chúng ta – trong đó có tôi – đều cảm thấy sợ hãi, lo lắng và đau buồn. Và tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta có thể cần vài sự giúp đỡ để kiểm soát những suy nghĩ và cảm xúc khó khăn ấy. Tôi vẫn luôn muốn trò chuyện với một người có thể giải đáp những câu hỏi với sự thực tế và trí tuệ, sự thông thái vững chãi, vậy nên tôi đã liên lạc với Jack Kornfield, người đã mang lại điều đó cho tôi và cho rất nhiều người khác trong các hoạt động suốt nhiều năm qua. Là một nhà tâm lý học trị liệu và tác giả của những cuốn sách triệu bản, Kornfield là một trong những người tiên phong tại Mỹ khi nhắc về chánh niệm, người đã giúp phổ biến những phương pháp thực tập từng được coi là kỳ bí một thời mà ông được học hơn 50 năm trước khi bắt đầu được đào tạo như một tu sĩ Phật giáo. “Dịch bệnh là một phần của vòng xoay cuộc đời trên hành tinh này”, Kornfield nói. “Sự lựa chọn mà chúng ta có nằm ở cách ta phản ứng. Ta sẽ chọn phản ứng với sự căm ghét, hận thù, sợ hãi và vô minh? Hay với lòng rộng lượng, sự thông suốt, vững chãi và tình thương?”
+++++
David:
Các độc giả của bài viết này có thể đang lo sợ về chuyện bản thân họ hoặc người thân bị nhiễm Covid-19. Liệu có điều gì đó – dù nhỏ thôi – mà ông có thể chia sẻ để giúp tất cả chúng ta cảm thấy an ổn hơn một chút không?
Jack:
David ạ, điều cần thiết trong những thời khắc như thế này là cách ta giữ cho tâm mình vững chãi, cũng là điều quan trọng trong câu hỏi của anh. Bước đầu tiên là cần nhận thức và sẵn lòng sống trong hiện tại. Anh có thể tự nhủ rằng, “Nỗi buồn, nỗi sợ, sự lo lắng, sự đau buồn, sự khao khát”, như thể anh đang cúi đầu trước những cảm xúc đó và trân quý chúng. Điều này cho phép cảm xúc được mở ra – có thể nó sẽ thậm chí dữ dội hơn một chút – nhưng sau cùng rồi sẽ dịu đi. Bước tiếp theo là ôm ấp tất cả những nỗi sợ, sự hoang mang và bất lực đó bằng lòng trắc ẩn. Những cảm xúc đều là một phần của bản năng chiến đấu-bỏ chạy-đóng băng (fight-flight-freeze) của cơ thể và tâm trí. Nếu tôi cho những cảm giác đó một không gian để chúng hiện hữu và thời gian để chúng rời đi, như thể nhận thức của tôi trở lên rộng lớn hơn và tôi có thể ôm ấp tất cả những cảm xúc đó dễ dàng hơn, với lòng trắc ẩn, sự hiện diện và cả sự vững chãi lớn lao hơn.
David:
Nhưng những gì ông mô tả nghe giống như điều mà ông sẽ thực hiện một mình trước khi đi ngủ hoặc đại loại thế. Vậy còn những thời điểm khác trong ngày khi mà – tôi không biết nữa – ông đọc được những điều đáng sợ về các ca tử vong do virus Corona, và những đứa trẻ con ông thì đang “phát điên” vì phải giãn cách xã hội, và ông cảm thấy mọi căng thẳng bên trong mình như sắp vỡ tung? Đâu phải lúc nào ta cũng có được “sự xa xỉ” để xử lý nỗi lo trong vài thời điểm dành cho việc nhìn lại chính mình.
Jack:
Tôi thích câu thơ của nhà thơ thiền người Nhật, Ryokan Taigu (1): “Last year, a foolish monk. This year, no change.” (tạm dịch: Năm ngoái, một nhà sư ngốc. Năm nay, chẳng khác gì). Đầu tiên, ta cần nhận thức rằng đây là bản chất của con người. Những cảm xúc anh nhận biết chính là kết quả của cách mà cơ thể cố gắng kiểm soát mọi thứ. Tiếp theo, anh nên nói với lũ trẻ: Hãy dừng lại một chút. Anh không cần phải ngồi xuống và thực hiện nghi thức thiền tọa. Vào thời khắc anh thấy mình sắp sụp đổ, hãy hít thở và rời đi chỗ khác. Hãy mang năng lượng của sự tỉnh thức đầy tình thương đó và gọi tên cảm xúc của mình một cách nhẹ nhàng – cơn giận, sự lo lắng, nỗi sợ hay bất cứ cái gì mà chúng có thể là – và sau đó, anh có thể đặt tay lên trái tim mình và nói: “Cảm ơn bạn vì đã cố gắng để bảo vệ tôi. Tôi ổn.” Chuyện này chỉ mất 10 giây, và nó cho phép chúng ta lấy lại nhận thức của mình. Tất cả những nghiên cứu tốt về sang chấn tâm lý và cách để giải phóng nó đều dựa trên phương pháp nhận biết này.
David:
Chúng ta có nên thử tìm điểm cân bằng giữa cảm xúc của mình và của nhưng người khác không? Thật khó khi những người khác – cha mẹ hoặc bạn bè chẳng hạn – không nhìn nhận dịch bệnh nghiêm trọng như cách ta muốn. Và ngược lại, cũng thật khó để biết nên cư xử thế nào khi họ hoang mang lo lắng hơn mình. Ta không muốn phủ nhận điều mà họ đang trải qua, nhưng đồng thời ta cũng không thể chia sẻ điều mà ta không cảm thấy.
Jack:
Hãy thực tế một chút đi nào, anh bạn. Kiểm soát cảm xúc cá nhân đã đủ khó khăn cho anh rồi, và giờ anh còn muốn kiểm soát cảm xúc của người khác ư? Câu trả lời ở đây là anh hãy hiểu rằng mình sẽ phải trải qua những vòng luẩn quẩn của sự lo lắng và nỗi sợ – và vào thời điểm bài viết này được đăng, tôi nghĩ chúng ta sẽ đối mặt với nỗi buồn nhiều hơn là nỗi sợ. Nhưng anh chỉ có thể chăm sóc được chính mình. Anh có thể hít thở một chút và nhận thức về điều anh đang cảm nhận, cũng như điều anh đang phán xét người khác: “Tôi ước gì họ đừng lo lắng quá như thế” hay “Tôi ước gì họ đừng thờ ơ như vậy”. Anh có thể cảm nhận tất cả những điều đó với lòng từ và nói, “Tôi chỉ đang cố gắng bảo vệ bản thân mình và những người khác một cách tốt nhất, và họ đang làm những điều tốt nhất mà họ có thể.”
Kiểm soát cảm xúc cá nhân đã đủ khó khăn cho anh rồi, và giờ anh còn muốn kiểm soát cảm xúc của người khác ư?
Jack Kornfield
David:
Sẽ có rất ít người không bị ảnh hưởng bởi cái chết theo cách này hay cách khác sau khi tất cả chuyện này kết thúc. Ông sẽ tư vấn cho mọi người như thế nào về chuyện này? Mọi thứ dường như quá bất ngờ và khó nắm bắt.
Jack:
Tôi sẽ không tư vấn cho mọi người theo một cách cụ thể nào cả. Có những người thể hiện sự đau buồn bằng những cách dữ dội, và có những người thì lặng lẽ hơn. Tôi nhận ra rằng nỗi buồn có cách của riêng nó, và chúng ta cần phải tôn trọng điều này. Nhưng điều tôi sẽ nói với anh là vào thời điểm mà bài báo này được đăng, sẽ có những người chúng ta biết đã qua đời. Có những người ta biết đang nằm trong bệnh viện. Ta sẽ ôm ấp tất cả những điều đó trong tâm mình, và chúng sẽ hiện diện trong hình hài của nỗi buồn. Vì thế, tôi muốn giúp mọi người giữ lấy lòng nhân văn, cảm xúc và sự trắc ẩn. Sẽ có nỗi buồn và nước mắt, tất cả những cảm xúc ấy. Và khi tôi cho phép bản thân mình yên lặng và cảm nhận chúng, và nói “Được rồi, hãy cứ đến với tôi đi”, chúng sẽ hiển lộ. Anh sẽ không cố gắng sửa chữa gì ở những điều đó cả. Anh ôm ấp chúng, chúng từ từ lộ diện và ổn định, và anh sẽ cảm thấy an lạc và vững chãi. Đó là điều đầu tiên.
David:
Điều thứ hai là gì, thưa ông?
Jack:
Có rất nhiều điều để bàn tới. Có những người cần được ở một mình với nỗi buồn của họ. Có những người lại cần ở cùng nhau, dù dưới hình thức online hay cùng sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, hoặc viết lách gì đó. Có rất nhiều cách để giúp đỡ mọi người. Một trong những cách đó là sử dụng sức mạnh của sự sáng tạo trong ta. Mọi thứ mà con người sáng tạo ra đều xuất phát từ đó. Mọi tòa nhà tuyệt vời ở New York, nơi anh sống, David, đều đã từng được vẽ nên trong tâm trí của một ai đó. Và cũng như thế, chúng ta có thể cho phép bản thân mình có một hình ảnh về nỗi buồn. Đó có thể là hình ảnh của một người đang khóc hoặc một cái ly bị tràn nước. Hoặc ta có thể đặt nỗi buồn của mình – trong tâm trí mình – vào vòng tay của Mẹ Mary hay Bồ Tát Quán Thế Âm, vị bồ tát của lòng từ (2). Hoặc vào thế hệ của các nhà khoa học và y học – những người đã đưa chúng ta vượt thoát những dịch bệnh trong quá khứ rồi tự nhủ: “Chúng ta đã từng vượt qua những điều này. Chúng ta biết cách để làm nó.” Chỉ cần bạn đừng mang gánh nặng này một mình. Luôn có những tình thương đồng hành với bạn, cả trong lúc này và trong quá khứ, ở bên cạnh bạn.
David:
Cảm giác rằng chúng ta có quá ít khả năng kiểm soát đối với cái chết có thể đến với ta trong lúc này – đó có phải là kết quả của những mối lo lắng hiện nay không? Ta lo lắng về bản thân hoặc những người ta yêu thương sẽ chết vì Covid-19.
Jack:
Câu hỏi của anh đi trực diện vào trái tim của những người đang đọc bài viết này. Cái chết là một bí ẩn lớn. Thật quái đản khi chúng ta có tính cách và cơ thể, cả một cuộc sống và gia đình, và rồi sau đó, đùng một cái, tất cả biến mất. Chúng ta kiếm tìm một câu chuyện và nhận thức trong cuộc sống của mình, nhưng trước tiên ta đối mặt với bí ẩn của cái chết. Những gì tôi biết được từ 50 năm thiền định (3) và làm công việc ở trại tế bần là: ta không chỉ là cơ thể này. Bạn được tạo ra từ “spirit”. Và “spirit” khiến cho ngay cả khi mọi người chết đi, chúng ta vẫn còn kết nối sâu sắc với họ trong sự thương yêu. Với cách hiểu đó, họ không hẳn đã chết. Họ ở trong chúng ta, không chỉ trong trái tim ta mà còn ở hiện hữu trong đời sống của ta. Biết được điều này không khiến cho nỗi buồn biến mất, và nó không làm mất đi sức mạnh của nỗi khổ đã đánh động chúng ta về cội rễ của mình, nhưng nó giúp ta biết điều gì đó lớn lao hơn tất cả những thứ này: Chúng ta không chỉ là thân thể này. Chúng ta là “conciousness” (tạm dịch “Tâm thức”).
David:
Có sao không nếu như tôi không tin điều đó? Tôi tin rằng khi chúng ta chết, chúng ta sẽ biến mất. Vậy tôi còn có thể tiếp nhận những gì ông nói một cách thoải mái không?
Jack:
Không thành vấn đề. Tôi đang gợi ý mở ra giới hạn để những người đọc bài viết và có quan tâm về chuyện này có thể khám phá nó. Anh biết đấy, ngày tôi còn nhỏ (4), nếu trời quang mây tạnh, tôi thường ra ngoài và nằm dài trên bãi cỏ. Tôi sẽ tưởng tượng rằng mình không phải đang nhìn lên các vì sao mà là đang nhìn xuống một biển sao rộng lớn. Nó mang lại cho tôi cảm giác tổng hòa của sự kinh ngạc và sợ hãi. Chúng ta ở đâu trong vũ trụ này? Nó thật là rộng lớn. Vì thế khi ta nói về những câu hỏi liên quan tới cái chết, ta có thể mang theo tất cả những ý tưởng của mình. Tôi đã có những trải nghiệm cá nhân rất mạnh mẽ, nhưng đây không phải là điều mà tôi sẽ yêu cầu ai đó phải tin. Anh là một con người trên trái đất này vào thời điểm này, và anh không chỉ có một cơ thể mà còn có cả một tâm thức kỳ diệu. Không có nghiên cứu khoa học thực sự nào về tâm thức. Đó vẫn còn là một bí ẩn. Tôi muốn chia sẻ thêm một điều hoàn toàn khác, nếu tôi có thể.
David: Tất nhiên rồi.
(HẾT PHẦN 1)
Anh là một con người trên trái đất này vào thời điểm này, và anh không chỉ có một cơ thể mà còn có cả một tâm thức kỳ diệu.
Jack Kornfield
(1): Ryokan Taigu (1758-1831) được coi là một trong những nhà thơ kiệt xuất của trường phái Soto (Tào Động) của Thiền tông Nhật Bản.
(2): Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát là người hướng đến sự giác ngộ với lòng từ bi để giúp đỡ người khác.
(3) Trong 31 năm cuối của giai đoạn này, Kornfield đã giảng dạy tại Trung tâm Thiền tập Spirit Rock tại Woodacre, California, nơi ông ấy góp công sáng lập. Có khoảng 40.000 người tới đây hàng năm.
(4) Kornfield và 3 anh em trai lớn lên trong một gia đình có bố là nhà vật lý sinh học – người được Kornfield mô tả rằng đã ngược đãi vợ và những đứa con.
Trích dịch “Things keep getting scarier. He can help you cope.” trên New York Times (David Marchese)
Bản dịch được đóng góp bởi
Anh Khoa, Minh An
(nhóm Viết Để Tự Do cùng Phiên Nghiên) Nếu bạn muốn tình nguyện dịch bài thì inbox cho page @vietdetudo nhé.
🔸 Mục TỪ TỪ ĐỌC giới thiệu những bài viết cần đọc từ từ. Cảm ơn bạn đã cùng đọc.