TRỊNH CÔNG SƠN – THÍCH NHẤT HẠNH và câu hỏi Tại Sao?

(1) Tuần rồi mình xem video “Lạm phát văn hóa trong hiện tượng Trịnh Công Sơn” của Hội Đồng Cừu, em Trung có đề cập “một vị lãnh tụ tôn giáo”, một hình tượng gần gũi ở nhiều quốc gia đã nổi tiếng trước tiên không vì ‘chuyên môn’ mà vì “lướt sóng” văn hóa phản chiến. Em tránh nói tên nhưng mình cho rằng em ngầm chỉ thầy Thích Nhất Hạnh.

Phải nói ngay rằng ý này chính xác.

Số phận của Thầy cũng như Trịnh Công Sơn đều được đặt trong một thời cuộc đặc biệt, khi chiến tranh Việt Nam đang giai đoạn nóng bỏng và báo chí cánh tả ở Mỹ cũng nóng không kém, cần câu chuyện thật và những nguồn cảm hứng dễ chạm đối với người Mỹ để phản đối cuộc chiến. Đúng là Thầy đã (may mắn) nhờ vậy mà được “lăng-xê” trên nhiều phương tiện truyền thông, được kết nối với những tổ chức giúp Thầy có những sự kiện “du dạy”, “du thuyết” lớn.

.
Sự nổi tiếng của Thầy Thích Nhất Hạnh trước hết không phải vì Mindfulness – Chánh niệm như người ta nhìn nhận hiện nay mà chính là hình tượng nhân vật tôn giáo phản chiến tiêu biểu những năm 1960.

Tương tự, những năm ấy, Trịnh Công Sơn cũng nổi tiếng rầm rộ trên thị trường quốc tế nhờ hình tượng nghệ sỹ phản chiến hơn là những tác phẩm của ông.

Trịnh Công Sơn nổi tiếng bất đắc dĩ, khi “phiền muộn” trở thành một với hơi thở và “trốn lính” trên quê hương trở thành kỹ năng thì bỗng dưng “được so sánh” với Bob Dylan.

Thích Nhất Hạnh nổi tiếng bất đắc dĩ, khi phụng sự cho “hòa bình” là một tôn chỉ và đang bôn ba tìm lối thì bỗng dưng “được so sánh” với mục sư King.

Định mệnh đã đặt Trịnh vào thời cuộc ấy để học vài bài học đáng giá. May mắn thay, Trịnh đã hát lại phần nào đời mình từ những quan sát trong chiến tranh đến trauma bản thân. Rốt cuộc thì cái ông theo đuổi chính là “cách sống cùng nhau”, là “hòa bình”, là “tình yêu”.

Còn cuộc “lướt sóng” của Thầy rất chủ động và ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống cá nhân. Năm 1966, sau chuyến gặp gỡ hàng loạt các nhà hoạt động hòa bình, trong đó có mục sư Martin Luther King, Thầy đã đưa ra một bản kiến nghị chấm dứt chiến tranh nhưng ngay lập tức bị giới truyền thanh, báo chí và chính quyền miền Nam Việt Nam tố cáo tội phản quốc và bị tước quyền trở về nước (đọc thêm trong Hồi ký của Sư Cô Chân Không). Gần 40 năm sau Thầy mới được đặt chân về quê hương – một cái giá đắt cho người yêu Việt Nam tha thiết như Thầy.

Đối với mình, Thầy chủ động trên đầu ngọn sóng với mục đích rất riêng: “Tội của tôi là đã dám lên tiếng kêu gọi hòa bình”, Thầy nói. Và sau 1975, Thầy giữ nguyên giá trị dù phải tha hương, vẫn nhờ thời cuộc mà lan tỏa “hòa bình” một cách chủ động trong phép tu tập của mình. Làng Mai sau nhiều khó khăn đã dần lớn dậy. Thời điểm mình viết những dòng này, Làng Mai kỷ niệm 40 năm.
.
(2) Họ cùng ở trong một tình thế định mệnh. Họ có sợ hãi không? Có hoang mang không? Có đau khổ không? Có chứ, hãy đọc những bức thư Trịnh gởi từ B’lao, hay “Nẻo về của Ý” mà Thầy đã viết.

Thầy từng chia sẻ, nếu bắt Thầy phải chọn giữa đạo Phật và hòa bình, “Thầy chọn hòa bình.”

Trịnh thì phát biểu rằng “Đứa con lừng lẫy nhất cũng không thể nào lớn hơn quê hương”.

Rất rõ ràng. Họ ở trong cuộc chiến nhưng không vào một phe nào của cuộc chiến. Trịnh đã chọn sống và làm việc trọn cuộc đời trên “quê hương”. Thầy chọn sống và phụng sự trọn đời cho “hòa bình”.

Khái niệm “hòa bình” và “quê hương” của Trịnh và Thầy nếu gói gọn trong hoàn cảnh chiến tranh, nó chỉ là “hòa bình” không súng đạn và “quê hương” Việt Nam, nhưng sau này khi nhìn xa hơn, mình hiểu hơn tại sao giá trị của họ lại sống lâu đến vậy. Lẽ lớn nhất bởi họ không nhìn trong một khung cửa hẹp mà nhìn dài suốt trên phận người.
“Hòa bình” không chỉ nằm nơi họng súng, mà nằm trong tư tưởng trói buộc cuộc đời.
“Quê hương” không chỉ là mảnh đất địa lý, mà còn là cả một trần gian.
.
Mình cảm giác cái lớn nhất cần ghi nhận là Trịnh sống rất thực với cuộc đời của Trịnh, và tư tưởng trùng hợp với ngọn sóng cao của thời cuộc đã sinh ra một nhạc sĩ phản chiến gắn liền với số phận dân tộc, thành ra khi cuộc chiến hết ông cũng trở về với cuộc đời, vẫn những cảm xúc ngồn ngộn và những trăn trở triết học của ông dù ngoài kia ngưng tiếng súng.

Còn Thầy đã sống rất thực với trái tim thương người, đã chủ động tìm đường, bước ra khỏi những lề thói cũ và phát triển “Đạo Phật tiếp hiện”, dù vấp phải nhiều khó khăn, chỉ trích và phá hoại nhưng vẫn kiên lòng.

Họ đã băng qua thời cuộc bằng sự tò mò với cuộc đời, bằng thực tập cá nhân, bằng trái tim rộng mở.
.
(3) Nhìn lại tuổi trẻ ngơ ngác, câu hỏi đau đáu của mình là tại sao một người lại ở chỗ mà họ đang ở? Tại sao mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau? Tại sao mình phải ở trong thời cuộc này, quốc gia này, gia đình này?

Nếu ai đó đang vùng vẫy và ngơ ngác trong những gì dường như là bất hạnh chỉ xảy ra với mình, thương mong bạn được đủ can đảm sống tiếp một chút nữa, để góp thêm duyên may mà chạm câu trả lời vô ngôn đang đợi chờ đâu đó trên con đường phía trước. Những câu hỏi sẽ biến tan đi và ta cũng không còn sợ hãi sự biến tan của bất kỳ thứ gì ta thấy biết…

Ừ, không phải lúc nào ta cũng cần câu trả lời bằng từ ngữ, chỉ cần nhìn sâu, sống tiếp.

Đôi khi ta sống tiếp chỉ bằng cách biết thở một hơi thở tiếp, hoặc bằng một lời nhạc bỗng rớt trên môi.

Cảm ơn di sản của Thầy và Trịnh.

Phiên Nghiên
CA, 6.2022

/P.S: Hẹn phần sau với chủ đề “Tại sao mình không còn nghe Trịnh nữa?”/

Tặng bánh mì cho Viết để tự do

Viết Để Tự Do được Phiên Nghiên khởi xướng để kết nối những người thích Viết, thực hành Freewriting như công cụ bày tỏ, tìm hiểu bản thân, vì khi một người hạnh phúc sẽ có một cộng đồng quanh họ hạnh phúc! Phiên và nhóm thực hiện luôn biết ơn sự chia sẻ của bạn, dù khoản đóng góp bằng “1 ổ bánh mì” hay “1 lò bánh mì”. Biết ơn vài phút mà bạn dành ra để thực hiện nghĩa cử này bằng cách chuyển khoản yểm trợ qua Techcombank/Paypal/Visa tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s